(HNMO) - Sáng 23-11, tiếp tục thực hiện Chương trình Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII làm việc tại hội trường nghe giải trình về các ý kiến góp ý đại biểu nêu trong hơn 1 ngày thảo luận tại tổ.
Chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn. Dự hội nghị có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên; thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị; bí thư các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội.
Trước đó, trong hai ngày 21 và 22-11, sau phiên khai mạc, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã dành thời gian tập trung thảo luận tại tổ về các báo cáo, tờ trình.
Lấy kết quả cuối cùng bằng sản phẩm cụ thể để đánh giá
Mở đầu ngày làm việc thứ ba, thay mặt Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải đã báo cáo, giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu góp ý đối với 5 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư công và tài sản công.
Theo đồng chí Hà Minh Hải, qua kết quả tổng hợp thảo luận tại các tổ, có 110 lượt đại biểu phát biểu với 166 ý kiến trực tiếp. Về cơ bản, các đại biểu đều đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ, tài liệu cho kỳ họp. Các tờ trình, báo cáo đã được chuẩn bị công phu, chất lượng, đầy đủ thông tin và được gửi đến các đại biểu trước phiên họp. Đồng chí Bí thư Thành ủy phát biểu khai mạc hội nghị đã có những phân tích, gợi mở những vấn đề, nội dung quan trọng, vấn đề trọng tâm để các đại biểu tập trung nghiên cứu thảo luận. Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng, các đại biểu cơ bản tán thành với các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết đã trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố với những nội dung rất quan trọng.
Các đại biểu cơ bản đều tán thành với kết cấu, bố cục và nội dung của các tờ trình, báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố, đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến về kết quả, hạn chế và đặc biệt là phương hướng, giải pháp để hoàn thiện các chương trình, nhiệm vụ công tác của thành phố.
“Ban Cán sự đảng UBND thành phố xin tiếp thu toàn bộ các ý kiến đóng góp của các đại biểu để chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục hoàn thiện các nội dung trình HĐND thành phố”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải khẳng định.
Tiếp theo, đồng chí Hà Minh Hải đã báo cáo giải trình cụ thể đối với 7 nhóm ý kiến các đại biểu quan tâm, gồm: Công tác xây dựng, chuẩn bị các tờ trình, báo cáo; tình hình thực hiện các nhiệm vụ năm 2022 và kế hoạch năm 2023; nguồn lực và phân bổ nguồn lực; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, định mức phân bổ và tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách; đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; đầu tư công; Đề án quản lý tài sản công.
Đáng chú ý, về tình hình thực hiện các nhiệm vụ năm 2022 và kế hoạch năm 2023, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, qua các buổi thảo luận, nhiều ý kiến của các đại biểu có đề nghị đánh giá kỹ bối cảnh khó khăn và kết quả đạt được của năm 2022. Thành phố cùng lúc triển khai nhiệm vụ của năm 2022 với khối lượng công việc lớn, vừa thực hiện nhiều nhiệm vụ cho trung và dài hạn như: Tổng kết Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị; tổng kết Luật Thủ đô; triển khai Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; rà soát tổng thể và toàn diện các lĩnh vực, các địa bàn để xây dựng và triển khai Đề án phân cấp, ủy quyền; triển khai kế hoạch đầu tư đối với 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa... Từ bối cảnh đó, bài học kinh nghiệm đem lại thành công năm 2022 là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của đồng chí Bí thư Thành ủy, các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy. Đó là bài học về tầm nhìn, xác định mục tiêu, xác định trọng tâm, trọng điểm, đột phá của đột phá; phải luôn lắng nghe, động viên, khích lệ, truyền cảm hứng; đồng thời phải sâu sát, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, và thực chất; lấy hiệu quả và kết quả cuối cùng bằng sản phẩm cụ thể để đánh giá.
