Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động

Hà Phong| 20/07/2022 06:57

(HNM) - Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 107 cuộc ngừng việc tập thể. Để không xảy ra những vụ việc nổi cộm, phức tạp, các cấp công đoàn tiếp tục nhanh chóng vào cuộc, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Lãnh đạo Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội thăm, tặng quà công nhân Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO).

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2022, số cuộc ngừng việc tập thể tăng 19 cuộc so với cùng kỳ năm 2021. Trong số các cuộc ngừng việc tập thể, điển hình nhất đó là vụ việc hàng trăm công nhân xưởng may mũ giày của Công ty TNHH Nice Power có trụ sở đặt tại tỉnh Nam Định đã đình công bằng cách ngồi tập trung tại đường đi nội bộ trong nhà máy để đưa ra các kiến nghị với bên sử dụng lao động về thời gian làm ca và cơ chế đền bù hợp đồng khi nghỉ việc.

Được biết, tại thành phố Đà Nẵng, một trong những nguyên nhân dẫn tới ngừng việc là do người lao động thấy doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có lãi nhưng không thực hiện các chính sách đã cam kết với người lao động với lý do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tại thành phố Hồ Chí Minh, theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy, những vụ ngừng việc tập thể là do tiền lương, tiền thưởng của người lao động và một số nội dung của thỏa ước lao động tập thể không được thực hiện, duy trì.

Ngoài các nguyên nhân trên, để xảy ra mâu thuẫn còn do chủ sử dụng lao động không công khai, minh bạch các chế độ của người lao động, thông tin của doanh nghiệp; tiền lương, tiền công, thu nhập thấp, điều kiện làm việc không bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, chất lượng bữa ăn ca kém…

Trước tình hình trên, tổ chức công đoàn chủ động nắm tình hình phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia giải quyết; tiến hành sửa đổi, bổ sung 7.043 bản thỏa ước lao động tập thể; ký mới 1.701 bản thỏa ước lao động tập thể, tăng 781 bản so với cùng kỳ năm 2021; đề xuất thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh bữa ăn giữa ca tại 3.814 đơn vị, doanh nghiệp…

Tại Hà Nội, các cấp công đoàn cũng đẩy mạnh trao đổi với các chủ tịch công đoàn cơ sở qua mạng xã hội Zalo hoặc hình thức phù hợp nhằm kịp thời chia sẻ thông tin, cập nhật tình hình. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động thành phố còn yêu cầu các công đoàn cấp trên cơ sở phối hợp với cơ quan chuyên môn, chính quyền đồng cấp rà soát, lập danh sách doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, có nguy cơ tranh chấp lao động. Từ đó, có phương án ngăn chặn, hỗ trợ, giải quyết kịp thời, giảm thiểu tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công tự phát xảy ra.

Tương tự, tổ chức công đoàn các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Tây Ninh đã tăng cường phối hợp, đối thoại với các hiệp hội người sử dụng lao động tại địa phương, khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế để nắm tình hình doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ công đoàn.

Sâu sát với cơ sở, các cấp công đoàn còn nhận định một số đơn vị có thể không tiếp tục thực hiện quy định mức lương thấp nhất tại doanh nghiệp cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề để phản ánh với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đồng thời yêu cầu quan tâm, xử lý để có giải pháp bảo đảm ổn định quan hệ lao động trên địa bàn.

Ngày 17-6 vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời có văn bản đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo giải quyết giữ lại tiền lương cho lao động đã qua đào tạo. Điều này cho thấy các cấp công đoàn rất tích cực, chủ động bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, kiến nghị với cấp có thẩm quyền về vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách, phối hợp với cơ quan chức năng triển khai các giải pháp bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh, thời gian tới, các cấp công đoàn sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu đề xuất và tham gia xây dựng, triển khai, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền của người lao động; tiếp tục nhanh chóng vào cuộc, tổ chức thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động, bảo đảm quyền lợi của người lao động, trong đó quan tâm nội dung việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.