Cụm di tích quốc gia chùa Trầm và chùa Trăm Gian được dân gian ca tụng là hai trong "Tứ đại danh thắng của xứ Đoài”.
Các ngôi chùa trong khu vực được khởi dựng từ sớm và hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên, tạo nên sức hấp dẫn và giá trị đặc biệt về cảnh quan, kiến trúc. Theo PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cụm di tích này cần được bảo tồn để gắn với phát triển du lịch.
Xứng danh trong “Tứ đại danh thắng của xứ Đoài”
Cụm di tích chùa Trăm Gian, chùa Trầm tọa lạc ở hai nơi có địa thế đẹp trên sườn núi hoặc đỉnh núi, bố cục cao dần, đưa viễn cảnh đồi núi, mặt nước vào cảnh quan văn hóa của chùa. Phật tử và du khách có thể cảm nhận vẻ đẹp của cụm di tích từ nhiều góc nhìn khác nhau. Từ trên núi nhìn xuống hoặc phóng tầm mắt ra xa cảm thụ khung cảnh thiên nhiên bao la, từ chân núi nhìn lên, cũng có thể từ bên kia hồ nước nhìn xuống để thấy thấp thoáng trong núi non và cây xanh là những công trình kiến trúc tuyệt mỹ (chùa Trăm Gian dựng trên đỉnh đồi cao thuộc dãy núi Tiên Lữ), cụm chùa Trầm (chùa Vô Vi, chùa Hang, chùa Ba Làng, chùa Cao) phân bố trên dãy núi đá có tên gọi là Tử Trầm Sơn, mà đỉnh lớn nhất như con phượng khổng lồ nhô đầu lên và còn gọi là Ngũ Nhạc Sơn.
Chùa Trăm Gian và chùa Trầm là 2 trong số 62 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng đầu tiên theo Quyết định số 313/VH-VP ngày 28 tháng 4 năm 1962 của Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Điều đó chứng tỏ giá trị nổi bật của hai ngôi chùa nói trên ở cả hai mặt: Danh lam thắng cảnh và kiến trúc, nghệ thuật và xứng danh là hai trong “Tứ đại danh thắng của xứ Đoài”.
Trước hết, phải nhấn mạnh tính đặc thù của chùa Trăm Gian là có sự kết hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Đây là một trong số 27 ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh vốn có ở Đồng bằng Bắc Bộ. Đối tượng được thờ trong ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh, ngoài hệ thống tượng pháp thờ Phật còn có các vị Thánh nổi tiếng, như: Thánh Từ Đạo Hạnh, Thánh Dương Không Lộ, Thánh Nguyễn Minh Không, Thánh Nguyễn Giác Hải và Thánh Bối (Nguyễn Bình An). Đặc biệt, chùa Trăm Gian còn thờ cả Đô đốc Đặng Tiến Đông.
Vì có sự hỗn dung giữa thờ Phật và thờ Thánh trong tín ngưỡng dân gian, cho nên lễ hội truyền thống được tổ chức tại các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh bao giờ cũng có tính chất liên vùng và phạm vi ảnh hưởng lan tỏa rộng lớn, sức hấp dẫn đối với đông đảo công chúng trong xã hội.
Chùa Trầm thể hiện rõ nét sự hỗn dung giữa Phật giáo và Đạo giáo, trong hệ thống các ngôi chùa phân bố ở chân núi, hang đá, sườn núi có một ngôi chùa có tên là Vô Vi - mang quan điểm triết học đặc trưng của Đạo giáo.
Ngoài ra, chùa Trầm còn là địa điểm sơ tán đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam khi rời Hà Nội để tiếp tục phát thanh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tại đây, sáng 20-12-1946, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát toàn văn Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là “lời hịch” non sông rất thiêng liêng, tuy ngắn gọn, súc tích, nhưng lại có sức mạnh kêu gọi cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trong nội thất các chùa thuộc cụm di tích chùa Trăm Gian, chùa Trầm còn lưu giữ hàng trăm bức tượng nghệ thuật điêu khắc gỗ. Tiêu biểu nhất là tượng Quan thế âm Bồ Tát và tượng Tuyết Sơn. Ở chùa Trầm có hơn 40 tấm bia ma nhai có khả năng trở thành di sản tư liệu của thế giới.
Đối chiếu với quy định của Luật Di sản văn hóa, cụm di tích chùa Trăm Gian, chùa Trầm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một di tích quốc gia đặc biệt.
