Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biện pháp không thể thiếu để giảm nhanh nợ xấu?

Hương Thủy| 12/12/2014 08:57

(HNMO) - Theo Nghị quyết của Quốc hội, đến cuối năm 2015, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng xuống dưới 3% tổng dư nợ. Vì thế, thời gian tới, xử lý nợ xấu cần được đẩy nhanh hơn bao giờ hết. Vậy, chuyển nợ thành cổ phần có trở thành biện pháp được sử dụng nhiều để giảm nợ xấu trong thời gian tới?

(HNMO) - Theo Nghị quyết của Quốc hội, đến cuối năm 2015, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng xuống dưới 3% tổng dư nợ. Vì thế, thời gian tới, xử lý nợ xấu cần được đẩy nhanh hơn bao giờ hết. Vậy, chuyển nợ thành cổ phần có trở thành biện pháp được sử dụng nhiều để giảm nợ xấu trong thời gian tới?


Thách thức không nhỏ

Nợ xấu được coi như “cục máu đông”, điểm nghẽn của nền kinh tế. Vì thế mà việc xử lý nợ xấu luôn được các nước quan tâm. Tại một số quốc gia trên thế giới, xử lý nợ xấu được thực hiện bằng các biện pháp như: Điều chỉnh các quy định liên quan đến phân loại và quản lý nợ xấu hoặc cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) và bên đi vay thương lượng phương án xử lý nợ dưới nhiều hình thức như thanh lý tài sản, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất; hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ thông qua việc cấp thêm vốn cho các định chế tài chính nhằm nâng cao năng lực tài chính để xử lý nợ xấu; thành lập các công ty quản lý tài sản để tập trung xử lý nợ xấu của các TCTD.

Xử lý nợ xấu chưa đạt kết quả như mong đợi. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Còn tại Việt Nam, vấn đề xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã được đề cập từ tháng 3 năm 2012, nhưng có vẻ như kết quả vẫn khá khiêm tốn. Các biện pháp được thực hiện là trích lập dự phòng rủi ro, phát mại tài sản, thu hồi nợ, bán cho các công ty quản lý tài sản (VAMC), chuyển nợ thành cổ phần. Trong đó, dường như ba biện pháp truyền thống đầu chưa thực sự có hiệu quả cao; còn mô hình VAMC được cho là phù hợp để giảm tỷ lệ nợ xấu nhưng hiệu quả hoạt động vẫn chưa được phản ảnh rõ ràng vì khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện. Sau khi hơn 90.000 tỷ đồng dư nợ gốc của các ngân hàng thương mại (NHTM) được bán cho VAMC thì công ty này mới xử lý được số ít. Và trong năm nay, công ty “chủ yếu xử lý nợ mang tính hạch toán nhiều hơn, có nghĩa những khoản nợ xấu đó đem ra khỏi “cơ thể” ngân hàng để cho vào VAMC rồi tìm bãi đậu ở đó, chứ việc xử lý nợ xấu thực sự vẫn rất chậm” như nhận định của một chuyên gia kinh tế.

Chính vì thế, trong phiên chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 29/9 vừa qua, trước đề cập của một đại biểu về cần xây dựng luật riêng cho VAMC để xử lý “cục máu đông” này, người đứng đầu NHNN hoàn toàn ủng hộ. Nhưng để có khuôn khổ pháp lý hoàn thiện cho VAMC thì không thể giải quyết ngay được.

Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 9/2014, tỷ lệ nợ xấu là khoảng 5,4%. Trong khi đó, nợ xấu lại có dấu hiệu gia tăng.