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số ý kiến cho rằng nên phân tích sâu về hạn chế, đặc biệt là nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để từ đó đề ra phương hướng và giải pháp cho năm 2023. Đó là hạn chế về công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành của thành phố và giữa các sở, ban, ngành với các quận, huyện, thị xã; là thiếu quyết liệt, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh của người đứng đầu một số đơn vị; hạn chế trong cải cách thủ tục hành chính; sự chậm trễ trong việc thực hiện các kết luận của thanh tra và Kiểm toán Nhà nước; việc chậm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); nhiều việc tồn đọng kéo dài (404 dự án tồn đọng)...
Đối với năm 2023, nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng, cần tập trung dự báo, đánh giá và phân tích kỹ hơn về bối cảnh, trong đó đều thống nhất nhận định cho rằng năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn hơn so với năm 2022.
Về đầu tư công, nhiều ý kiến thống nhất đánh giá đây là điểm yếu của các năm, trong đó đặc biệt là năm 2022 và đề nghị phân tích, đánh giá rõ nguyên nhân thực chất của việc giải ngân chậm. Trong đó, một số đại biểu có ý kiến đề nghị đánh giá về hiệu quả đầu tư, về thứ tự ưu tiên, như đối với lĩnh vực giao thông do đầu tư dàn trải, không theo thứ tự ưu tiên nên không thông suốt toàn tuyến và không phát huy được hiệu quả đầu tư. Các ý kiến cho rằng, cần đánh giá giám sát hiệu quả đầu tư từ trước khi dự án được phê duyệt. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục rà soát quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch tích hợp các ngành khi đề xuất dự án, trong đó đặc biệt là giao thông phải luôn đi trước; quy hoạch đất đai phải gắn kết chặt chẽ, khoa học với các quy hoạch khác.
Về Đề án quản lý tài sản công, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, cơ bản các đại biểu đều thống nhất, đánh giá cao về sự cần thiết, tầm quan trọng của Đề án, đồng thời đề nghị bổ sung một số nội dung và đề ra một số giải pháp. Trong đó, xác định việc quản lý quỹ nhà chuyên dùng còn thiếu các chính sách pháp luật để quản lý hiệu quả, các ý kiến đều thống nhất yêu cầu bổ sung, báo cáo Chính phủ để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách; đồng thời nghiên cứu mô hình quản lý hiệu quả và kịp thời xử lý các vi phạm. Các đại biểu đề nghị số hóa toàn bộ, xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng phần mềm để quản lý toàn bộ tài sản công để quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả. Đại biểu còn đề nghị rà soát, nghiên cứu bổ sung một số hạng mục là các tài sản công khác như: Tài sản hợp tác xã; chợ; bến, bãi đỗ xe và kể cả tài sản công phi vật thể.
Tiếp đó, báo cáo giải trình về điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, đã có 27 ý kiến tham gia đóng góp với 5 nhóm nội dung chính. Trong đó, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, quy hoạch chung của Thủ đô cần lưu ý loại hình cư trú không định, từ đó xem xét tỷ lệ nhất định để phát triển trong những năm tiếp theo.
Theo đồng chí Dương Đức Tuấn, việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội lần này sẽ bám sát Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, từ đó, tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô nhằm xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế, bảo đảm định hướng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”... Ban Cán sự đảng UBND thành phố xin tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các đại biểu nhằm hoàn thiện tờ trình trong thời gian sớm nhất.
Đề xuất kiểm tra, giám sát tại 30/30 quận, huyện, thị xã
Giải trình, làm rõ thêm các ý kiến đại biểu nêu về Dự thảo Chương trình công tác năm 2023 của Thành ủy, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, các ý kiến đều cơ bản nhất trí với dự thảo Chương trình công tác. Một số ý kiến cũng băn khoăn về việc các nội dung chưa thực hiện theo Chương trình công tác năm 2022 sẽ dẫn đến áp lực cho năm sau; về việc này, tại tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy đã đề xuất Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Văn phòng Thành ủy phối hợp Ban Cán sự đảng UBND thành phố rà soát, thống nhất và trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định việc không tiếp tục thực hiện hoặc chuyển tiếp sang Chương trình công tác năm 2023 của Thành ủy đối với từng nội dung cụ thể.
