Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Kim Nhuệ| 16/10/2016 06:42

(HNM) - Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Điều này thể hiện rõ qua tần suất, cường độ hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh… gia tăng trong thời gian qua. Bài toán an ninh lương thực, hơn lúc nào hết, đòi hỏi có giải pháp mang tính chiến lược.



Ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu

- Thưa ông, bảo đảm an ninh lương thực có thực sự là thách thức lớn đối với chúng ta trong bối cảnh các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác quá mức và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng khốc liệt?

- Đúng vậy, biến đổi khí hậu đang diễn ra khá nhanh, mạnh hơn so với dự báo và tác động của nó tới sản xuất nông nghiệp rất nghiêm trọng. El-Nino xảy ra từ năm 2015 kéo dài đến tháng 6-2016, là chu kỳ El-Nino có cường độ mạnh và dài nhất trong lịch sử đã được quan trắc. Các hiện tượng cực đoan như rét đậm, rét hại lệch quy luật, tuyết và băng giá, khô hạn khốc liệt và xâm nhập mặn… xảy ra tác động tiêu cực tới sản xuất, chăn nuôi và cuộc sống của hàng tỷ người dân trên thế giới.

- Ông có thể cho biết rõ hơn về những hậu quả của mất an ninh lương thực?

- Theo ước tính của Liên hợp quốc, dân số thế giới dự kiến sẽ tăng từ 7,2 tỷ người hiện nay lên 9,6 tỷ người vào năm 2050 và sản xuất nông nghiệp sẽ cần phải tăng 70% để đáp ứng nhu cầu vào thời điểm đó. Trong khi đó, cả thế giới đã có gần 1 tỷ người suy dinh dưỡng vì thiếu ăn; biến đổi khí hậu lại có thể làm sản lượng nông sản nhiều nơi trên thế giới tổn thất từ 50% đến 60%. Bởi thế, nếu không có hành động khẩn cấp, biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, khiến số người bị đói và suy dinh dưỡng tăng vọt, trong đó số người bị đói có thể lên tới 60 triệu người vào năm 2020 bên cạnh hơn 1 tỷ người suy dinh dưỡng.

- Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến sản xuất lương thực?


- Tại Việt Nam, kịch bản biến đổi khí hậu (phiên bản 2016) cho thấy nhiệt độ trung bình năm trên phạm vi toàn quốc tăng khoảng 0,62°C trong thời kỳ 1958-2014 và tăng dần theo thời gian. Nếu so với thời kỳ 1981-1990, nhiệt độ trung bình năm (giai đoạn 1995-2014) tăng khoảng 0,38°C thì trong 10 năm gần đây (2005-2014) đã tăng 0,42°C. Nhiệt độ tăng ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây trồng.

Dự báo, vào giữa thế kỷ này, nhiệt độ trung bình năm của cả nước tăng từ 1,3 đến 1,7°C, trong đó, khu vực Bắc Bộ (Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ) tăng từ 1,6 đến 1,7°C; khu vực Bắc Trung Bộ từ 1,5 đến 1,6°C và khu vực phía Nam (Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ) tăng từ 1,3 đến 1,4°C. Đến cuối thế kỷ, ở phía Bắc nhiệt độ tăng từ 1,9 đến 2,4°C và ở phía Nam 1,7-1,9°C.

Nhiệt độ tăng ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây trồng. Khi nhiệt độ tăng 1°C, năng suất lúa sẽ giảm 10%, năng suất ngô giảm từ 5% đến 20% và sản lượng cây lương thực giảm trung bình 15%.

Đương đầu với thách thức

- Như vậy, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm đang trở nên vô cùng cấp bách, thưa ông?

- Nước biển dâng là thách thức lớn cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đặc biệt là lúa gạo và nuôi trồng thủy sản. Cũng theo kịch bản biến đổi khí hậu (phiên bản 2016), mực nước biển dâng trung bình cho cả nước giai đoạn 1993-2014 là 3,34mm/năm, trong đó ở khu vực ven biển Nam Trung Bộ tăng mạnh nhất với tốc độ tăng trên 5,6mm/năm, khu vực ven biển vịnh Bắc Bộ có mức tăng thấp hơn, khoảng 2,5mm/năm.

