(HNM) - Ở khâu phân phối nhiều cửa hàng thuốc thú y không làm tốt khâu bảo quản đã làm ảnh hưởng đến chất lượng; trong khi đó, một số cửa hàng bán nhiều loại thuốc khác nhau nên các cơ quan chức năng khó kiểm soát.
Theo Hiệp hội Thuốc thú y, tại Việt Nam có khoảng 530 loại vắc xin sử dụng trong chăn nuôi, nhưng 80% được nhập khẩu. Trong nước chỉ có hai doanh nghiệp sản xuất vắc xin là Xí nghiệp Thuốc thú y trung ương (VAVETO) và Công ty TNHH một thành viên Thuốc thú y trung ương (NAVETO) và một số doanh nghiệp tư nhân. Vắc xin trong nước chỉ chiếm 5% thị phần, còn lại 95% thị phần là vắc xin nhập khẩu. Dịch vụ thuốc thú y bị chi phối bởi các công ty tư nhân, thị trường bị thao túng dẫn đến "ma trận sản phẩm", giá trị đẩy lên cao.
Nhiều loại thuốc thú y giả, thuốc ngoài danh mục được bán trên thị trường gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Ảnh: Trung Kiên |
Hiện tại, thuốc giả, thuốc ngoài danh mục vẫn tràn lan. Theo bà Nguyễn Thị Hằng - Phó Chánh thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội, trong tháng 11 các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 9 đơn vị vi phạm với số tiền trên 100 triệu đồng về các hành vi kinh doanh thuốc thú y không có tên trong danh mục được phép lưu hành, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, vi phạm nhãn hàng hóa… Ngoài ra, do cả người chăn nuôi và người bán thuốc đều chưa nắm rõ thông tin về thuốc, việc lựa chọn các loại thuốc để chữa bệnh cho gia súc, gia cầm còn mù mờ nên nhiều trường hợp bệnh không khỏi mà còn gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Để kiểm soát hiệu quả thị trường thuốc thú y, Nhà nước cần rà soát và loại bỏ các loại thuốc thú y chất lượng kém cùng với nâng cao vai trò thông tin và phổ biến kiến thức của hệ thống dịch vụ thú y công; đặc biệt, siết chặt khâu đăng ký và kiểm soát việc giới thiệu các loại thuốc thú y mới. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường rà soát các đại lý kinh doanh thuốc thú y tại xã, phường, thị trấn và yêu cầu các cửa hàng chấp hành đầy đủ quy định về buôn bán thuốc thú y; nếu phát hiện vi phạm, cần tịch thu giấy phép kinh doanh hoặc tiêu hủy các loại thuốc kém chất lượng, quá hạn, không trong danh mục cho phép...
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y trong nước để từng bước sản xuất được các loại vắc xin phòng chống dịch bệnh nhằm giảm giá bán. Đối với các loại vắc xin phòng các loại bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng, cần có chiến lược đầu tư, tập trung kinh phí cho nghiên cứu khoa học để thời gian tới có thể sản xuất được loại vắc xin này...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.