Một số ý kiến cũng đề nghị bổ sung nội dung đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố; bổ sung nội dung lãnh đạo, chỉ đạo về công tác đầu tư trên địa bàn thành phố; bổ sung nội dung công tác chỉ đạo đại hội công đoàn các cấp; bổ sung nội dung báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy về định hướng công tác quy hoạch, quản lý, khai thác hồ Tây trong tháng 6; kiến nghị Thành ủy ban hành chỉ thị phát triển giao thông đường sắt đô thị để đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đề ra. Với những kiến nghị này, Ban Thường vụ Thành ủy xin được tiếp thu và sẽ chỉ đạo cơ quan tham mưu tổng hợp, đề xuất, đưa vào Chương trình công tác năm 2023 của Thành ủy; đồng thời giao nhiệm vụ cho các cơ quan chủ trì tham mưu, báo cáo.
Với nội dung đánh giá sơ kết việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội đã được tổng hợp trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cho ý kiến tại Hội nghị Thành ủy lần thứ chín, theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục đề xuất triển khai mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội (Kết luận số 97-KL/TU ngày 10-11-2022). Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã đề xuất nội dung “Báo cáo sơ kết việc thực hiện Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội theo Kết luận số 46-KL/TƯ ngày 19-4-2019 của Bộ Chính trị” vào Chương trình làm việc của Bộ Chính trị năm 2023; đồng thời tại Kế hoạch số 832-KH/ĐĐQH15 ngày 25-7-2022 của Đảng đoàn Quốc hội đã đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo cơ quan có liên quan tiến hành sơ kết việc thực hiện các nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội của Quốc hội trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bảo đảm hoàn thành trong quý IV-2023. Vì vậy, việc điều chỉnh thời gian báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về nội dung trên sang hội nghị Thành ủy lần thứ mười ba (tháng 7-2023) để tiếp tục có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng về hồ sơ, tài liệu là cần thiết…
Làm rõ về những ý kiến đại biểu nêu về Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 của Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết cho biết, theo dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 của Thành ủy nêu trong năm 2023, Thành ủy dự kiến thực hiện 1 cuộc kiểm tra, nội dung sẽ bám sát việc thực hiện các chủ trương, quy định về công tác cán bộ và 2 cuộc giám sát chuyên đề liên quan đến việc thực hiện các chương trình, nghị quyết về phát triển văn hóa và việc thực hiện sau kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.
Qua 14 ý kiến đóng góp, cơ bản các đại biểu thống nhất cao với dự thảo. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng số lượng các tổ chức Đảng được kiểm tra còn ít và đề xuất kiểm tra tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, theo dự thảo kế hoạch, đoàn kiểm tra, giám sát của Thành ủy sẽ trực tiếp kiểm tra tại một số địa phương, đơn vị. Số còn lại sẽ tự thực hiện kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả thực hiện để tiến hành tổng hợp và đánh giá chung.
Đồng chí Hoàng Trọng Quyết cũng cho biết, việc kiểm tra, giám sát sẽ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan, đơn vị. Thời gian kiểm tra, giám sát sẽ được điều chỉnh phù hợp hơn...
Sau khi Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn trình bày Dự thảo Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, 100% đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua.
Tiếp tục thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”
Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, với tinh thần trách nhiệm cao, sau 2 ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đã đề ra. Các đồng chí Thành ủy viên và các đại biểu tham dự hội nghị đã phát huy dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ, tâm huyết vào các tờ trình, báo cáo, đề án. Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã có báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu tham dự hội nghị. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của hội nghị và giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố, các ban xây dựng Đảng và Văn phòng Thành ủy tiếp tục hoàn thiện các văn bản, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua theo quy định.
