LTS: Từ ngày 1-1-2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực. Đáng chú ý, luật quy định, cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Như vậy, khi người dân đã uống rượu, bia thì không được điều khiển bất cứ loại phương tiện nào, kể cả xe đạp. Đây được xem là biện pháp mạnh nhằm giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông đường bộ, đồng thời hạn chế tác hại do sử dụng rượu, bia gây ra.
Trước đây, để bắt đầu một mối quan hệ hay cuộc trò chuyện, người ta thường lấy "miếng trầu là đầu câu chuyện". Thế nhưng giờ đây, tập tục đó dường như đã bị thay thế bằng rượu, bia và không hiểu từ khi nào đã được xem như nét văn hóa của người Việt. Có trăm nghìn lý do để... nâng cốc bia, chén rượu. Và ngay cả khi chỉ còn vài ngày nữa Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thì nhiều người sinh sống tại Hà Nội vẫn "bình chân như vại", vẫn say sưa với men rượu.
Những con số đáng lo ngại
Những ngày cuối năm, Hà Nội lạnh hơn bởi từng đợt gió lạnh tăng cường. Thế nhưng mới 10h sáng mà quán bia hơi Hiếu Béo (số 70 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) đã đông khách. "Bia vào, lời ra", tiếng cụng ly xen lẫn giọng nói oang oang chào mời, ép uống của các thực khách. Hơn 11h trưa, quán bia đã đầy ắp khách.
Tại nhà hàng Hồng Hạc quán, phố Chùa Láng, phường Láng Thượng (quận Đống Đa), lượng khách cũng khá đông. Anh Đỗ Anh Tuân, trú ở phường Nam Đồng, nhân viên một công ty xây dựng cho biết, hôm nay công ty tổ chức liên hoan cuối năm, ngoài thức ăn thì rượu, bia không thể thiếu. "Do mắc bệnh lý tim mạch, tôi phải nói không với rượu, bia. Do từ chối uống, tôi đã nhận được những lời gièm pha, khích bác, thậm chí mỉa mai chê kém cỏi của đồng nghiệp...", anh Tuân chia sẻ.
Ghi nhận của phóng viên từ nhà hàng cao cấp đến hàng ăn bình dân trên nhiều tuyến phố như Tràng Thi, Hai Bà Trưng, Quán Thánh, Đội Cấn, Nguyễn Trãi, Thái Hà, Hàng Buồm, Tạ Hiện, Hào Nam, Tăng Bạt Hổ, Tô Hiệu..., cứ vào giờ ăn buổi trưa hay hết giờ làm việc buổi chiều, nơi nào cũng sôi động với những tiếng chúc tụng, cụng ly. Đáng nói, sau khi uống bia, rượu, nhiều người vẫn điều khiển phương tiện ô tô, xe máy tham gia giao thông.
Nói về mức độ tiêu thụ rượu, bia, theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang, Việt Nam được xếp hạng đứng thứ hai các nước Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 thế giới. Tính trung bình, một người Việt Nam trên 15 tuổi tiêu thụ 3,8 lít cồn/người/năm giai đoạn 2003-2005; tăng lên 8,3 lít cồn/người/năm giai đoạn 2015-2017. Tổ chức Y tế Thế giới dự báo, nếu Việt Nam không có biện pháp ngăn chặn thì con số này đến năm 2020 có thể tăng lên 9,9 lít và 11,4 lít vào năm 2025. Qua đó đưa Việt Nam thành "cường quốc" sử dụng rượu, bia.
Bình chân như vại trước giờ G
Trong những ngày qua, các phương tiện thông tin thông báo rộng rãi về việc Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, với nhiều điểm mới siết chặt hơn: Đã uống rượu, bia thì không được lái xe; cơ sở bán rượu, bia phải dán thông báo không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia; không mở mới điểm bán rượu, bia gần trường học, bệnh viện; thành viên gia đình được hướng dẫn kỹ năng từ chối uống rượu, bia; không quảng cáo rượu, bia dưới 5,5 độ trong khung giờ "vàng"...
Tuy nhiên, ghi nhận tại các nhà hàng, chủ quán không quan tâm lắm đến những quy định này. Cụ thể, chị Nguyễn Thu Hằng, chủ cửa hàng ăn tại số 4 đường Kiều Mai, phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm), cho biết: "Cửa hàng chưa nhận được hướng dẫn gì về việc phải dán thông báo không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi. Vì vậy, chúng tôi cứ bán hàng cho tất cả thực khách, không phân biệt dưới 18 tuổi, khi nào có thông báo thực hiện chính thức thì… sẽ tính".
Còn theo ông Nguyễn Việt Hùng, trú tại ngõ 323 Đội Cấn, phường Đội Cấn, người có "thâm niên" ăn nhậu, khách "ruột" của quán bia Hải Xồm ở 48 Tăng Bạt Hổ, phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng), thì luật có hiệu lực hay không không khiến ông bận tâm. Nguyên nhân là từ năm 2016 khi Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt ban hành, báo chí đưa tin rầm rộ về mức phạt nặng đối với người điều khiển ô tô, mô tô có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép nhưng qua nhiều lần uống rượu, bia lái xe mà không bị phạt nên ông Hùng tự tin, luật lần này chắc không có gì đáng lo ngại.
Sự "bình chân như vại" này cũng thể hiện tại các chốt kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội những ngày vừa qua. Theo Thiếu tá Lê Văn Tiến, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 9 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố) thực hiện chỉ đạo của phòng, đơn vị đã tăng cường kiểm tra đo nồng độ cồn trên các tuyến đường phụ trách. Tuy nhiên, dù đã tuyên truyền nhiều nhưng lái xe không quan tâm, bằng chứng là nhiều người vi phạm nồng độ cồn chây ì, không hợp tác với Cảnh sát giao thông, có trường hợp phải mất đến vài tiếng mới xử lý xong.
Sự thờ ơ xuất phát từ việc nhiều người sử dụng rượu, bia như một thói quen. Hơn nữa, rượu, bia tại Việt Nam đang được bán tràn lan và giá bán rất rẻ so với thu nhập của người dân nên bất cứ ai cũng có thể dễ dàng mua và sử dụng. Mặt khác, sản phẩm rượu, bia đang được quảng cáo rất "thoải mái" trên internet, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội... Việc xử lý vi phạm lại chưa thường xuyên và kiên quyết nên không đủ sức răn đe khiến nhiều người nhờn luật.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.