Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bản sắc văn hóa là nguồn lực phát triển bất tận

Linh Tâm thực hiện| 15/02/2018 19:59

(HNM) - Văn hóa xứ Đoài - Sơn Nam thượng đã và đang hòa quyện vào dòng chảy của văn hóa Thăng Long - Hà Nội một cách hài hòa, tự nhiên. Sự hòa quyện ấy bồi đắp thêm bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, đồng thời tạo nên nguồn lực phát triển bất tận cho Thủ đô. Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hà Nội Trương Minh Tiến đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với Hànộimới Cuối tuần.

Ảnh: Thái Sơn.


- Sau 10 năm kể từ ngày thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, văn hóa xứ Đoài và Sơn Nam thượng đã hòa cùng dòng chảy của văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Ông đánh giá như thế nào về quá trình tiếp biến văn hóa này?

- Xứ Đoài - Sơn Nam thượng mang trong mình rất nhiều trầm tích của nền văn minh Việt cổ, là vùng đất thiêng, nơi hội tụ linh khí của trời đất, có núi Tản thờ Tản Viên Sơn Thánh - một trong “tứ bất tử” của người Việt. Nơi đây có “đất hai vua” - sinh ra Phùng Hưng và Ngô Quyền, và là cái nôi nuôi dưỡng nhiều danh nhân nổi tiếng, từ Hai Bà Trưng, Lý Phục Man, Nguyễn Trãi, Giang Văn Minh, Phùng Khắc Khoan, Phan Huy Chú... tới những văn nhân, trí thức tiêu biểu của thời kỳ cận - hiện đại như Lương Văn Can, Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Văn Huyên hay Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Tô Hoài...

Từ nhiều thế kỷ trước, ở kinh thành Thăng Long đã có sự hiện diện của những làng nghề nổi tiếng xứ Đoài - Sơn Nam thượng như: Phố Hàng Khay do dân làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ lập ra; phố Hàng Lọng (nay là đường Lê Duẩn), phố Hàng Thêu (nay là ngõ Yên Thái) do dân làng Quất Động lập nên; rồi phố Thợ Tiện (nay là phố Tố Tịch) là do những cư dân làng mộc - múa rối Chàng Sơn, Hữu Bằng và làng tiện gỗ Nhị Khê tạo dựng... Chưa kể tới các làng nghề như Vạn Phúc, Cổ Đô và Mỗ, La, Canh, Cót - “tứ danh hương” xưa đều thuộc xứ Đoài, chuyên cung cấp lụa cho phố Hàng Gai, Hàng Đào nổi tiếng đất Kinh kỳ.

Có thể thấy, không phải đến khi thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô thì văn hóa Hà Nội và Hà Tây mới hòa quyện vào nhau, mà sự giao thoa, tiếp biến này đã có từ trước đó rất lâu. Với truyền thống hội tụ - kết tinh - lan tỏa, Thăng Long - Hà Nội chắt lọc những tinh hoa từ các vùng miền cả nước để làm nên nét văn hóa của Thủ đô, đại diện cho cả quốc gia, cả dân tộc.

Văn hóa xứ Đoài cũng là sự kết tinh của nhiều lớp lang lịch sử mà thành. Vì thế, đây là nguồn bổ sung, làm giàu thêm cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Có một điều thú vị là hòa quyện vào nhau một cách hài hòa, tự nhiên nhưng văn hóa xứ Đoài - Sơn Nam thượng không bị hòa tan trong văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Bản sắc văn hóa truyền thống với những dấu ấn đặc trưng vẫn được bảo lưu nguyên vẹn trong tiến trình lắng đọng, bồi đắp tinh hoa của dân tộc.


- Như vậy, sau khi hợp nhất Hà Tây vào Hà Nội, chúng ta có một khối lượng khổng lồ di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Ông có thể cho biết rõ hơn về kho tàng quý giá này?  

- Sau khi hợp nhất, Hà Nội trở thành địa phương giàu có về di sản vào bậc nhất cả nước với 5.922 di tích được kiểm kê (khu vực xứ Đoài - Sơn Nam thượng là 3.969 di tích), gồm nhiều loại hình: Di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di chỉ khảo cổ học, thành cổ, làng cổ, phố cổ..., có niên đại trải dài qua nhiều thời kỳ phát triển của đất nước. Tính đến nay, Hà Nội vinh dự sở hữu 1 di sản thế giới, 11 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 1.185 di tích cấp quốc gia và 1.264 di tích cấp tỉnh, thành phố. Hà Nội còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu, đặc biệt là lễ hội truyền thống ở các địa phương, rất phong phú và đa dạng. Nhiều lễ hội vượt ra ngoài phạm vi của một địa phương. Nổi tiếng nhất là Lễ hội chùa Hương - lễ hội dài nhất nước, mỗi năm đón tiếp khoảng 1,5 triệu lượt khách tham quan, hành hương lễ Phật. Ngoài ra còn phải kể đến hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: Ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian cùng kho tàng di sản Hán Nôm: Văn bia, hương ước, gia phả, địa bạ, thần phả...

