Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm tính khả thi phương án đầu tư các tuyến dự án đường Hồ Chí Minh

Đình Hiệp - Tiến Thành| 24/05/2022 17:15

(HNMO) - Chiều 24-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ chiều 24-5.

Dự án đường Hồ Chí Minh có nhiều ý nghĩa quan trọng

Thảo luận tại tổ, các đại biểu khẳng định, đường Hồ Chí Minh là công trình quan trọng có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh và xóa đói giảm nghèo. 

Đại biểu Nguyễn Đình Việt (Đoàn Cao Bằng) cho rằng, việc đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức quan trọng về lịch sử, chiến lược an ninh, quốc phòng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh mà tuyến đường đi qua, đặc biệt là các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn ở miền núi phía Bắc và khu vực phía Tây.

Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ việc có tiếp tục đầu tư đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến (thuộc đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến) không và hình thức đầu tư như thế nào.

Theo báo cáo và tờ trình của Chính phủ, trong 3 dự án thành phần còn lại chưa được bố trí vốn, đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến không hấp dẫn nhà đầu tư và 2 tuyến quốc lộ 32, quốc lộ 21 hiện hữu đến nay vẫn cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận tải.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cần đánh giá toàn diện hơn, bảo đảm tính khả thi của phương án đầu tư các tuyến dự án đường Hồ Chí Minh theo phương thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), bởi thời gian hoàn vốn được nêu trong tờ trình của Chính phủ là quá dài. Đối với 171km chưa được bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025, trong đó có 2 dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận, cần đánh giá 2 dự án chậm thì ảnh hưởng như thế nào đến kết nối lưu thông của toàn tuyến, từ đó có thể thấy được thứ tự ưu tiên để xem xét bố trí vốn cho dự án.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất chú trọng công tác an sinh xã hội, bố trí tái định cư cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc bị ảnh hưởng bởi dự án tại khu vực Tây Nguyên. Đại biểu cũng lưu ý yếu tố về quốc phòng - an ninh dự án đường Hồ Chí Minh, trong đó cần có nhánh kết nối dự án với đường tuần tra biên giới nhằm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giao thông...

Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế đầu tư

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn thành phố Hà Nội) bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, giao thông đường bộ đang là điểm nghẽn cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn thành phố Hà Nội) thảo luận tại tổ.

“So với các nước trong khu vực cũng như thế giới, Việt Nam đang tụt hậu về cơ sở hạ tầng giao thông, chỉ số kết nối giao thông đường bộ thấp. Vì thế, chi phí logistics tại Việt Nam tăng cao, gấp đôi nhiều nước trên thế giới, ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh của nền kinh tế”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu.

Từ phân tích trên đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, nguyên nhân quan trọng khiến dự án này chậm là do thể chế khiến chúng ta chưa huy động được các nguồn lực trong xã hội, các nhà đầu tư tư nhân, nước ngoài tham gia vào dự án. Vì thế, đại biểu đề nghị cần sớm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến vấn đề này.

Còn đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn thành phố Hà Nội) cho biết, khảo sát thực tế cho thấy, việc thu hồi vốn của nhiều dự án thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh là rất khó, đặc biệt với các nhà đầu tư tư nhân. Vì thế, theo đại biểu, với dự án có nhiều ý nghĩa quan trọng như đường Hồ Chí Minh thì việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công của Nhà nước là hợp lý.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn thành phố Hà Nội) thảo luận tại tổ.

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, đây là dự án quan trọng quốc gia thì phải tập trung ưu tiên mọi nguồn lực. Cùng quan điểm, đại biểu Trần Đức Thuận (Đoàn Nghệ An) cho rằng, cần kiểm điểm nguyên nhân để rút kinh nghiệm trong các dự án tiếp theo. Tuy nhiên, đại biểu Thuận cũng trăn trở về nguồn vốn để huy động nguồn lực khi trong thời gian tới rất nhiều dự án được triển khai, xây dựng. 

Còn theo đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa), dự án đường Hồ Chí Minh chậm nguyên nhân ở khâu tổ chức thực hiện. Do đó, Quốc hội cần tăng cường giám sát và Chính phủ cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo thực hiện để dự án hoàn thành đúng mục tiêu ban đầu đề ra.

Cùng ngày, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Dự thảo Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa trong 5 năm về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý quy hoạch, đất đai; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển…

Thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết, đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình với sự cần thiết ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ tác động của Nghị quyết đến cảng Cam Ranh và huyện đảo Trường Sa; đồng thời làm rõ các cơ chế đặc thù thu hút đầu tư, bảo đảm quốc phòng - an ninh tại Khu kinh tế Vân Phong...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm tính khả thi phương án đầu tư các tuyến dự án đường Hồ Chí Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.