(HNM) - Với lịch sử hơn 320 năm, thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến hấp dẫn bởi nét đặc sắc về di sản kiến trúc. Tuy nhiên, trước làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ, sự cấp thiết của việc bảo tồn, gìn giữ di sản kiến trúc cần đặt ra hơn bao giờ hết.
Dù đã đến hay chưa đến thành phố Hồ Chí Minh, người dân Việt Nam đều biết thành phố này có Hội trường Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát thành phố, Bưu điện thành phố… Tất cả những công trình này đều là di sản kiến trúc rất quý báu cần được cả xã hội chung tay gìn giữ.
Ông Châu Văn Đức (ngụ phường 7, quận 3) cho biết, những công trình đó mang tính “biểu tượng” của thành phố Hồ Chí Minh, là một trong những lợi thế rất lớn để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Thành phố Hồ Chí Minh có hệ thống di sản kiến trúc phong phú, đa dạng. Ảnh: Nguyễn Lê |
Theo Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, trải qua quá trình lịch sử nhiều biến động, thành phố may mắn thừa hưởng giá trị kiến trúc qua từng giai đoạn phát triển. Điều này giúp thành phố có sự phát triển liên tục, hài hòa giữa kiến trúc hiện đại với những công trình trong quá khứ tạo sức hấp dẫn khách du lịch. Hiện thành phố có 172 di tích, trong đó có 40 di tích (chiếm 23%) là công trình kiến trúc có thể phát huy thành điểm đến du lịch.
Tuy nhiên, trước làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ khiến việc gìn giữ những di sản kiến trúc là một thách thức không nhỏ. PGS.TS, kiến trúc sư Trần Văn Khải (giảng viên giảng dạy về bảo tồn di sản tại nhiều trường đại học) cho rằng, để bảo tồn thì trước tiên phải làm sao để người sở hữu di sản kiến trúc gia tăng nguồn thu. Điều này đặc biệt cần thiết đối với những di sản kiến trúc sở hữu tư nhân.
Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị nhận định, do quy luật của kinh tế thị trường làm cho cơ cấu sử dụng đất thay đổi nên xảy ra nhiều mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc. Một trong những cách để giải quyết mâu thuẫn trên là biến bảo tồn thành nguồn lực, tạo kinh phí cho sự phát triển.
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu (nhà khảo cổ học), di sản kiến trúc có bốn giá trị gồm: Giá trị lịch sử, giá trị kinh tế, bản sắc đô thị và ký ức đô thị. Nếu không ứng xử tôn trọng quá khứ sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ các giá trị trên. Để công tác bảo tồn đạt hiệu quả phải có sự thỏa hiệp và đồng thuận giữa các bên liên quan. Đặc biệt, nhà đầu tư hay chủ sở hữu của di sản kiến trúc phải có trách nhiệm với cộng đồng.
Ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích thành phố Hồ Chí Minh cho hay, đối với nhiều di sản kiến trúc sở hữu tư nhân, người dân còn e ngại việc kiểm kê nên chưa đồng ý xếp hạng di tích. Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước, nhà đầu tư cần phải dựa vào cộng đồng mà chìa khóa là tạo sự đồng thuận trên nguyên tắc dung hòa lợi ích.
Đối với Nhà nước, có 3 công cụ có thể sử dụng là quy hoạch sử dụng đất, đầu tư hạ tầng cơ sở và sử dụng chính sách thuế. Các chính sách của Nhà nước không chỉ mang yếu tố pháp lý mà phải nâng đỡ, bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu di sản kiến trúc.
Hiện Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh thu hút du lịch thông qua sản phẩm du lịch di sản. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang thừa hưởng và phát huy giá trị của các di sản kiến trúc nhằm thúc đẩy phát triển ngành Du lịch.
“Bài toán hiệu quả để bảo tồn các di sản kiến trúc là tăng nguồn thu từ du lịch cho đơn vị quản lý, sử dụng. Một phần doanh thu được sử dụng để tái đầu tư vào công tác bảo tồn, tôn tạo, tôn vinh, phục dựng và quản lý di sản kiến trúc”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.