Là “đất trăm nghề” nên xứ Đoài - Sơn Nam thượng đã bổ sung cho Hà Nội hơn 1.000 làng nghề và làng có nghề, nâng tổng số làng nghề ở Hà Nội lên hơn 1.300 làng với nhiều loại hình khác nhau, trong đó có những làng nổi tiếng như: Lụa Vạn Phúc, tiện gỗ Nhị Khê, tò he Xuân La, tạc tượng Sơn Đồng, điêu khắc Du Dự, quạt Vác, nón Chuông, khảm trai Chuyên Mỹ, sơn mài Hạ Thái...

- Vậy 10 năm qua Hà Nội đã làm gì để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa to lớn đó cho công cuộc phát triển chung của Thủ đô?

- Số lượng di tích, di sản văn hóa lớn như vậy đã đặt lên vai những người làm công tác quản lý trọng trách không nhỏ. Từ nhiều năm nay, Thành phố đã thực hiện việc phân cấp quản lý di tích theo 2 cấp: Cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã theo nguyên tắc: Cấp nào quản lý trực tiếp thì cấp đó chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Việc phân cấp, phân nhiệm rõ ràng đến tận cơ sở, do vậy, sự nghiệp quản lý, bảo tồn di tích đã đạt được những kết quả khả quan.

Với 5.922 di tích, trong đó có những di tích nghìn năm tuổi, việc bảo tồn là một quá trình gian nan và tốn kém. Hằng năm, ngân sách thành phố và các quận huyện đầu tư hàng trăm tỷ đồng để tu bổ, chống xuống cấp di tích, đồng thời cũng huy động nguồn kinh phí xã hội hóa khá lớn cho công tác này. Tuy nhiên, do lịch sử để lại, trên địa bàn Thành phố vẫn còn khoảng 300 hộ dân sinh sống trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích. Đây là một trong những tồn tại khó khăn của công tác quản lý bảo vệ di tích.

Để bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như một phần “hồn cốt” Thăng Long - Hà Nội, thành phố đã kiểm kê và lập bản đồ phân bố cho 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, phân loại theo 6 loại hình. Trong số đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại: Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; Kéo co ngồi ở Hội đền Trấn Vũ; Kéo mỏ ở Hội đền Vua Bà và 1 di sản nằm trong Danh mục cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO là Ca trù. Nhiều dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản như: Nghệ thuật hát ca trù, hát dô, trống quân, múa bài bông, nghề rèn ở Đa Sĩ, tri thức trồng thuốc Nam của người Dao, hát chèo Tàu... đã và đang được triển khai có hiệu quả trong cộng đồng.

Phải nói rằng, sau 10 năm hợp nhất, cái được lớn nhất trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Thủ đô là sự thay đổi trong nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng, ý nghĩa của di sản đối với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, từ đó giúp công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản đi vào thực chất, có chiều sâu hơn. Nhiều di sản văn hóa đã trở thành điểm đến nổi tiếng, được đông đảo du khách trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Một dấu ấn nữa là năm 2015, lần đầu tiên Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng và truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cho 39 nghệ nhân của Thủ đô có những đóng góp đặc biệt trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đây là sự ghi nhận những đóng góp âm thầm của những người có công lưu giữ, trao truyền và duy trì những di sản văn hóa phi vật thể của ông cha cho các thế hệ sau.

10 năm không phải là thời gian quá dài, cũng không phải quá ngắn nhưng tôi tin rằng, sự hòa quyện của văn hóa xứ Đoài - Sơn Nam thượng với văn hóa Thăng Long - Hà Nội sẽ như một dòng chảy bất tận trong tiến trình phát triển và không ngừng bồi đắp bản sắc văn hóa Thủ đô, tạo nguồn lực phát triển mạnh mẽ, bất tận.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bản sắc văn hóa là nguồn lực phát triển bất tận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.