Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm lợi ích thiết thực

Chí Kiên| 29/10/2021 06:10

(HNM) - Bảo hiểm xã hội tự nguyện là một chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội. Với những lợi ích thiết thực, lâu dài, ngày càng có nhiều người lao động tự do là nông dân, người làm ở khu vực phi chính thức quan tâm và tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Thực hiện chính sách an sinh quan trọng này, thời gian qua, ngành Bảo hiểm xã hội cùng các ngành chức năng, các địa phương đã giúp lao động tự do tiếp cận chính sách nhanh chóng, thuận tiện. Trong đó, ngành Bảo hiểm xã hội luôn kịp thời rà soát, tinh giản, rút gọn các thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ; hệ thống đại lý thu và mạng lưới cộng tác viên được mở rộng đến thôn, xóm, tổ dân phố…

Đặc biệt, công tác truyền thông được ngành Bảo hiểm xã hội kết hợp với ngành Bưu điện và chính quyền các địa phương thực hiện theo phương châm “đến từng nhà, gặp từng người” để truyền tải những thông điệp ý nghĩa, giúp người dân hiểu tường tận chính sách, từ đó chủ động, tự nguyện tham gia.

Với các giải pháp tích cực, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã gia tăng theo từng năm, nhưng tiềm năng cho bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn rất lớn. Bởi thực tế, cả nước hiện mới có hơn 13 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong tổng số hơn 50 triệu người trong độ tuổi lao động. Điều đáng nói, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn ít do đa phần chưa hiểu hết tính ưu việt mà loại hình này mang lại.

Thực tế trên chính là “nút thắt” mà ngành Bảo hiểm xã hội và các ngành chức năng, các địa phương cần quan tâm tháo gỡ. Theo đó, công tác truyền thông cần giữ vai trò chủ đạo. Ngoài ngành Bảo hiểm xã hội, việc này cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, giúp người lao động hiểu những nội dung thiết thực, sát sườn nhất với họ như tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, họ đóng phí như thế nào; quyền lợi hưởng lương hưu hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, chế độ tử tuất ra sao… Quá trình này đòi hỏi tuyên truyền viên phải bền bỉ và cần đổi mới, đa dạng phương thức thông tin, tuyên truyền, như: Trực tiếp gặp gỡ để thuyết phục người dân, tiếp cận qua hệ thống mạng xã hội, truyền thanh cơ sở… theo cách phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng địa phương. Làm sao để giải quyết được vấn đề cốt lõi là giúp người dân tiếp cận chính sách nhanh, dễ hiểu và tin cậy nhất, qua đó tạo sự cộng hưởng, tác động mạnh mẽ hơn trong cộng đồng.

Bên cạnh “đòn bẩy” từ truyền thông, việc tiếp tục hoàn thiện, đổi mới chính sách bảo hiểm xã hội sao cho hấp dẫn, thuận lợi trong đóng - hưởng cũng giữ vai trò quyết định thu hút người dân tham gia. Vì thế, ngành Bảo hiểm xã hội cần phối hợp với các ngành chức năng tích cực tham gia đề xuất hoàn thiện chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn; tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, tổ chức thực hiện chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho người tham gia, thụ hưởng chính sách. Cùng với đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, quản lý và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ đối với tổ chức, cá nhân làm công tác thu, đại lý thu; chấn chỉnh, xử lý kịp thời sai phạm (nếu có).

Mở rộng, phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị để thay đổi nhận thức, chuyển biến hành vi của người dân. Trong đó, bảo đảm những lợi ích thiết thực của chính sách chính là tạo dựng niềm tin trong nhân dân, giúp chính sách có sức sống lâu bền trong thực tế đời sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm lợi ích thiết thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.