Phát triển du lịch văn hóa, tâm linh
Xét về bản chất du lịch tâm linh, du lịch tôn giáo, hay du lịch Phật giáo, cũng là loại hình du lịch văn hóa. Ở đó, văn hóa tâm linh, di sản văn hóa Phật giáo được thừa nhận là tài nguyên du lịch đặc thù, có khả năng thỏa mãn nhu cầu hoạt động trải nghiệm tâm linh của Phật tử và du khách. Du lịch tâm linh là loại hình du lịch hấp dẫn, vì có khả năng đưa lại những trải nghiệm tâm linh mang tính chất thiêng liêng cao cả cho du khách khi có cơ hội tiếp cận các thiết chế tôn giáo tại các danh lam thắng cảnh của cụm di tích.
Hơn nữa, du lịch tâm linh luôn gắn với lễ hội truyền thống được tổ chức thường niên trong không gian văn hóa của các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng, mà tiêu biểu nhất là các ngôi chùa thờ Phật. Du lịch tâm linh là dạng hoạt động văn hóa mang tính tổng hợp, vừa có tính văn hóa, trí tuệ cao, tinh thần thể thao cao thượng, đua tài, vui chơi, giải trí, vừa là yếu tố kinh tế đóng góp nguồn lực phát triển cho địa phương, cải thiện sinh kế cho cộng đồng cư dân sống trong khu vực di tích.
Theo đó, hình thức du lịch tâm linh là hoạt động tham quan, vãn cảnh chùa, chủ yếu đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên, hay cảnh quan văn hóa hấp dẫn để trải nghiệm khoái cảm thẩm mỹ, nghỉ ngơi, giải trí tích cực, chứ không chỉ hướng vào mục tiêu trải nghiệm, khám phá tri thức mới.
Ngoài nhu cầu thưởng ngoạn, du lịch tâm linh còn là cơ hội cho Phật tử, du khách gửi gắm đức tin và khát vọng được hỗ trợ về mặt tinh thần trước nhiều rủi ro bất thường trong đời sống, lao động sản xuất và kinh doanh. Cao hơn nữa, du lịch tâm linh gắn với mục tiêu tìm hiểu triết lý, giáo pháp sâu xa ẩn chứa trong các loại kinh sách cũng như các nghi lễ, nghi thức tôn giáo…
Nhìn chung, du lịch tâm linh có khả năng hoằng dương Phật pháp, giáo dục di sản và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo cho đông đảo công chúng trong toàn xã hội, đặc biệt là góp phần giữ gìn bản sắc Việt Nam qua suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.
Du lịch tâm linh dựa trên nền tảng di sản văn hóa Phật giáo nói chung và cụm di tích chùa Trăm Gian, chùa Trầm nói riêng phải đặt ra nhiệm vụ phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo nêu trên.
Xét về mặt du lịch, dù hàm chứa các mặt giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học hay kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu đến đâu thì cụm di tích chùa Trăm Gian và chùa Trầm cũng chỉ tồn tại dưới dạng tài nguyên du lịch. Do đó, muốn có được các sản phẩm du lịch, các tour du lịch có chất lượng, trước hết phải có quy hoạch hoặc dự án tổng thể bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành giá trị của cụm di tích. Bên cạnh đó là dự án bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, mà đặc biệt là lễ hội Phật giáo được nhân dân trong vùng Chương Mỹ giữ gìn và tổ chức.
Trải qua nhiều biến động lịch sử, hiện trạng của cụm di tích nói trên không còn nguyên vẹn như lúc mới khởi dựng hay ở thời điểm hoàn chỉnh nhất. Vây nên, yêu cầu bức thiết nhất đặt ra là phải có chương trình nghiên cứu sâu hơn nữa để nhận diện rõ các mặt giá trị tiêu biểu của di tích, đồng thời diễn giải di tích thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như ứng dụng thành tựu kỹ thuật hiện đại (nghe nhìn, công nghệ số, hiện thực ảo…) để người dân địa phương và du khách tiếp thu được những thông điệp văn hóa mà cha ông muốn truyền lại. Từ cách tiếp cận như thế, các bộ, ngành và thành phố Hà Nội cũng như huyện Chương Mỹ cần đầu tư thỏa đáng cho việc xây dựng nội dung tư tưởng cũng như kiến trúc của phông trưng bày chuyên đề bổ sung cho cụm di tích.
Đặc biệt, tất cả các dự án bảo tồn di sản văn hóa cụm di tích gắn với phát triển du lịch bền vững, huyện Chương Mỹ và thành phố Hà Nội phải lấy nguyện vọng, nhu cầu của người dân địa phương và du khách làm điểm xuất phát. Di sản văn hóa phải được bảo vệ và chỉ được bảo vệ khi dựa vào cộng đồng, tin vào cộng đồng và phát huy sức mạnh của cộng đồng. Khi đó, di sản sẽ trường tồn và đem lại nguồn thu nhập cho nhân dân sở tại…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.