Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ hết “nỗi lo cuối năm”?

Tuấn Kiệt| 31/01/2018 06:55

(HNM) - “Đến hẹn lại lên”, mỗi dịp cuối năm lại dấy lên hàng loạt nỗi lo “tắc nghẽn”, nào là tắc đường, nghẽn mạng viễn thông; rồi tình trạng quá tải, nghẽn mạng thanh toán tiền trên hệ thống máy rút tiền tự động (ATM) thường xuyên xảy ra, gây không ít phiền phức cho người dân.


Nỗi lo ấy trở thành thường trực, bức bối qua nhiều năm chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu.

Đáng nói, năm nào cũng vậy, gần cuối năm khi dư luận cảnh báo về tình trạng nghẽn ATM thì các ngân hàng cũng đồng loạt lên tiếng trấn an bằng các “cam kết” bảo đảm hoạt động thông suốt hệ thống ATM. Thế nhưng, điệp khúc tắc nghẽn ATM, hết tiền vẫn tái diễn, như một món “đặc sản” không thể thiếu trong những ngày giáp Tết. Tại các khu người lao động tập trung cao, hình ảnh rồng rắn xếp hàng, chờ rút tiền ở những cây ATM đã trở nên quen thuộc.

Nguyên nhân tắc nghẽn đã rất rõ, người dân thường tập trung tiền vào những ngày cuối năm để sắm Tết, về quê, nên lượng giao dịch thường tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Lượng giao dịch qua thẻ ATM cũng tăng cao nên bị tắc nghẽn là điều dễ hiểu. Song, để tình trạng kéo dài năm này qua năm khác và tại những khu vực cụ thể, là điều khó chấp nhận.

Có thể thấy, thực tế với nhu cầu giao dịch, rút tiền của người dân ngày càng tăng mà các ngân hàng không mở rộng, tăng cường cây ATM, hoặc lượng tiền nạp trong ngày, để xảy ra tắc nghẽn thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về ngân hàng. Về vấn đề này, cách giải quyết dường như trong tầm tay của các ngân hàng sở hữu cây ATM. Điều quan trọng là ngân hàng thể hiện trách nhiệm của mình đến đâu mà thôi.

Về quản lý, năm 2014, khi tình trạng nghẽn ATM đang ở đỉnh điểm thì Chính phủ đã ban hành Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, quy định ngân hàng nào để máy ATM hết tiền, không đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng sẽ bị phạt 10-15 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với việc để máy ATM ngừng hoạt động 24 giờ không thông báo; không bảo đảm thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống ATM; không duy trì hoạt động bộ phận hỗ trợ để khách hàng liên hệ bất cứ lúc nào… Tuy nhiên, đến nay, dù có nhiều ngân hàng phạm lỗi nhưng vẫn chưa bị xử phạt, ngay cả mức phạt 10-15 triệu đồng cũng chẳng thấm thía gì. Rõ ràng, muốn có sự thay đổi thì trước hết vấn đề này phải được xử lý triệt để. Đó là không để tình trạng “cam kết” miệng rồi thực tế xảy ra tắc nghẽn thì không ai bị xử lý trách nhiệm.

Tất nhiên, trách nhiệm ở đây không chỉ riêng của ngành Ngân hàng. Trong tình thế hiện nay khi hệ thống ATM chưa đủ đáp ứng thì cũng cần sự chung tay của các doanh nghiệp. Có một thực tế tồn tại lâu nay là để “giữ chân” công nhân dịp Tết, nhiều doanh nghiệp đã “găm” tiền thưởng đến cận ngày nghỉ mới chi trả, tạo nên tình trạng ùn cục bộ khi một lượng lớn người cùng đi rút tiền. Vì vậy, sự chia sẻ của doanh nghiệp bằng cách chi tiền thưởng sớm, thậm chí tạm thời chi trả bằng tiền mặt cũng sẽ góp phần không nhỏ hạn chế tình cảnh xếp hàng chờ rút tiền.

Về lâu dài, giải pháp bền vững là phải thúc đẩy càng nhanh càng tốt cho một nền kinh tế không dùng tiền mặt. Vì thế, Chính phủ, ngành Ngân hàng cùng các doanh nghiệp về tài chính và công nghệ đang tích cực chung tay vào kế hoạch lớn này nhằm tiến tới một nền kinh tế không tiền mặt; mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%; đồng thời thúc đẩy thanh toán điện tử khi mua sắm, tiêu dùng. Với sự chung tay này thì nỗi lo tắc nghẽn ATM sẽ không còn kéo dài lâu nữa. Nhưng để kế hoạch này không chỉ là giấc mơ thì trước mắt cần quan tâm đến việc thay đổi thói quen tiêu dùng và niềm tin của người dân… 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ hết “nỗi lo cuối năm”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.