Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm quyền lợi người lao động

Bắc Vũ| 05/12/2022 06:07

(HNM) - Câu chuyện lương, thưởng luôn là chủ đề nóng và rất được quan tâm vào dịp cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán. Vì thế, như thường lệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa yêu cầu các sở lao động - thương binh và xã hội trên cả nước thực hiện chính sách tiền lương và thưởng Tết, để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, thưởng là số tiền hoặc tài sản, hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động, căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc. Quy chế thưởng sẽ do người sử dụng lao động quyết định sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động, và phải được công khai ở nơi làm việc.

Tiền thưởng dù không phải là khoản tiền mà doanh nghiệp bắt buộc phải trả cho người lao động, nhưng thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội qua các năm cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều có tiền thưởng Tết, chỉ trừ một số trường hợp cực kỳ khó khăn. Gần đây nhất, mức thưởng Tết Dương lịch 2022 bình quân là 1,36 triệu đồng/người lao động; Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 bình quân là 6,17 triệu đồng/người lao động. Trong đó, mức thưởng cao nhất Tết Dương lịch là 471 triệu đồng; Tết Nguyên đán là 1,43 tỷ đồng.

Năm 2022, kinh tế - xã hội của cả nước mặc dù đã có nhiều khởi sắc, nhưng do chịu tác động tiêu cực từ hậu quả của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng của lạm phát và tình hình bất ổn về an ninh, chính trị, kinh tế thế giới, dẫn đến thực trạng không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Thực tế, một số doanh nghiệp đang đối mặt với việc thiếu đơn hàng, người lao động phải ngừng việc, nghỉ việc luân phiên, giảm giờ làm thêm nên đã phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, tiền lương, thưởng.

Trong bối cảnh đó, các bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần nắm bắt chặt chẽ tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của công nhân lao động; việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, thưởng… để thực hiện các chế độ đối với người lao động theo nội dung đã thỏa thuận. Đồng thời thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi, phát triển thị trường lao động; tăng cường các giải pháp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp; có biện pháp thích hợp để ngăn ngừa, giảm thiểu các tranh chấp lao động. Lưu ý là thường xuyên theo dõi, nắm tình hình quan hệ lao động từ cơ sở, nếu có tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công tự phát..., các cơ quan chức năng cần chủ động phối hợp, khẩn trương giải quyết, bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Một việc rất quan trọng và cần quan tâm ngay từ bây giờ là các doanh nghiệp khẩn trương xây dựng phương án thưởng dựa trên kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2022 theo quy định và thông báo cho người lao động biết kế hoạch trả lương, thưởng và các chế độ phúc lợi khác theo quy định trong dịp Tết. Mặt khác, tập trung huy động mọi nguồn lực, cân đối thu chi, quyết tâm không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng của người lao động; quan tâm, động viên kịp thời những người lao động có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, xa quê…

Là tâm lý chung, làm việc cả năm, ai cũng mong cuối năm có được một khoản thu nhập để chăm lo cho gia đình. Đây là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng và cũng là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm quyền lợi người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.