Ảnh hưởng của El-Nino từ năm 2015, tính đến ngày 24-6-2016, hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài đã làm thiệt hại 249.620ha lúa, 19.203ha hoa màu, 37.369ha cây ăn quả tập trung, 163.768ha cây lâu năm… với tổng giá trị lên đến 142.144 tỷ đồng.

Riêng về lúa, so cùng kỳ năm 2015, diện tích gieo cấy vụ đông xuân 2016 cả nước giảm 31.100ha, năng suất giảm 3,6 tạ/ha và sản lượng giảm 1,326 triệu tấn (6,4%) và chủ yếu giảm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân cơ bản là tác động của El-Nino, biến thể của biến đổi khí hậu gây hạn hán khốc liệt và xâm nhập mặn gia tăng, song cộng hưởng với đó còn là tác động từ các công trình thủy điện trên hệ thống sông Mê Kông, sự tàn phá rừng đầu nguồn... khiến xâm nhập mặn vào sâu hơn. Những thiệt hại với sản xuất trồng trọt như đã nêu là rất lớn khiến Ngành Nông nghiệp tăng trưởng âm trong những tháng đầu năm nay.

- Hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng thế nào tới xuất khẩu gạo?

- Việt Nam luôn đứng trong nhóm 2-3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, với thị phần gần 20% toàn cầu. Tuy nhiên, dù Việt Nam dư thừa gạo để xuất khẩu song chỉ số an ninh lương thực lại đứng sau Singapore, Malaysia và Brunei, các nước gần như phải nhập khẩu gạo. Điều này cho thấy, an ninh lương thực của chúng ta mới chỉ đạt cấp quốc gia (tính theo trung bình đầu người) mà chưa có an ninh lương thực cấp hộ gia đình, bởi theo tiêu chí của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc thì nhiều người chưa tiếp cận được lương thực hoặc không có tiền để mua lương thực.

Trong thực tế, năm 2016 Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã điều chỉnh giảm lượng gạo xuất khẩu xuống dưới 6 triệu tấn thay vì khoảng 6,5 triệu tấn như dự kiến ban đầu.

Ứng phó và thích nghi

- Xâm nhập mặn được xem là kẻ thù của cây lúa, tuy nhiên, cần phải thay đổi tư duy này, bằng cách biến nước mặn trở thành sản phẩm hữu ích cho Ngành Nông nghiệp để đẩy lùi nguy cơ mất an ninh lương thực?

- Trước hết, chúng ta cần xây dựng chiến lược dài hạn với mục tiêu chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an ninh lương thực trong mọi hoàn cảnh. Khi đó xuất khẩu gạo không còn là mục tiêu hàng đầu. Đất lúa (không nhất thiết chỉ có đất sản xuất hiệu quả kém) được khuyến khích chuyển đổi sang cây trồng và chăn nuôi với nguyên tắc diện tích chuyển đổi có thể được sử dụng để trồng lúa nếu có yêu cầu. Các diện tích ven biển, trũng nên chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Sản phẩm của chăn nuôi và thủy sản, trái cây và rau không nhất thiết chỉ để xuất khẩu mà cần cho chiến lược sử dụng để cải thiện bữa ăn theo hướng chuyển dần từ an ninh lương thực sang an ninh dinh dưỡng. Khi đó, lượng tiêu thụ gạo trên đầu người của Việt Nam có thể giảm được 30%, từ 145kg hiện nay còn khoảng 100kg và tiến dần đến mức của Hàn Quốc, Nhật Bản từ 65 đến 70kg gạo/người/năm. Điều này đồng thời cũng giúp chúng ta giảm áp lực sản xuất lúa. Cân đối cung cầu gạo của Việt Nam năm 2016, mặc dù bị ảnh hưởng của El-Nino song chúng ta vẫn dư thừa và dự kiến xuất khẩu trên 5 triệu tấn (giảm so với những năm trước đây). Theo ước tính những năm tới chúng ta hoàn toàn có thể xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo/năm, tương đương sản lượng của gần 3 triệu héc ta (khoảng 40% diện tích gieo trồng lúa hiện nay). Dư địa và sản lượng này hoàn toàn bảo đảm cho chúng ta có những giải pháp đột phá mạnh trong thay đổi mô hình sản xuất lúa.