Nhấn mạnh thêm một số vấn đề lớn, quan trọng và khái quát lại những kết quả chủ yếu của hội nghị, Bí thư Thành ủy chỉ rõ, năm 2023 - năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2020-2025 có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đây còn là năm đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Quan điểm chỉ đạo của Thành ủy năm 2023 là: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố phát huy những kết quả đạt được và kinh nghiệm đã có; các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa; tăng cường kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp; huy động cả hệ thống chính trị để tham gia thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ công tác. Thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm 2023 là năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.
Cơ bản thống nhất với các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu, các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 do Ban Cán sự đảng UBND thành phố chuẩn bị, Bí thư Thành ủy chỉ đạo 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các đồng chí Thành ủy viên, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023.
Trong đó, đồng chí yêu cầu bám sát Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, 10 chương trình công tác, các đề án, kế hoạch, chương trình của Thành ủy, rà soát lại từng nhiệm vụ, chỉ tiêu để từng đơn vị chủ động có kế hoạch, đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi; tập trung những nhiệm vụ, chỉ tiêu có khả năng không đạt để có giải pháp quyết liệt tháo gỡ những khâu yếu, việc khó.
Bí thư Thành ủy yêu cầu, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là các lĩnh vực: Quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng; thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; phấn đấu thực hiện tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,0% trở lên. Tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn 10,5-11%, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 7,5-8%.
“Hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, cần lưu ý quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội theo hướng văn hiến, văn minh, hiện đại, giữ được văn hóa nông thôn Bắc Bộ gắn với làng nghề, di tích văn hóa, lịch sử...”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, các cấp, các ngành phải tăng cường chỉnh trang đô thị, quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè, quản lý phương tiện giao thông, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm, nhất là hoàn thành đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội; hoàn thành các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; xây dựng, ban hành quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; tiếp tục rà soát, xử lý hơn 400 dự án có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn theo Nghị quyết của HĐND thành phố.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng còn lưu ý các nội dung quan trọng cần tập trung thực hiện nhằm bảo đảm các mục tiêu, nhiệm vụ về tài chính - ngân sách, đầu tư công vừa phát huy kết quả đạt được, vừa khắc phục những hạn chế, tồn tại; tạo bước chuyển biến mới trong năm 2023.
Đối với Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030, Ban Cán sự đảng UBND thành phố có trách nhiệm tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng để hoàn thiện Đề án và trình HĐND thành phố xem xét, thông qua theo quy định.
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo rà soát, tiếp thu, hoàn thiện Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy và ký ban hành theo Quy chế làm việc của Thành ủy. Về kế hoạch kiểm tra, giám sát của Thành ủy năm 2023 với 3 nội dung lớn, trên cơ sở thống nhất tại hội nghị, Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng trực thuộc, các sở, ngành thành phố nghiêm túc thực hiện kế hoạch; đồng thời, chú trọng công tác tự kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Khẳng định Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII đã thành công tốt đẹp, đồng chí Đinh Tiến Dũng lưu ý, thời gian còn lại của năm 2022 không còn nhiều, khối lượng công việc còn rất lớn, các đồng chí Thành ủy viên, người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022, tạo tiền đề cho năm 2023.
“Với truyền thống đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm, bản lĩnh và sáng tạo của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, tôi tin tưởng rằng, trên cơ sở những nội dung đã được thông qua tại hội nghị hôm nay, các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ sẽ chủ động bắt tay ngay vào xây dựng các chương trình, kế hoạch để sớm tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết và kết luận của hội nghị; tập trung cao độ, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị năm 2023, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của cả nhiệm kỳ đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố”, đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Liên quan đến triển khai giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, nguồn vốn thực hiện di chuyển mộ, lãnh đạo thành phố nhất quán sử dụng nguồn vốn từ dự án. Qua đó, đề nghị các sở, ngành liên quan thống nhất trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn địa phương; nếu chưa có vốn thì tạm thời ứng vốn địa phương. Chủ tịch UBND thành phố cũng nhấn mạnh, việc này đang “nóng”, nếu vừa làm vừa cầm chừng sẽ không thể xong đúng tiến độ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.