(HNM) - Các chính sách quan trọng đã mang lại sự bình đẳng giới, giúp phụ nữ tham gia nhiều hơn vào hoạt động xã hội, đồng thời giáo dục, từng bước thay đổi quan niệm phân biệt nam - nữ.
Hơn 70% số lao động nữ ở nước ta tham gia vào thị trường lao động, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Đáng chú ý, phụ nữ tham gia Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021, chiếm 27,1%, đưa Việt Nam vào nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới...
Tuy nhiên, bất bình đẳng giới vẫn còn thể hiện trên một số lĩnh vực xã hội. Phụ nữ vẫn chịu nhiều gánh nặng công việc, thu nhập, phân biệt đối xử... Sự tham gia của phụ nữ trong cơ cấu tổ chức, quản lý xã hội còn hạn chế, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Tình trạng bạo hành phụ nữ vẫn diễn ra ở một số nơi, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi xa xôi. Một số trường hợp phụ nữ bị bạo hành nghiêm trọng mà chưa được chính quyền, người xung quanh bảo vệ. Thậm chí, có những phụ nữ phải âm thầm chịu bạo hành gia đình trong nhiều năm mà không dám tố cáo.
Có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới. Trong đó rõ nhất là nhận thức của một số người, đặc biệt là nam giới, còn “trọng nam khinh nữ”, thiếu tôn trọng những giá trị mà phụ nữ mang lại cho cuộc sống. Trong khi đó, nữ giới vẫn phải đảm đương việc gia đình nhiều hơn nam giới. Đáng nói là còn một bộ phận không nhỏ nữ giới chưa nhận thức đầy đủ về quyền được bình đẳng của mình, chấp nhận chịu bạo hành, chịu sự phân biệt đối xử một cách gần như là hiển nhiên...
Vì thế, để cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới, cần có những chế tài mạnh nhằm thực hiện quyền con người đã được quy định trong Hiến pháp. Đồng thời đưa vấn đề giới lồng ghép vào xây dựng và sửa đổi các bộ luật để phụ nữ được bảo vệ và nhìn nhận toàn diện hơn.
Bên cạnh các chương trình hành động, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sự bảo vệ của hệ thống pháp luật, các biện pháp tuyên truyền giáo dục, quan trọng hơn cả là mọi người, cả nam giới và nữ giới đều cần tự giác thay đổi quan niệm phân biệt đối xử. Trong đó, nữ giới cũng cần chủ động tự nâng cao trình độ, sự hiểu biết để vừa tự bảo vệ bản thân, vừa tích cực tham gia các hoạt động xã hội, qua đó khẳng định quyền được bình đẳng của mình.
Trong bối cảnh bạo lực gia đình còn diễn ra khá phổ biến, mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, thể hiện rõ sự bất bình đẳng giới ngay tại mỗi "tế bào xã hội". Do vậy, hướng tới gia đình không có bạo lực là một trong những mục tiêu của bình đẳng giới. Để đạt được mục tiêu đó, mỗi thành viên gia đình phải tôn trọng các quyền cá nhân của các thành viên khác đã được pháp luật công nhận.
Mặt khác, mỗi thành viên gia đình phải được đối xử công bằng; mọi hành vi phân biệt dựa trên cơ sở giới đều phải xóa bỏ. Ngoài ra, các địa phương cần nhân rộng mô hình tuyên truyền về bình đẳng giới, như "Câu lạc bộ bình đẳng giới", tổ công tác "tư vấn, hỗ trợ bạo lực giới", xây dựng "Nhà tạm lánh" hỗ trợ người bị bạo hành...
Phụ nữ là một nửa hạnh phúc của thế giới và những người đàn ông phần lớn luôn cần, luôn tự hào về điều đó. Do vậy, xóa bỏ bất bình đẳng giới, vốn còn trong tiềm thức của nhiều người, phải là trách nhiệm của toàn xã hội, từ nhận thức đến hành động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.