Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương trong thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất đã góp phần mang lại cho hoạt động xuất khẩu gạo những kết quả tích cực, đồng thời nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
Theo thống kê, đến hết tháng 7-2023, Việt Nam ước xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Điều đáng mừng là đến thời điểm này, với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài bảo đảm an ninh lương thực trong nước, phục vụ chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, thị trường thương mại gạo toàn cầu bắt đầu có những dấu hiệu diễn biến phức tạp như: Lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số thị trường (Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Nga), trong khi một số nước khác tăng mua dự trữ gạo; hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất ngũ cốc tại nhiều khu vực; tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp, trong đó có vấn đề Nga rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen… Đáng nói hơn, tại thị trường trong nước cũng xuất hiện hiện tượng mua gom lúa, gạo ồ ạt ở một số địa phương, gây mất cân đối cung cầu cục bộ; đẩy giá lúa, gạo trong nước lên cao bất hợp lý…
Với những diễn biến khó lường nêu trên, dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như bảo đảm hoạt động cung cầu gạo cho thị trường trong nước vào những tháng cuối năm 2023 và thời gian tiếp theo. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg (ngày 5-8-2023) về việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu mục tiêu ưu tiên là bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống; đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất lúa gạo và cơ hội của thị trường xuất khẩu, nâng cao thu nhập của người dân, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi bất chính, gây bất ổn thị trường và uy tín của hạt gạo Việt Nam.
Thực hiện chỉ đạo nói trên, ngoài tập trung nâng cao năng lực sản xuất cũng như bảo đảm chất lượng mặt hàng lúa, gạo, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực và thế giới, tình hình sản xuất, sản lượng lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ. Từ đó, cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước và tạo thuận lợi giao thương, bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả.
Các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cũng cần thực hiện nghiêm quy định duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu, chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường gạo toàn cầu đang có những xáo trộn khó lường, các bộ, ngành chức năng cũng như doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần chủ động theo dõi tình hình thương mại gạo toàn cầu, kịp thời phối hợp xử lý hiệu quả những vấn đề phát sinh. Vấn đề cần lưu ý là tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng xuất khẩu gạo, đặc biệt thận trọng trong giao, nhận và thanh toán các lô hàng để tránh bị lừa đảo...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.