(HNM) - "Trong tháng 6-2014, Tổng cục Ðường bộ phải hoàn thành việc kiểm tra các biển báo giao thông" - Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GT-VT tại cuộc họp Ban Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia về tình hình trật tự ATGT trong 5 tháng đầu năm nay.
Tại sao phải gấp rút tiến hành công việc rà soát, kiểm tra biển báo giao thông trên địa bàn toàn quốc trong giới hạn thời gian có 30 ngày? Như nhận xét của Bộ trưởng GT-VT là vì hệ thống biển báo hiện nay được đặt tùy tiện, không phù hợp thực tế và trở thành những "chiếc bẫy" đối với người dân.
Động thái ấy của ngành chức năng được dư luận nhiệt liệt hoan nghênh. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao những chiếc biển được dựng lên một cách bất hợp lý như thế đã tồn tại trong một thời gian dài, qua nhiều đời bộ trưởng, rồi các cấp lãnh đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam mà không ai hay biết? Không thể là như vậy như đã có rất nhiều ý kiến phản ánh của dư luận, thậm chí là phân tích của các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này. Song tiếc rằng, không ai nghe, không ai thấu hiểu. Và bắt dân phải thực hiện luật ATGT một cách bất hợp lý như vậy, nhưng bây giờ sửa sai đã là mừng. Còn việc truy cứu trách nhiệm của ai, đã gây lãng phí bao nhiêu cho ngân sách nhà nước, lãng phí bao nhiêu cho xã hội (do tốn thời gian và tăng tiêu hao nhiên liệu), rồi có bao nhiêu người dân vô tình trở thành đối tượng vi phạm luật, việc xử lý cụ thể như thế nào...? Đặt ra những câu hỏi đó họa hoằn có người không bình thường mới nghĩ tới. Bởi đơn giản ở ta không quen những chuyện "xin từ chức" hoặc "nhận trách nhiệm" như ở nước ngoài. Thậm chí còn có người có băn khoăn một cách đầy trách nhiệm, đầy day dứt rằng, nếu tôi từ chức bây giờ thì ai làm?
Một chuyện khác. Như khảo sát mới công bố của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là quốc gia có thời gian tiêu tốn cho nộp thuế gần như cao nhất khu vực với 872 giờ mỗi năm, gấp 4 lần mức trung bình của các nước Châu Á - Thái Bình Dương và cao hơn Indonesia (259 giờ), Thái Lan (264 giờ), Philippines (193 giờ), Malaysia (133 giờ) và Singapore (82 giờ). Khảo sát này cũng cho thấy, hiện chúng ta đang mất tới 335 giờ với tần suất kê khai 12 lần/năm để đi đóng các khoản an sinh xã hội bắt buộc như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; còn thực hiện thủ tục về thuế GTGT tốn mất 320 giờ và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là 217 giờ... Như vậy có là nghịch lý khi chúng ta vẫn luôn tuyên truyền khẩu hiệu đóng góp thuế cho Nhà nước là quyền lợi, nghĩa vụ của công dân và các đơn vị, tổ chức? Vậy tại sao người ta lại phải khổ sở, tốn từng ấy thời gian chạy vạy để được thực hiện nghĩa vụ của mình đối với đất nước? Ấy vậy mà có cán bộ của ngành chức năng lại phân bua rằng, mất 872 giờ mỗi năm là... tốt lắm rồi, là đã có cải cách, cải tiến... Lý do vị này đưa ra là hiện tại nền kinh tế nước ta còn nặng về thanh toán tiền mặt, các doanh nghiệp không chuộng kê khai nộp thuế qua mạng nên mất nhiều thời gian… Những nguyên nhân ấy là đúng nhưng chưa đủ bởi điều bất hợp lý đó tồn tại không thể không có trách nhiệm của ngành chức năng. Trong câu chuyện này, điều đáng lo ngại là với quan điểm như thế là... tốt lắm rồi, e rằng những bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực này khó có thể giải quyết dứt điểm trong ngày một ngày hai. Theo WB, thuế là một trong 10 tiêu chí đánh giá môi trường kinh doanh của quốc gia. Vậy nên chừng nào việc nộp thuế chưa được cải tiến thì khó có thể nói rằng môi trường kinh doanh của chúng ta là lành mạnh, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, tổ chức, đơn vị thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Còn rất nhiều nghịch lý tồn tại mà hai chuyện nêu trên chỉ là ví dụ. Cụm từ "tháo gỡ khó khăn, vướng mắc" hiện đang được nhắc tới nhiều trong các báo cáo, đánh giá, mổ xẻ phân tích từng góc cạnh của đời sống xã hội. Như đã nêu ở trên, những nghịch lý cần giải quyết hay nói cách khác là "tháo gỡ khó khăn, vướng mắc" không phải là khó nhận biết. Vấn đề là ở chỗ chúng ta có dũng cảm đương đầu với thực tế khi nhiều nghịch lý tồn tại quá lâu và trở thành... hợp lý, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển? Và giải quyết những nghịch lý đó nhất định sẽ phải động chạm đến tư duy, phương pháp, cách làm, thói quen... thậm chí cả lợi ích cá nhân của người trong cuộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.