(HNM) - Mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ, bộ chủ quản và cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương nhưng tình trạng vi phạm trong khai thác cát, sỏi vẫn xảy ra với diễn biến phức tạp.
Trước hết là những hệ lụy về mặt môi trường bởi khai thác cát, sỏi trên sông bừa bãi dẫn đến sạt lở bờ. Lòng sông bị hạ thấp còn ảnh hưởng đến mực nước ngầm hai bên bờ sông và hệ sinh thái thủy sinh, gia tăng tác động xấu của hạn hán, tác động đến hoạt động khai thác nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Thứ hai là những thiệt hại về kinh tế - xã hội với nguy cơ các công trình giao thông, dân dụng... chịu tác động. Và, gắn liền với lợi nhuận từ hoạt động khai thác cát sỏi, ở không ít địa phương đã xuất hiện những hành vi ảnh hưởng đến trật tự an ninh, an toàn xã hội...
Vì sao lại có tình trạng nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương về việc siết chặt quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông được ban hành, triển khai nhưng sau đó, kết quả "nguyễn y vân” hoặc việc kiểm tra, xử lý chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Câu trả lời không quá khó: Lợi nhuận từ khai thác cát, sỏi, nhất là khai thác trái phép quá lớn. Trong khi đó, công tác quản lý lại bộc lộ nhiều kẽ hở, cả về mặt chính sách, chế tài (theo chiều dọc) cũng như hoạt động phối hợp, ngăn chặn (theo chiều ngang giữa bộ hữu quan với địa phương và giữa các địa phương với nhau).
Khai thác cát, sỏi bừa bãi, trái phép mang lại siêu lợi nhuận nhưng... chỉ cho một số ít người và chỉ trong thời gian ngắn. Còn hệ lụy với cộng đồng, môi trường, đặc biệt là các thế hệ tương lai, rõ ràng không thể xem thường. Hành vi mang lại lợi ích cho một nhóm người, bằng phương thức bất hợp pháp là không thể chấp nhận. Thực tế công tác quản lý đặt ra rất nhiều vấn đề cần giải quyết.
Trước hết, đó là yêu cầu thay đổi về tư duy quản lý khoáng sản nói chung; cát, sỏi lòng sông nói riêng. Xét cho cùng, đây chính là nguồn lực quốc gia, tài sản toàn dân mà Nhà nước đại diện quản lý. Chính vì vậy, việc quy hoạch quản lý - khai thác cần được thực hiện một cách khoa học, kinh tế, thận trọng.
Hơn bao giờ hết, chính các cơ quan, địa phương, đơn vị hữu quan cần bắt đầu từ... giai đoạn quy hoạch. Nếu có thể được, nên xem đây là “của để dành” cho con cháu thay vì “ăn xổi”. Cách tiếp cận này cần được quán triệt, bảo đảm xuyên suốt từ quy hoạch đến thực tiễn, từ góc độ quản lý ngành đến từng địa phương. Đây chính là một bài học kinh nghiệm ở nhiều quốc gia phát triển.
Thứ hai, công tác quản lý - khai thác cát, sỏi lòng sông cần được thực hiện ở quy mô liên ngành - địa phương, liên vùng. Bởi lẽ, thực tế thời gian qua, nguyên nhân phổ biến dẫn đến vi phạm thường được dẫn ra là vi phạm “xảy ra tại địa bàn giáp ranh”. Không có một cơ quan điều phối chung thì đây sẽ còn là nguyên nhân... có tính chất như "phao cứu sinh", ngụy biện cho sai phạm.
Tầm nhìn xa về quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản nói chung; cát, sỏi nói riêng là động lực hình thành cơ chế, chính sách phù hợp cho lĩnh vực này. Một quy định mới về việc thống nhất quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông gắn với trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, các bộ, ngành liên quan từ khi lập quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác đến tập kết, mua bán, vận chuyển là hoàn toàn cấp thiết.
Yêu cầu cao nhất từ thực tế là “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”, để tránh tình trạng né tránh, đùn đẩy, trong khi nguồn lợi tài nguyên cát, sỏi lòng sông vẫn ồ ạt chảy vào tài khoản của một nhóm nhỏ cá nhân một cách phi pháp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.