(HNMO) – Hàng trăm ngàn doanh nghiệp (DN) trong cả nước hiện nay đang gặp khó khăn, kéo theo GDP sụt giảm. Để “giải cứu” DN, sáng 26/7, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã chủ trì Hội nghị góp ý cho Đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các DN với sự tham gia của nhiều đại biểu các bộ, ngành, hiệp hội và cộng đồng DN.
Chi phí cao, tồn kho lớn, DN khó khăn chồng chất
Theo Bộ Công thương: Khó khăn của các DN hiện nay là chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh còn cao và bất ổn, ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm. Chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu cho sản xuất 6 tháng đầu năm tăng 13,78% so với cùng kỳ năm 2011 đã tác động đến giá thành sản phẩm bán ra của các nhà sản xuất hàng công nghiệp, việc tiêu thụ sản phẩm công nghiệp vì thế cũng gặp khó khăn hơn. Ngoài ra, chi phí vận tải cao cũng làm giá thành sản phẩm tăng cao, ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm.
Trong khi đó, sức mua trong nước giảm, chỉ số tồn kho cao. Chỉ số tồn kho theo số liệu của Tổng cục Thống kê tại thời điểm 1/6/2012 của ngành công nghiệp chế biến tăng 26% so với thời điểm năm trước (chỉ số tồn kho năm trước là 15,9%).
Bên cạnh đó, sự thay đổi trong phương thức ký kết hợp đồng của đối tác nước ngoài do khó khăn của nền kinh tế thế giới dẫn đến tiêu thụ giảm; giá xuất khẩu nông sản giảm, tốc độ tăng nhập khẩu và nhập siêu cũng giảm mạnh, điều đó cho thấy nhu cầu nhập khẩu phục vụ cho đầu tư và sản xuất đang có xu hướng giảm sút; lãi suất cho vay cao và khả năng tiếp cận vốn khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Các DN hiện nay đang thiếu vốn lưu động do hàng hóa tồn kho nhiều…
Phản ảnh về những khó khăn, ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: tính thanh khoản của ngân hàng hiện vẫn chậm, buôn lậu, gian lận thương mại chưa giảm. Đề án nên tập trung tháo gỡ khó khăn cho các DN lớn như dệt may, da giày, sắt thép, cơ khí... Đề nghị, Bộ Công thương 6 tháng một lần điều chỉnh, bổ sung danh mục máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được, công bố rõ ràng giúp địa phương định hướng, chỉ đạo doanh nghiệp cập nhật.
Bên cạnh đó, bà Phạm Việt Hằng- Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phản ảnh đến tình hình thất nghiệp và chỉ số mua sắm, liên quan đến sản xuất và thị trường. Theo đó, số người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp hiện là 7 triệu người bằng 1/2 số người trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Nhiều người có việc làm nhưng quy mô lao động không tăng do vậy làm cho sức mua suy giảm mạnh. Tiếp đến là chỉ số mua sắm, tính đến tháng 4/2012, theo HSBC công bố cho thấy tốc độ mua hàng của người dân đang có xu hướng giảm, trong 3 tháng đầu năm chủ yếu là bán hàng tồn kho và sản xuất không tăng là vấn đề rất đáng lo ngại.
Tập trung tháo gỡ tồn kho, hỗ trợ về vốn và tăng kích cầu
Để tập trung tháo gỡ khó khăn cho các DN, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, thời gian tới Bộ sẽ tập trung dồn sức tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp giảm lượng hàng tồn kho, tiếp cận vốn ngân hàng để đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng và phát triển. Trước mắt sẽ thúc đẩy, tìm các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác đã được phê duyệt nhằm tiêu thụ các sản phẩm: vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép, thiết bị vệ sinh, thiết bị điện… đồng thời có chương trình kích cầu ở một số nhóm hàng tồn kho lớn.
Mặt khác, dự thảo đề án cũng nêu rõ, Bộ Công thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị có quyết định đầu tư và đang triển khai thực hiện đầu tư, các dự án BOT trong ngành điện đã được ký kết, thúc đẩy tiến độ đàm phán đối với các dự án BOT khác; ưu tiên vốn đầu tư cho các công trình điện cấp bách đảm bảo an toàn cung cấp điện cho miền Nam. Tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, đề xuất các biện pháp giúp DN giải quyết hàng tồn kho các sản phẩm: than, quặng titan, quặng apatit loại 2, sắt và các loại khoáng sản, sản phẩm khác. Khuyến khích các DN sử dụng sản phẩm của nhau, nhất là đối với những sản phẩm của DN này là nguyên liệu đầu vào của DN khác.
Bên cạnh giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, khai thông thị trường, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng và những hàng hóa trong nước đã sản xuất được, Bộ Công thương đưa ra các biện pháp phát triển thị trường trong nước, kích thích tiêu thụ hàng hóa. Theo đó sẽ tập trung cho công tác xúc tiến thương mại thị trường trong nước, ưu tiên triển khai các chương trình trong khuôn khổ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như tổ chức các hội chợ, triển lãm, đưa hàng hóa về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các khu công nghiệp… nhằm kích thích tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Hơn nữa, Bộ Công thương cũng đưa ra các giải pháp dài hạn như: tái cơ cấu DN, ngành nghề, đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án đã được xét tập trung vốn để hoàn thành sớm đưa vào hoạt động, nhất là các công trình nguồn điện, lưới điện, các dự án tăng cường năng lực sản xuất hàng xuất khẩu, tạo nhiều công ăn việc làm...
Tham luận về dự thảo đề án giải cứu được Bộ Công thương đưa ra, giáo sư Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài nhận định: Dự thảo đề án chưa thấy hết mức độ nghiêm trọng, khi hàng trăm ngàn DN đang gặp khó khăn, tăng trưởng GDP cả nước sụt giảm. Phải đánh giá hết nguy hiểm của khó khăn để đưa ra giải pháp cứu DN, giải cứu với từng ngành hàng. Theo đó, quan trọng nhất là tái cấu trúc DNNN, điều chỉnh toàn bộ chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp và tốt hơn, quan tâm đến chiến lược thu hút có vốn đầu tư nước ngoài và chú ý đến phát triển thị trường trong nước với tiềm năng 90 triệu người dân.
Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, ngay sau hội nghị này, Bộ Công thương sẽ tập hợp các ý kiến đóng góp để trình Chính phủ cũng như gửi cho các bộ ngành để xem xét và ban hành những giải pháp cụ thể gỡ khó cho các doanh nghiệp; bên cạnh việc các DN cũng phải chủ động các kế hoạch tự giải cứu mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.