- Ông có thể nói rõ hơn những giải pháp ứng phó của Ngành Nông nghiệp trong thời gian tới?

- Theo Đề án “Tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” mới được Bộ NN&PTNT phê duyệt, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực là nghiên cứu và áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó cần điều chỉnh mùa vụ, điều chỉnh địa bàn sản xuất, nghiên cứu và áp dụng các giống lúa có khả năng chống chịu, áp dụng các hệ thống canh tác phù hợp (luân canh, đa canh, xen canh...) để giảm rủi ro, khai thác lợi thế tự nhiên. Nghiên cứu và áp dụng các biện pháp nhằm giảm phát thải, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu như: Điều chỉnh hợp lý sử dụng nước theo hướng tiết kiệm cho sản xuất lúa gạo, giảm lượng sử dụng vật tư nông nghiệp… Thực hiện quy hoạch sản xuất và sắp xếp lại các cụm dân cư theo các kịch bản biến đổi khí hậu ở vùng lúa. Đầu tư phát triển hệ thống rừng phòng hộ và xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, đường sá, nhằm ứng phó biến đổi khí hậu. Các mục tiêu và giải pháp đã được tính toán và đặt ra trong bối cảnh chúng ta ngày càng phải đối mặt khốc liệt hơn với biến đổi khí hậu, cạnh tranh về đất đai với công nghiệp, đô thị và giao thông. Canh tác quá mức với việc thâm canh, tăng vụ làm cho suy giảm sức sản xuất của đất, ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí nhà kính. Thêm nữa, sản xuất lúa gạo mang lại lợi nhuận thấp nên gần như không có doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất lúa. Chi phí tăng cao cùng với thị trường bấp bênh làm cho người nông dân thực sự không yên tâm với nghề trồng lúa…

Đã đến lúc, chúng ta cần đối xử với hạt gạo và người nông dân trồng lúa một cách công bằng hơn. Phải coi sản xuất lúa gạo không chỉ là vấn đề kinh tế, mà là bảo đảm an sinh xã hội và ổn định kinh tế. Việc bảo hiểm cho nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng cũng cần có giải pháp khả thi với sự quan tâm hiệu quả từ Nhà nước. Xuất khẩu gạo nên xem xét lại về mặt chiến lược dài hạn, lấy thu nhập của người dân sản xuất lúa gạo làm trung tâm.

- Trong nỗ lực chung đó, theo ông Ngành Nông nghiệp Hà Nội cần chú trọng những mục tiêu nào?

- Hà Nội là trung tâm của cả nước, là thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất cả nước. Hà Nội cũng có diện tích đất nông nghiệp, gồm diện tích đất lúa lớn nhất các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. An ninh lương thực của Hà Nội nằm trong mối quan tâm và điều tiết an ninh lương thực của cả nước. Hà Nội cần đặt an ninh dinh dưỡng sớm hơn thay vì an ninh lương thực. Như vậy, mục tiêu của Hà Nội cần tập trung chuyển đổi linh hoạt và sử dụng đất theo hướng hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu các giống lúa theo hướng chất lượng và đặc sản, tổ chức sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, mở rộng sản xuất rau, hoa quả để đáp ứng nhu cầu thị trường của thành phố; liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất và cung ứng theo chuỗi; phối hợp với các địa phương trong vùng và trong cả nước bảo đảm nguồn cung không chỉ lương thực mà cả thực phẩm, rau quả.

Nông nghiệp của Hà Nội có lợi thế lớn là tiếp cận những ứng dụng khoa học công nghệ và nguồn lực tài chính hàng đầu đất nước, có điều kiện để ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nâng cao giá trị thu hoạch trên đơn vị diện tích. Đó là cách để các huyện của Hà Nội làm giàu và góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng cho Thủ đô…

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.