Theo dõi Báo Hànộimới trên

Băn khoăn chuyện chuẩn hóa đội ngũ biên tập

Thi Thi| 19/03/2013 06:21

(HNM) - Ngày 1-7-2013, Luật Xuất bản sửa đổi năm 2012 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, để sẵn sàng đáp ứng một số quy định mới của luật, đòi hỏi các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ.


Chứng chỉ không làm nên… biên tập viên

Điều 19 (Tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của BTV) Luật Xuất bản sửa đổi 2012, quy định: BTV phải hoàn thành khóa bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản, nghiệp vụ biên tập theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), có chứng chỉ hành nghề biên tập do Bộ TT-TT cấp.

Luật Xuất bản sửa đổi sẽ chuẩn hóa và bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ biên tập viên.
Ảnh: Bảo Lâm



Như vậy, từ đây đội ngũ BTV sẽ phải chuẩn bị đi học, chuẩn hóa bằng "chứng chỉ" để khi luật có hiệu lực thì mới "danh chính ngôn thuận" để tiếp tục hành nghề. Trên thực tế, việc cấp chứng chỉ cũng là dịp hệ thống lại đội ngũ quan trọng này, phần nào nâng cao vị thế, vai trò, khuyến khích nghề BTV phát triển, đồng thời là căn cứ để quản lý cũng như xử phạt vi phạm về xuất bản. Cụ thể, nếu để xuất bản phẩm do mình biên tập bị cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy; hay trong một năm có hai xuất bản phẩm, hoặc trong hai năm liên tục có xuất bản phẩm sai phạm về nội dung mà buộc phải sửa chữa mới được phát hành thì BTV sẽ phải "tạm chia tay" chứng chỉ. Người bị thu hồi chứng chỉ, sớm nhất phải hai năm sau mới được xét cấp lại.

Không có chứng chỉ hành nghề, NXB, các đơn vị làm sách của tư nhân và bản thân BTV sẽ phải lo cho có thủ tục này để công việc không bị trì hoãn. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là làm sao cho chứng chỉ không phải là nỗi lo mang tính "làm cho hợp pháp" mà phải đi liền với nhu cầu khẳng định đẳng cấp nghề nghiệp thực sự của BTV?

Đối với những đơn vị làm sách nghiêm túc, không kể NXB thuộc Nhà nước hay các đối tác tư nhân, từ trước tới nay dù không có chứng chỉ hành nghề, nhưng họ vẫn phải chú trọng tìm kiếm, níu giữ, chăm lo đội ngũ BTV. Một số NXB hoạt động kém hiệu quả đã phải đành lòng nhìn BTV lành nghề ra đi. Còn thử nhìn vào các công ty làm sách tư nhân, cũng sẽ thấy nhiều gương mặt BTV kỳ cựu đang làm việc với những chế độ ưu ái…

Chờ đợi hướng dẫn

Thực tế xuất bản nước ta nhiều năm qua cho thấy, các xuất bản phẩm liên kết phổ biến tới mức tên tuổi đối tác, các công ty của tư nhân nổi hơn cả các NXB của Nhà nước. Với nhiều NXB, sách liên kết chiếm 90% tổng số sách xuất bản trong năm là "chuyện thường". Mà đã là sách liên kết thì đối tác làm toàn bộ phần nội dung, NXB chỉ lo giấy phép và "ngó qua" những vấn đề "định hướng". Luật Xuất bản sửa đổi 2012 cho phép các đối tác liên kết được biên tập sơ bộ bản thảo và yêu cầu phải có BTV, chỉ là sự thừa nhận một thực tế đã diễn ra.

Vậy, các đối tác liên kết - lực lượng đang áp đảo thị trường xuất bản hiện nay - có ý kiến như thế nào về vấn đề này? Ông Trung Sơn, Giám đốc Công ty CP Sách và thiết bị giáo dục Trí Tuệ cho rằng: "Về cơ bản, chúng tôi ủng hộ những quy định mới nhằm chuẩn hóa cũng như bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ BTV. Sẽ là không thừa khi trong quá trình được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, BTV nắm được dù chỉ một điều thiết thực, bổ ích cho công việc của mình. Bên cạnh đó, việc BTV của các nhà sách tư nhân nếu được đứng tên trên xuất bản phẩm do mình biên tập cũng là một quyền lợi chính đáng. Tuy nhiên, cần phải xác định rõ trách nhiệm của BTV trực tiếp biên tập nội dung cuốn sách và BTV thay mặt NXB để đọc cuối cùng, lọc những sai sót mang tính định hướng lớn". Chia sẻ với quan điểm này, ông Trịnh Tuấn, đại diện Quảng Văn Books, cũng đặt ra câu hỏi về việc phân định trách nhiệm của BTV NXB và BTV của đối tác liên kết trực tiếp lo nội dung cuốn sách.

Đặc biệt, trong việc cấp chứng chỉ hành nghề cho BTV, ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty CP Văn hóa giáo dục Long Minh đã đưa ra những kiến nghị đáng suy nghĩ: "Thật ra, từ nhiều năm trước chúng tôi đã tham dự các lớp bồi dưỡng của Cục Xuất bản, Hội Xuất bản Việt Nam về các vấn đề liên quan đến luật pháp, nghiệp vụ xuất bản. Xuất bản là nghề hướng tới con người, có ảnh hưởng lâu dài đối với xã hội, vì vậy, đội ngũ BTV càng chuyên nghiệp càng tốt. Tuy nhiên, nâng cao chất lượng đội ngũ BTV phải là việc lâu dài, thực chất và hiệu quả, tránh hình thức. Cũng nên có chính sách đặc cách khi xét cấp chứng chỉ, nhất là với những người đã có uy tín, có "chứng chỉ" mà bạn đọc ghi nhận từ chính thực tế làm nghề của họ. Thậm chí, nên mời chính những BTV đã có thương hiệu này trực tiếp bồi dưỡng cho đội ngũ BTV trẻ, vừa tận dụng được tinh hoa của ngành xuất bản, vừa truyền nghề một cách hiệu quả".

Ngoài các đơn vị nói trên, một số công ty làm sách khác khi được hỏi đều kiến nghị: Cơ quan quản lý nhà nước phải sớm có hướng dẫn, tổ chức thực hiện luật. Nếu không đến ngày luật có hiệu lực, cả BTV và NXB, đối tác liên kết đều "ngơ ngác" thì thiệt thòi sẽ thuộc về các NXB, các đơn vị làm sách, BTV và nhất là bạn đọc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Băn khoăn chuyện chuẩn hóa đội ngũ biên tập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.