Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bế mạc Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV

Hà Phong| 13/03/2019 18:57

(HNMO) - Chiều 13-3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã bế mạc.


Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau phiên họp này, Chính phủ, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh 5 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết để kịp gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội đúng quy định hoặc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4-2019; đồng thời hoàn thiện dự thảo 4 nghị quyết để ký ban hành.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, vừa qua do cơ quan trình chưa chuẩn bị kịp nên đã phải rút 5 nội dung ra khỏi Phiên họp thứ 32. Vì vậy, phiên họp tháng 4-2019 phải xem xét rất nhiều nội dung và tiến hành trong thời gian khá dài (dự kiến từ ngày 10 đến 19-4). Trong khi đó, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ diễn ra trong 1,5 ngày, chỉ cách thời điểm khai mạc phiên họp tháng 4 chưa đến 1 tuần. Do đó, việc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý một số dự án luật là rất gấp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan chủ động, khẩn trương chuẩn bị nội dung thuộc trách nhiệm, không để tình trạng chậm gửi tài liệu hoặc đề nghị chuyển sang phiên họp tháng 5 tới.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Thư viện; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao. Luật Quản lý thuế quy định tiền chậm nộp là 0,03%/ngày trên số tiền chậm nộp, quy định này là chế tài xử lý cần thiết. Tuy nhiên do người nộp thuế bị chết, mất tích hoặc đơn vị họ từng quản lý tự giải thể, phá sản không có khả năng nộp thuế nên số tiền chậm tăng theo thời gian; không có khả năng thu hồi. Tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31-12-2017 là 78.466 tỷ đồng.

Để giải quyết cơ bản nợ đọng, Chính phủ đề nghị không tính tiền chậm nộp thuế đối với số tiền thuế nợ và các khoản thu khác phải nộp ngân sách nhà nước, bao gồm cả khoản thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất trong một số trường hợp. Đó là khi chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu và người nộp thuế là cá nhân đã chết hoặc được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt.

Những trường hợp tiếp theo là người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc bị người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý thuế đã phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn hoặc Hội đồng tư vấn thuế phường, xã hoặc cơ quan Công an trên địa bàn nơi đăng ký kinh doanh, nơi đăng ký địa chỉ liên lạc của người nộp thuế kiểm tra, xác minh thông tin người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế...

Chính phủ cũng đề xuất xóa nợ tiền chậm nộp hoặc tiền phạt chậm nộp còn nợ của người nộp thuế còn nợ đến trước ngày 1-1-2019 và không tính tiền chậm nộp phát sinh kể từ ngày 1-1-2019 đến ngày Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có hiệu lực thi hành của người nộp thuế gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, bị bệnh hiểm nghèo hoặc trường hợp bất khả kháng khác… Xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày 1-1-2019 cho người nộp thuế trong các trường hợp doanh nghiệp, tổ chức đã ngừng sản xuất, kinh doanh nhưng không hoàn thành được thủ tục phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật và không còn tiền trên các tài khoản mở tại ngân hàng, không còn tài sản tại địa điểm đăng ký kinh doanh, không có dấu hiệu tẩu tán tài sản trước thời điểm giải thể, phá sản…

Nếu được chấp nhận, Nghị quyết dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019 và được thực hiện trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành. Tổng số tiền dự kiến được xóa nợ và không tính tiền chậm nộp của việc ban hành Nghị quyết khoảng 27.753 tỷ đồng.

Đại diện đơn vị thẩm tra sơ bộ về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, quan điểm của Quốc hội và Chính phủ đối với pháp luật về quản lý nợ thuế. Đây là Nghị quyết đặc thù, nhạy cảm, số tiền xóa nợ rất cao, tác động khá lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước, tâm lý của người nộp thuế và tính nghiêm minh của pháp luật, nhưng vẫn còn điểm chưa chặt chẽ. Đơn cử, quy định như dự thảo Nghị quyết sẽ có kẽ hở cho người nộp thuế lợi dụng bỏ địa điểm kinh doanh đã đăng ký, chuyển trụ sở sang địa điểm kinh doanh ở địa bàn khác hoặc có thể thành lập pháp nhân mới ở địa chỉ khác để trốn thuế. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cần có thêm thời gian xem xét.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu quan điểm, phải rà soát thật chặt chẽ, rõ tiêu chí được xoá nợ, không để việc này dẫn đến lợi dụng tạo thành tiền lệ xấu để trốn thuế và lợi dụng chính sách để không nộp thuế. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trước mắt cần tập trung hoàn thiện Luật Quản lý thuế (sửa đổi) để Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 và sau đó trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết này tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019) để bảo đảm chặt chẽ, rà soát các trường hợp cụ thể mà luật không thể giải quyết.

* Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết quy định chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng, thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật Công an nhân dân năm 2018.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.