(HNMO) - Phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội diễn ra trong hai ngày 30-11 và 1-12, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội yêu cầu, song song với các biện pháp đồng bộ để đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế, cần xây dựng kế hoạch nội dung công việc, tiến độ cụ thể để tập trung triển khai các chủ trương lớn của Thành ủy ngay trong năm 2022, như dự án đường Vành đai 4, cải tạo chung cư cũ, lập quy hoạch phát triển và điều chỉnh quy hoạch chung...
Theo Bí thư Thành ủy, với tinh thần trách nhiệm cao, sau 1,5 ngày làm việc rất khẩn trương, tích cực và hiệu quả, Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.
Các đồng chí Thành ủy viên và các đại biểu tham dự đã phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ, tâm huyết vào các tờ trình, báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Cán sự đảng UBND thành phố. Qua tổng hợp, đã có 89 lượt đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị. Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã tiếp thu, giải trình các ý kiến của các đại biểu tham dự hội nghị. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị và giao Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện các văn bản trước khi ban hành.
Bức tranh tổng thể vẫn có nhiều điểm sáng
Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp hơn so với dự báo. Đặc biệt, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư với biến thể Delta lây lan nhanh đã tác động nặng nề, tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội của thành phố năm 2021 vẫn có nhiều điểm sáng.
Nổi bật là Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng khác bảo đảm an toàn tuyệt đối trên mọi phương diện. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm thực hiện; đặc biệt, chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 5 đến nay, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và ban hành 5 văn bản rất quan trọng trong công tác cán bộ, trong đó có một nghị quyết chuyên đề và 4 quy định nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thành phố đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của Thủ đô trong giai đoạn mới.
Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngay từ khi bùng phát đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4-2021 đến nay), Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên họp định kỳ hằng tuần và họp đột xuất để lãnh đạo, chỉ đạo, cho ý kiến về chủ trương, biện pháp, giải pháp; ban hành 47 thông báo kết luận, 3 chỉ thị, 7 công văn để lãnh đạo, chỉ đạo... Thành phố đã tập trung thần tốc truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm tầm soát y tế diện rộng trên toàn địa bàn thành phố; đã thực hiện tiêm phủ vắc xin mũi 1 cho trên 94%, mũi 2 cho trên 83% người dân từ 18 tuổi trở lên; đang tổ chức tiêm cho trẻ em từ 12 đến 18 tuổi. Hà Nội vẫn cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và bảo vệ an toàn cho Thủ đô; đang tập trung thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ.
Trong bối cảnh chịu tác động từ dịch Covid-19, cân đối thu - chi ngân sách vẫn được đảm bảo; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 241.896 tỷ đồng, vượt 2,7% so với dự toán Trung ương giao; bảo đảm nhu cầu chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch Covid-19, chi hỗ trợ người lao động và đối tượng sử dụng lao động, chi bảo đảm an sinh xã hội. Lạm phát được kiểm soát, Chỉ số CPI bình quân ước tăng 1,9-2,4% (thấp hơn mức tăng năm 2020 là 2,67%).
Sản xuất công nghiệp phục hồi khá; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 4,78% (năm 2020 tăng 4,7%). Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn với mức tăng trưởng 2,83-2,95%.
Công tác cải cách hành chính; kỷ luật, kỷ cương hành chính từng bước được tăng cường, củng cố. Thành phố đã tổ chức 2 hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tập trung tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể là 7/23 chỉ tiêu, trong đó có 4 chỉ tiêu về kinh tế không đạt kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, không đạt mục tiêu đề ra. Công tác xác định, thu nghĩa vụ tài chính về đất đai còn chậm; thu đấu giá quyền sử dụng đất không đạt dự toán được giao. Tiến độ lập đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và lập Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 rất chậm. Vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ, chậm hoàn thành các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng... Đồng chí cũng lưu ý, công tác tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại một số quận, huyện đôi lúc còn bị động, cá biệt có nơi còn lơ là, chủ quan...
“Với những tồn tại, hạn chế nêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đề nghị cấp ủy, người đứng đầu các cấp, các ngành của thành phố có giải pháp khắc phục ngay trong thời gian tới”, Bí thư Thành ủy yêu cầu.
Đề cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu
Về nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công năm 2022, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Thành ủy là: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất; tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm 2022 là năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; đề cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị; chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm, gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên. Xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, khả thi, tập trung thực hiện từng nhiệm vụ, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm (2021-2025) và năm 2022”.
Cơ bản đồng tình với mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của năm 2022 do Ban Cán sự đảng UBND thành phố đề xuất, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố yêu cầu tập trung quyết liệt triển khai thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Đáng chú ý, để ngăn chặn, kiểm soát kịp thời, hiệu quả sự lây lan của dịch Covid-19 trên địa bàn trong tình hình mới, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố yêu cầu cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, các chỉ thị, thông báo kết luận, văn bản chỉ đạo của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy và UBND thành phố, chủ động sẵn sàng ứng phó nhanh, kịp thời, đáp ứng hiệu quả trước mọi diễn biến của dịch Covid-19. Trong đó, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lưu ý 8 giải pháp chủ yếu; đặc biệt yêu cầu tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Nơi nào lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để lây lan dịch bệnh thì nhất quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu và các bộ phận, cán bộ, công chức liên quan.
