(HNM) - Những đồn đoán hàng trăm năm qua về một kho báu khổng lồ nằm ở huyện Bành Sơn, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) vừa được các nhà khảo cổ học nước này xác nhận.
Thông báo được đưa ra sau khi các nhà khảo cổ Trung Quốc tìm thấy 10.000 món vật dụng quý giá trong lúc khai quật kho báu ở độ sâu khoảng 5m dưới đáy một dòng sông, cách thủ phủ Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên 50km về phía Nam. Theo Giám đốc Viện Nghiên cứu khảo cổ và di sản văn hóa Gao Dalun, kho báu có nhiều tiền xu cũng như trang sức bằng vàng, bạc và đồng, bên cạnh những vũ khí chế tạo bằng sắt như gươm, dao và giáo mác.
Theo nhận định ban đầu, đây là kho báu của lãnh đạo phong trào khởi nghĩa nông dân Trương Hiến Trung vào cuối thời nhà Minh. Chuyện kể rằng, năm 1646, Trương Hiến Trung bị quân nhà Minh đánh bại khi đang cố gắng chở số vàng bạc châu báu đánh cướp được đến bến Lão Hổ, thị trấn Giang Khẩu, huyện Bành Sơn. Khoảng 1.000 con thuyền chở đầy vàng, bạc và các đồ vật quý giá đã bị đắm trong trận thủy chiến. Hàng trăm năm qua, câu chuyện này vẫn được coi là truyền thuyết vì không có bằng chứng xác thực cho đến ngày 20-4-2005, một đội thi công công trình thủy lợi của huyện Bành Sơn khi dùng máy xúc nạo vét ở bến Lão Hổ đã đào lên 10 đĩnh lớn bạc trong một xác tàu hàng bị đắm. Qua sơ bộ giám định, cán bộ huyện Bành Sơn cho rằng đây là quan ngân của nhà Minh. Tuy nhiên, sau đó, người ta không tìm thấy gì khác trong khu vực.
Thông tin về việc đội thi công thủy lợi vớt được bạc làm bùng phát nạn săn tìm cổ vật dưới lòng sông. Điều này buộc chính quyền tỉnh Tứ Xuyên tuyên bố bến Lão Hổ là khu vực được bảo vệ. Nhưng nhiều thợ săn tìm kho báu vẫn bất chấp nguy hiểm để lặn xuống đáy sông với hy vọng săn được báu vật lâu năm. Trong cuộc điều tra năm 2015, cảnh sát địa phương đã bắt giữ 31 nghi phạm, tịch thu hàng nghìn đồng xu bằng vàng, bạc cũng như các thiết bị lặn.
Việc chính quyền bất lực trong quá trình ngăn chặn nạn săn tìm cổ vật cũng là lý do khiến cho các nhà khảo cổ gấp rút tiến hành khai quật từ đầu năm nay, ngay khi mùa khô bắt đầu ở Tứ Xuyên. Để đào bới khu vực khảo cổ có diện tích lên tới 10.000m2, nhóm trục vớt phải dùng máy bơm nước ngày đêm để hút cạn đoạn sông. Công việc tìm kiếm này dự kiến sẽ tiếp tục đến hết tháng 4. Nhà khảo cổ Li Boqian thuộc Đại học Bắc Kinh nhận định, các vật dụng trên vô cùng có giá trị đối với khoa học, lịch sử và nghệ thuật Trung Quốc cũng như đóng vai trò đáng kể đối với công tác nghiên cứu đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và quân sự đời nhà Minh (1368-1644). Chính quyền tỉnh Tứ Xuyên cũng đang thảo luận kế hoạch xây dựng bảo tàng gìn giữ cổ vật gần nơi khai quật kho báu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.