Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tồn, lưu giữ ''kho báu'' về tri thức và lịch sử

Quỳnh Dương| 22/03/2023 16:01

(HNMCT) - Những năm gần đây, vai trò của di sản ký ức ngày càng được các quốc gia coi trọng và khai thác để phát huy giá trị về lịch sử, văn hóa, thậm chí cả kinh tế - chính trị và ngành nghề của các vùng, miền, dân tộc. Tuy nhiên, nhiều vật phẩm và tài liệu trong bộ sưu tập ký ức đang không được bảo tồn đúng cách, thậm chí còn bị phá hủy bởi thiên tai, chiến tranh... Do đó, nhân loại cần có chiến lược mới để hỗ trợ công tác bảo tồn, giữ gìn nguồn tài nguyên này.

Bảo tồn di sản tư liệu, ký ức giúp chúng ta tìm hiểu và học hỏi nhiều vấn đề từ dòng chảy quá khứ.

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), di sản ký ức hoặc di sản tư liệu gồm các tài liệu, hoặc nhóm tài liệu, tranh ảnh, âm thanh phản ánh bề dày lịch sử - văn hóa, chứa đựng hồn phách của dân tộc, trong đó có kiến thức và kinh nghiệm được truyền lại, các phong tục và tập quán văn hóa được ghi chép qua nhiều thời kỳ. Nó xác định ký ức quốc gia, bản sắc của mỗi dân tộc và xác định vị trí của quốc gia trong cộng đồng thế giới. Vì đây là nguồn tài nguyên quan trọng giúp chúng ta tìm hiểu và học hỏi nhiều vấn đề từ dòng chảy quá khứ nên chúng cần được bảo tồn một cách đầy đủ.

Xuất phát từ nhu cầu ngày càng tăng về việc bảo tồn và tiếp cận di sản ký ức, tài liệu quý hiếm có nguy cơ bị xâm hại và mai một, ngay từ năm 1992, UNESCO đã khởi xướng Chương trình Ký ức thế giới (MOW). Mục tiêu chính của MOW là: Tạo điều kiện bảo tồn di sản tài liệu bằng các kỹ thuật phù hợp; hỗ trợ việc tiếp cận với di sản tài liệu; nâng cao nhận thức về sự tồn tại và tầm quan trọng của di sản tài liệu trên toàn thế giới.

Sau hơn 30 năm triển khai chương trình, rất nhiều tư liệu ký ức quan trọng đã được UNESCO ghi nhận. Trong đó, đáng chú ý có Bức điện của Áo - Hung tuyên bố chiến tranh tại Serbia ngày 28-7-1914. Bức điện được gửi từ Bộ trưởng Ngoại giao Áo - Hung Count Leopold von Berchtold lúc 11h10 và người nhận là Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Serbia Pashitch lúc 12h30, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Bức điện tín là một bằng chứng quan trọng của ngoại giao thế giới về một cuộc chiến bi thảm trong lịch sử loài người.

Bản ghi âm đầu tiên của nhân loại của Édouard-Léon Scott de Martinville (khoảng năm 1853 - 1860) cũng được đánh giá là một di sản quý giá. Édouard-Léon Scott de Martinville là thợ in người Pháp sống tại Paris, cũng là người đã phát minh ra thiết bị ghi âm thanh sớm nhất và được cấp bằng sáng chế tại Pháp năm 1857.

Để khuyến khích công tác bảo tồn di sản tài liệu, ký ức, năm 2004, UNESCO tiếp tục phát động giải thưởng Ký ức thế giới Jikji. Giải thưởng được đặt theo tên tựa đề cuốn sách Phật giáo của Hàn Quốc. Đây được xem là tác phẩm được in bằng bảng in kim loại đầu tiên trên thế giới. Kỹ thuật in này do cao tăng nổi tiếng Beakun Hwasang (1298 - 1374) và hai đệ tử Hungduk và Dajam thực hiện vào năm 1377 tại chùa Hungduk, tỉnh Chungcheong, Hàn Quốc. Giải thưởng được trao cho các cá nhân, tổ chức có đóng góp đáng kể cho việc bảo tồn và tiếp cận di sản tư liệu. Các chuyên gia UNESCO cho rằng, các tài liệu, ký ức nằm trong lưu trữ chỉ là một phần, còn phần lớn là nằm trong cộng đồng. Vì thế, việc vận động cộng đồng chia sẻ tài liệu, ký ức là rất quan trọng.

Ông Frank Le Rue, Trợ lý Tổng Giám đốc về Truyền thông và Thông tin của UNESCO chia sẻ: “Nhiều khi chúng ta không nhận ra được giá trị của tư liệu, có người nắm giữ di sản nhưng không thấy hết được giá trị nên sẵn sàng bỏ đi. Cần đánh thức cộng đồng để không vô tình làm mất đi những di sản quý giá, cần chia sẻ ký ức để chúng ta có hiểu biết nhiều hơn về lịch sử, văn hóa. Các trung tâm lưu trữ thường xuyên tổ chức triển lãm, trưng bày, kêu gọi chia sẻ tài liệu lưu trữ chính là một cách khuyến khích sưu tầm, lưu trữ di sản tư liệu, ký ức”.

Bên cạnh việc khuyến khích chia sẻ, sưu tầm di sản tài liệu, ký ức, UNESCO cũng đang thúc đẩy triển khai mạng lưới các đội tình nguyện viên quốc gia được đào tạo để hỗ trợ các kho tư liệu có thể bị đe dọa trong trường hợp khẩn cấp, đặc biệt là lũ lụt. Khi tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, tính dễ bị tổn thương của di sản tư liệu trong các thư viện và kho lưu trữ cũng gia tăng do các thảm họa xảy ra thường xuyên hơn và tàn khốc hơn. Nhiều tổ chức trong khu vực thiếu nguồn lực để chuẩn bị và ứng phó. Vì vậy, đội ngũ tình nguyện viên sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại trong tình huống khẩn cấp.

Nhìn chung, di sản tư liệu là một phần thiết yếu trong ký ức tập thể của nhân loại. Khai thác và phát huy hữu hiệu nguồn tài nguyên này sẽ góp phần xây dựng xã hội công bằng, toàn diện và bền vững hơn, thậm chí còn có thể giải quyết các cuộc khủng hoảng bằng thông tin về các phản ứng trong quá khứ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn, lưu giữ ''kho báu'' về tri thức và lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.