(HNM) - Trong 36 môn thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII - năm 2018, môn bắn súng diễn ra từ ngày 27-11 đến 3-12 với tổng số 46 bộ huy chương. Bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam, Trưởng bộ môn Bắn súng - Tổng cục Thể dục thể thao, huấn luyện viên trưởng đội tuyển bắn súng quốc gia nhận định “khó có đột phá về thành tích nhưng sẽ có bất ngờ”.
Các xạ thủ đoạt giải tại Giải Bắn súng các câu lạc bộ toàn quốc tháng 10 - 2018. Ảnh: Thu Minh |
- Vì sao bà cho rằng sẽ khó có đột phá về thành tích ở môn bắn súng?
- Thứ nhất, bắn súng Việt Nam luôn ở tình trạng thiếu đạn trong tập luyện và thi đấu suốt 3-4 năm qua nên các địa phương không có nhiều điều kiện để phát triển về chiều sâu, nâng cao trình độ của các xạ thủ. Thời gian qua, mức độ đầu tư trọng điểm cho bắn súng hầu như chỉ tập trung vào nhóm vận động viên được gọi vào đội tuyển quốc gia.
Tại đại hội, các xạ thủ đội tuyển quốc gia sẽ về thi đấu cho địa phương nên những đơn vị có nhiều vận động viên đội tuyển như Quân đội, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Công an… vẫn chiếm ưu thế. Thứ hai, môn bắn súng được tổ chức tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, ngoài nội dung súng hơi có bia điện tử, còn lại hầu hết đều thi đấu với bia giấy, cơ sở vật chất và trang thiết bị không được đầu tư mới hoặc nâng cấp nên khó có sự đột phá về thành tích.
- Vậy đâu sẽ là yếu tố tạo bất ngờ, thưa bà?
- Bắn súng có 46 bộ huy chương, đơn vị mạnh về môn này có lợi thế lớn trong việc cải thiện thứ hạng toàn đoàn. Vì vậy, có nhiều đơn vị đã khắc phục khó khăn như thiếu đạn tập, thiếu trường bắn đạt chuẩn bằng cách đưa quân đi tập huấn nước ngoài dài hạn, mong các xạ thủ có thể tạo bất ngờ.
Hơn nữa, môn bắn súng có nhiều nội dung đồng đội, sự kết hợp giữa 1 xạ thủ đội tuyển quốc gia và 2 xạ thủ tại địa phương trong điều kiện thi đấu với tâm lý thoải mái thì hoàn toàn có thể tạo kết quả ngoài dự đoán. Tôi mong đợi những bất ngờ kiểu như vậy để có thể tuyển chọn được lực lượng bổ sung cho đội tuyển bắn súng quốc gia chuẩn bị cho các kỳ SEA Games, ASIAD tới đây.
- Bà vừa nói các xạ thủ phải thi đấu với bia giấy. Điều đó gây khó khăn gì cho nhà tổ chức?
- Khi thi đấu với bia giấy, để bảo đảm tính chính xác, công bằng, Ban Tổ chức phải huy động lực lượng trọng tài nhiều gấp đôi bình thường. Trong bối cảnh có nhiều xạ thủ tham gia, các trọng tài cần làm tốt công tác điều hành, chấm điểm chính xác.
- Lực lượng trọng tài, giám sát tham gia cụ thể ra sao, thưa bà?
- Cần khoảng 80-90 trọng tài, giám sát, bởi mỗi nội dung trung bình thi đấu ở 30 bệ bắn thì chúng ta cần tương ứng 30 trọng tài ghi điểm, chưa kể trọng tài điều hành, trọng tài giám sát. Với các nội dung súng trường, chúng ta thậm chí cần tới 40 trọng tài. Nếu bố trí bắn 3 tuyến cùng lúc, dù huy động 80 trọng tài thì vẫn thiếu.
Chúng tôi phải tính toán bố trí lực lượng phù hợp để bảo đảm theo dõi bài bắn của vận động viên chuẩn xác, không cản trở xạ thủ. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức theo luật mới của thế giới, các trọng tài càng phải cố gắng hơn.
- Bà kỳ vọng gì về chuyên môn ở đại hội?
- Bắn súng là môn đầu tiên đem về Huy chương vàng Olympic cho thể thao Việt Nam, nhờ công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Nhưng Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường đều đã lớn tuổi, nên bên cạnh việc duy trì đầu tư cho các gương mặt hàng đầu này, cần tìm ra lực lượng kế cận xứng đáng. Đó là điều tôi hy vọng ở đại hội này. Tôi cũng mong thông qua đại hội lãnh đạo các địa phương quan tâm hơn đến môn bắn súng và các xạ thủ.
Với Hoàng Xuân Vinh, tôi mong anh có thể tập trung hoàn thiện kỹ thuật, sẵn sàng tham dự giải đấu quốc tế vào tháng 2-2019 tại Ấn Độ - giải đấu mang ý nghĩa tích điểm giành quyền tham dự Olympic Tokyo năm 2020, hơn là phải lo tranh chấp huy chương ở kỳ đại hội này. Dù vậy, với khả năng của mình, tôi tin Hoàng Xuân Vinh đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.