Sự chia rẽ nội bộ giữa các lãnh đạo Hamas đang ngăn cản lực lượng này đạt được một thỏa thuận với Israel, trong đó bao gồm việc tạm dừng giao tranh ở Dải Gaza.
Theo Times of Israel, Yahya Sinwar, thủ lĩnh Hamas ở Dải Gaza, ủng hộ một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời trong khi các lãnh đạo hoạt động bên ngoài vùng lãnh thổ này lại muốn Israel phải nhượng bộ nhiều hơn.
Yahya Sinwar muốn tạm ngừng giao tranh trong thời gian 6 tuần để Hamas tập hợp thành viên và Dải Gaza có thể tiếp nhận nhiều mặt hàng viện trợ hơn. Tuy nhiên, thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh đang thúc đẩy một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn với sự bảo đảm của quốc tế và kế hoạch tái thiết vùng lãnh thổ chìm trong xung đột.
Trong bối cảnh một thỏa thuận lâu dài chưa thể đạt được, giao tranh ác liệt tiếp tục diễn ra trên khắp Dải Gaza. Ngày 3-2, đánh dấu cột mốc 120 ngày xung đột giữa Israel và Hamas, trở thành cuộc chiến lâu nhất của quốc gia này kể từ năm 1948.
Viễn cảnh chiến sự kết thúc vẫn rất mơ hồ khi Israel tuyên bố ngay cả khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn và Hamas trả tự do cho các con tin Israel, việc tạm ngừng giao tranh sẽ chỉ là tạm thời cho đến khi mọi quyền lực của Hamas bị tước bỏ hoàn toàn.
Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố đã tiêu diệt hàng chục tay súng Hamas ở Khan Younis trong ngày 2-2, tiến hành đột kích một số địa điểm của lực lượng này ở cùng khu vực và thu giữ nhiều vũ khí.
Ở miền Trung Gaza, hải quân Israel tiến hành các cuộc tấn công dọc theo bờ biển vùng lãnh thổ này để hỗ trợ Lữ đoàn Nahal đang làm nhiệm vụ. Tại trại tị nạn Shati ở phía Bắc, Lữ đoàn thiết giáp 401 cũng tiêu diệt hơn 10 chiến binh Hamas.
Theo ABC News, các nhóm nhân đạo đã cảnh báo nguy cơ xảy ra “nạn đói toàn diện” tại Gaza, đặc biệt là ở phía Bắc, nơi một số người dân nói rằng, họ phải tận dụng thức ăn dành cho chim thay vì bột mì. Liên hợp quốc cho biết, phần lớn miền Bắc Gaza đã bị cô lập trong nhiều tháng, trong khi các xe tải viện trợ bột mì hiếm khi đến khu vực này.
Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) tuyên bố, Israel cấp quá ít giấy phép cho hoạt động giao hàng viện trợ đến một số khu vực, trong khi giao tranh ác liệt trở thành mối nguy hiểm thường trực đối với nhân viên cứu trợ.
Hình ảnh do Trung tâm vệ tinh Liên hợp quốc (UNOSAT) phân tích cho thấy, 30% nhà ở Dải Gaza đã bị phá hủy hoặc hư hại do xung đột giữa Israel và Hamas. Các cuộc không kích và pháo kích đã san bằng toàn bộ khu vực đô thị, bao gồm nhiều cơ sở hạ tầng dân sự.
“69.147 công trình kiến trúc, tương đương khoảng 30% tổng công trình của Dải Gaza, đã bị ảnh hưởng”, Jerusalem Post dẫn tuyên bố của UNOSAT.
Cơ quan của Liên hợp quốc xác nhận, 22.131 công trình kiến trúc tại vùng lãnh thổ này đã bị phá hủy, 14.066 công trình bị hư hại nghiêm trọng và 32.950 công trình chịu thiệt hại ở mức độ vừa phải.
Các thành phố Gaza và Khan Yunis chịu thiệt hại nặng nề nhất với lần lượt 10.280 và 11.894 công trình bị hư hại mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.