Với tình hình trên, có thể nói, giảm nợ xấu xuống dưới 3% vào cuối năm 2015 là thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng. Ngay từ lúc này, ngành phải đẩy mạnh các giải pháp để thực hiện mới mong cán đích. Và có lẽ, chuyển nợ thành cổ phần được coi là biện pháp xử lý nợ xấu nhanh trong bối cảnh hiện nay. Vào đầu tuần này, NHNN đã đồng ý với chủ trương để Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) trở thành nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) và các công ty thành viên của tập đoàn này, tức Vietinbank được chuyển số nợ vay của Vinalines và các đơn vị thành viên thành vốn cổ phần tại các cảng thành viên khi tiến hành cổ phần hóa. Chủ trương này nhắm đến Công ty Cảng Hải Phòng và Cảng Đà Nẵng, hai công ty thành viên của Vinalines. Được biết, tính đến cuối năm 2013, nợ của Vinalines tại Vietinbank là hơn 5.000 tỷ đồng, là một trong những khách hàng có dư nợ lớn nhất.

Biện pháp mang tính kỹ thuật

Thực ra, không phải bây giờ mới có việc xử lý nợ xấu bằng chuyển nợ thành cổ phần, mà trước đó, vào năm 2012 SHB đã thực hiện. Đó là khi Công ty cổ phần thủy sản Bình An (Bianfishco) nợ tiền của ngân hàng Habubank-ngân hàng đã sáp nhập vào SHB và khó có khả năng chi trả, SHB đã tiếp nhận khoản nợ xấu tại Bianfishco và còn tiếp nhận thêm cổ phiếu của công ty này, trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 25 triệu cổ phần của Bianfishco, bằng 50% vốn điều lệ của công ty (vốn điều lệ là 500 tỷ đồng).

Tuy nhiên, bình luận về biện pháp xử lý nợ xấu trên, TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, đây thực chất là thay vì không thể xóa nợ thì cách cuối cùng là chuyển đổi nợ sang cổ phần, nhưng biện pháp này không thực sự được khuyến khích bởi, NHTM không có chức năng để trở thành cổ đông của đơn vị sản xuất kinh doanh. Mặc dù ngân hàng ở Việt Nam là ngân hàng đa năng, tức vừa là NHTM, vừa là ngân hàng đầu tư nhưng thực chất chủ yếu là NHTM, mà đã là NHTM thì phải huy động vốn từ dân chúng để cho vay, chứ không phải để đầu tư. “Đầu tư khác với cho vay. Cho vay là cho vay đi và có thời hạn lấy lại tiền, còn đầu tư là loại kinh doanh không có kỳ hạn trả nợ. Vì thế, khi chuyển nợ thành cổ phần, có sự chênh giữa hai dòng vốn, đầu vào là ngân hàng huy động có kỳ hạn nhưng đầu ra lại vĩnh viễn nên sẽ có rủi ro về thanh khoản, và điều này không đúng thực chất của NHTM”.-Chuyên gia này lo ngại.

Với trường hợp của Vinalines, giải pháp này sẽ giúp Vinalines và các công ty thành viên giảm bớt gánh nặng tài chính. Nhưng khi trở thành cổ đông của Vinalines, Vietinbank phải tham gia quản trị doanh nghiệp, mà quản trị doanh nghiệp không phải là chức năng của ngân hàng. “Vì vậy, nếu không còn cách nào nữa mới phải thực hiện cách này”.-TS Trí Hiếu nói. Bên cạnh đó, nợ của Vietinbank được chuyển sang cổ phần của hai công ty là hai cảng, nếu hai cảng đó hoạt động kinh doanh tốt là điều đáng mừng, nhưng kinh doanh không tốt thì sẽ có rủi ro về kinh doanh.

Mặc dù vậy, theo  chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, nếu cứ thực hiện xử lý nợ xấu theo cách truyền thống là thu hồi nợ, trích lập dự phòng rủi ro, phát mại tài sản như thời gian qua thì rất khó để giảm nợ xấu. “Nên cách cuối cùng là chuyển nợ thành vốn cổ phần. Đây là cách mang tính kỹ thuật, cách nhanh nhất để giảm nợ xấu”.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Biện pháp không thể thiếu để giảm nhanh nợ xấu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.