Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất đồng giữa Mỹ và Afghanistan về hiệp định an ninh song phương: Chắc chắn sẽ được thu hẹp

Thùy Dương| 06/02/2014 06:32

(HNM) - Cùng với nhận định của Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Rasmussen ngày 1-2 rằng: Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai có khả năng sẽ không ký Hiệp định an ninh song phương (BSA) với Mỹ và NATO mà sẽ để lại cho người kế nhiệm,

Trước đó, Kabul và Washington đã mất nhiều tháng thương lượng về một cơ chế hợp pháp để binh sĩ Mỹ có thể ở lại nước này sau khi sứ mệnh của NATO kết thúc. Nếu được ký kết, thỏa thuận an ninh Mỹ và Afghanistan sẽ cho phép 12.000 binh lính nước ngoài, trong đó có khoảng 8.000 lính Mỹ, tiếp tục đồn trú tại Afghanistan sau năm 2014 làm cố vấn, huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng an ninh, quân đội Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như ngăn chặn Taliban trở lại nắm quyền. Chính quyền Obama muốn ký BSA trước ngày 31-12-2013, nhưng tới nay Tổng thống H.Karzai vẫn chưa chấp thuận với lý do "một số điều kiện chưa được đáp ứng"; và, ông muốn để lại việc này cho người kế nhiệm sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4 tới.

Chuyên gia quân sự Mỹ tham gia huấn luyện binh lính cho quân đội Afghanistan tại trường đào tạo quân sự ở Kabul.



Việc ký kết các thỏa thuận an ninh vốn nằm trong lợi ích của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, để đưa ra quyết định này thực sự là một thử thách với Chính phủ Afghanistan vì thỏa thuận này có thể xem là một "nhượng bộ" của Kabul trên một số vấn đề từng gây tranh cãi như việc quân đội Mỹ được hưởng quyền miễn trừ trước luật pháp nước sở tại, lính Mỹ được quyền tự do mở các chiến dịch quân sự, được quyền khám xét các nhà thờ và nhà dân Afghanistan. Nói cách khác, Mỹ hứa bảo đảm an ninh cho Afghanistan sau khi rút quân với điều kiện người Mỹ sẽ được tự do thực hiện các chiến dịch "chống nổi dậy" và "chống khủng bố" trong lãnh thổ Afghanistan ngay cả sau khi quân đội Mỹ đã rút đi hết. Trong khi đó, Tổng thống H.Karzai muốn Mỹ bảo vệ an ninh cho Afghanistan nhưng không phải là việc chống lại các tay súng nổi dậy mà là mối đe dọa từ phía Pakistan. Afghanistan muốn khẳng định chủ quyền, muốn Mỹ chấm dứt các cuộc bố ráp ban đêm, chấm dứt việc sử dụng máy bay không người lái vào các chiến dịch oanh kích trên đất Afghanistan... Rõ ràng, những khó khăn cơ bản của việc thông qua thỏa thuận BSA nằm ở những yêu cầu, đòi hỏi mang lợi ích riêng của Mỹ và Afghanistan.

Dẫu vậy, các nhà phân tích nhận định, với một quốc gia đã trải qua 12 năm chiến tranh, luôn phải gồng mình chống lại các cuộc nổi dậy của các nhóm vũ trang cực đoan và lực lượng Taliban, vì lợi ích chính trị và quốc gia, Tổng thống H.Karzai khó có thể trì hoãn ký kết BSA với Mỹ. Thêm nữa, BSA cũng giúp ngăn chặn việc Afghanistan có thể rơi vào một cuộc nội chiến nếu quân đội Mỹ sớm rút quân, bảo đảm một quá trình chuyển giao chính trị hòa bình trong năm 2014 qua một cuộc bầu cử dân chủ. Ngoài cung cấp một "khung pháp lý" cho sự hiện diện của binh lính Mỹ ở Afghanistan, thỏa thuận an ninh song phương còn là một điều kiện tiên quyết cho khoản viện trợ trị giá hàng tỷ USD về quân sự và dân sự với Afghanistan. Nhà Trắng cảnh báo thất bại trong ký thỏa thuận sẽ đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ rút toàn bộ binh sĩ ra khỏi Afghanistan vào cuối năm tới. Thất bại trong cuộc đàm phán tương tự với Iraq đã dẫn tới việc Mỹ rút toàn bộ binh sĩ khỏi nước này vào năm 2011, cùng với đó là tình trạng bạo lực phe phái gia tăng. Hơn thế, Hiệp định An ninh Mỹ và Afghanistan cũng có tác động tâm lý lớn đến các hoạt động kinh tế tại nước này. Các nhà đầu tư đang lo ngại, tình hình an ninh tại Afghanistan có thể bị ảnh hưởng nếu không có sự hỗ trợ của lực lượng quốc tế.

Còn với Washington, tiếp tục hiện diện tại Afghanistan, Mỹ sẽ không phải bỏ phí công sức và tiền của đã đổ vào chiến trường Tây Nam Á này trong nhiều năm qua. Thỏa thuận BSA với Mỹ còn là "lá bùa" phải có sau khi rút quân khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014. 12 năm chinh chiến tại Afghanistan tiêu tốn hàng trăm tỷ USD và hàng nghìn sinh mạng binh sĩ, Mỹ tuyên bố đó là một "cuộc chiến tốt đẹp" với kết quả đã đánh bật Al-Qaeda ra khỏi căn cứ quan trọng nhất của chúng; đồng thời "dẹp loạn" lực lượng Taliban...
Dù chưa biết Tổng thống H.Karzai có đặt bút ký BSA trước khi kết thúc nhiệm kỳ hay không nhưng với viễn cảnh cho một đất nước Afghanistan vững vàng, ổn định thì các quan chức Mỹ tin tưởng những bất đồng còn tồn tại giữa Washington và Kabul sẽ được thu hẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất đồng giữa Mỹ và Afghanistan về hiệp định an ninh song phương: Chắc chắn sẽ được thu hẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.