(HNM) - Công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật có vai trò quan trọng trong giải quyết tranh chấp lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức và người lao động.
Cuối năm 2018, Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn Hà Nội phối hợp với Liên đoàn Lao động và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Nam Từ Liêm giải quyết việc tranh chấp lao động giữa Công ty TNHH Phần mềm kế toán Thông Minh (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) với người lao động. Trong đó, 4 lao động Phạm Thị Tuyết, Nguyễn Thị Bấm, Nguyễn Thị Lài, Nguyễn Văn Tuấn phản ánh thường xuyên bị công ty nợ lương, dẫn tới phải xin nghỉ việc. Không những vậy, chị Nguyễn Thị Lài còn chưa được chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội, bị giữ bằng tốt nghiệp đại học. 4 lao động trên yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp để công ty thực hiện nghĩa vụ của mình, trong đó có thanh toán khoản nợ lương hơn 180 triệu đồng của 8 lao động. Để giải quyết vụ việc, Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn Hà Nội đề nghị lập tổ công tác xác minh các vấn đề liên quan. Trung tâm cũng nỗ lực hướng dẫn thu thập chứng cứ; xây dựng lập luận bảo vệ quyền lợi của người lao động. Đây là một trong hàng chục vụ việc tranh chấp lao động mà Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn Hà Nội đã và đang phối hợp giải quyết.
Tại các tổ tư vấn pháp luật trực thuộc Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, khối lượng công việc tư vấn, hỗ trợ pháp luật, giải quyết tranh chấp lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức và người lao động cũng ngày càng nhiều, phức tạp, liên quan tới nhiều lĩnh vực. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Ba Đình Nguyễn Đức Vinh cho biết, hoạt động tư vấn pháp luật ở công đoàn cấp trên cơ sở đan xen, gắn kết với các hoạt động tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên; hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các chế độ, chính sách pháp luật... Cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật phải thường xuyên kiêm nhiệm hòa giải viên lao động, thực hiện các công việc chuyên môn khác.
Thực tế không ít người sử dụng lao động, người lao động không xác định đúng vị thế và nghĩa vụ, quyền lợi của mình trong quan hệ lao động, dẫn đến hành vi ứng xử hoặc đòi hỏi quyền lợi không đúng mức, trái pháp luật, gây ra tranh chấp, thậm chí là xung đột. Bên cạnh đó, do áp lực về việc làm, hạn chế về năng lực tự bảo vệ nên trong quan hệ lao động, người lao động luôn ở vị trí yếu thế. Vì vậy, nâng cao nhận thức về pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn chú trọng thực hiện.
Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã khai trương hệ thống tư vấn pháp luật trực tuyến, góp phần không nhỏ trong tuyên truyền, hỗ trợ pháp luật giúp người lao động tự bảo vệ mình. Tổng Liên đoàn cũng đề ra mục tiêu đến năm 2023, xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư chuyên sâu về lĩnh vực pháp luật lao động, công đoàn; có ít nhất 65% số vụ việc của đoàn viên, tổ chức công đoàn có nhu cầu tư vấn, tranh tụng sẽ do chuyên gia pháp luật của công đoàn hỗ trợ...
Thực hiện mục tiêu này, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, năm 2019, Công đoàn Thủ đô sẽ thí điểm khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Bên cạnh đó, Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn Hà Nội khẩn trương nâng cao năng lực đội ngũ tư vấn viên, các tổ tư vấn pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hỗ trợ pháp luật, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.