Song song, Bí thư Thành ủy yêu cầu tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp để duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước; đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển các ngành kinh tế, nhất là dịch vụ thương mại, du lịch, phục hồi các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối; quyết liệt giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm.
Bí thư Thành ủy chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao. Đồng chí yêu cầu cần khẩn trương rà soát, tổng hợp và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của thành phố một cách thực chất các dự án bất động sản đã giao từ thời tỉnh Hà Tây và huyện Mê Linh trước khi sáp nhập vào Hà Nội để từng bước khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu xây dựng kế hoạch nội dung công việc, tiến độ cụ thể để tập trung triển khai trong năm 2022 đối với các chủ trương lớn của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, gồm: Chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; lập Quy hoạch phát triển thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); hoàn thành việc điều chuyển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về thành phố quản lý...
Về tài chính - ngân sách, Bí thư Thành ủy cho biết, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 theo đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố bằng mức dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 28,8% so với ước thực hiện năm 2021. Đây là mức tăng khá cao; thành phố phải có những giải pháp quyết liệt trong việc thu hồi nợ đọng thuế, tăng cường các nguồn thu từ đất, từ tài sản công, từ các dự án chậm triển khai cần phải thu hồi để tổ chức đấu thầu, đấu giá thu vào ngân sách nhà nước, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, tăng cường kiểm tra, thanh tra tài chính, chống thất thu ngân sách...
Cũng theo kết luận của Bí thư Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất về chủ trương đối với quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; định mức phân bổ ngân sách và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách của thành phố năm 2022. Đồng thời, đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố khẩn trương rà soát, điều chỉnh tổng thể quy định phân cấp quản lý nhà nước các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố để trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xem xét, thông qua trong kỳ họp giữa năm 2022.
Đề cập vấn đề đầu tư công, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị khẩn trương rà soát, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2021 bảo đảm đạt mức bình quân chung của cả nước; kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án không giải ngân được để bổ sung nguồn vốn chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước. Đối với kế hoạch năm 2022, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất cao chủ trương dành nguồn lực đáng kể để nâng cấp, xây dựng các trường học công lập đạt chuẩn quốc gia; đầu tư xây dựng, nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế; đầu tư thiết chế văn hóa, xây dựng, tu bổ, tôn tạo các công trình di tích, di sản, lịch sử văn hóa; thống nhất có một gói hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư công của thành phố cho các địa phương còn khó khăn để bảo đảm sự phát triển đồng đều giữa các địa phương trên địa bàn.
Đối với 5 huyện đang phát triển lên quận, căn cứ thực tiễn phát triển của các địa phương và khả năng cân đối ngân sách của thành phố, trước mắt, thành phố tập trung hỗ trợ cho hai huyện Đông Anh và Gia Lâm sớm hoàn thành các tiêu chí.
Đưa Hà Nội trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước
Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, về dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cơ bản thống nhất với quan điểm, mục tiêu, định hướng về phát triển công nghiệp văn hóa, cùng với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, 42 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được nêu trong Nghị quyết.
Đồng thời, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhận định Nghị quyết này khi được ban hành là một bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24-11-2021 vừa qua, đó là: “Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra”.
Nghị quyết của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa được ban hành sẽ là cơ sở, định hướng quan trọng để các cấp, các ngành của thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế về truyền thống văn hóa, lịch sử ngàn năm văn hiến, anh hùng của Thủ đô Hà Nội, để từng bước phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển rõ rệt cả về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của thành phố, sớm đạt được mục tiêu Hà Nội trở thành một trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước; tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng thúc đẩy Thủ đô phát triển xanh và bền vững.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất cao sự cần thiết ban hành 2 chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố và công tác quản lý đất đai và khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Đồng chí đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp thu ý kiến tại hội nghị để hoàn thiện và trình Ban Thường vụ Thành ủy ký ban hành theo thẩm quyền.
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cũng đồng tình, nhất trí cao về 3 nội dung lớn đối với công tác kiểm tra, giám sát của Thành ủy năm 2022, trọng điểm công tác kiểm tra, giám sát năm 2022. Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng trực thuộc, các sở, ngành thành phố nghiêm túc thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2022; đồng thời chú trọng công tác tự kiểm tra, giám sát thường xuyên nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ thành phố năm 2022.
“Thời gian còn lại của năm 2021 không còn nhiều, khối lượng công việc còn rất lớn, đề nghị các đồng chí Thành ủy viên, người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021, tạo tiền đề cho năm 2022”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
Đồng chí Bí thư Thành ủy tin tưởng, với truyền thống đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm, bản lĩnh, chủ động, sáng tạo của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, trên cơ sở những nội dung đã được thông qua tại hội nghị, các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ sẽ bắt tay ngay vào tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để sớm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của cả nhiệm kỳ đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.