(HNM) - Gặp khó do vừa phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, vừa chịu sự cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật giải trí hiện đại, song thời gian qua, các nhà hát, đơn vị nghệ thuật truyền thống như: chèo, tuồng, cải lương, múa rối vẫn luôn nỗ lực không ngừng trong sáng tác, dàn dựng, tập luyện… để cho ra mắt nhiều vở diễn, trích đoạn, chương trình nghệ thuật hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của công chúng, đặc biệt là hướng đến khán giả trẻ.
Đáng nói, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số đơn vị nghệ thuật còn chủ động “bắt tay” nhau để dựng nên những vở diễn, chương trình nghệ thuật có chủ đề mà giới trẻ đang quan tâm, có sự kết hợp giữa các loại hình nghệ thuật, tạo sức hút đối với khán giả trẻ. Ngoài ra, các đơn vị còn tổ chức nhiều hoạt động tương tác, trải nghiệm trực tiếp và trực tuyến nhằm giới thiệu nghệ thuật truyền thống. Qua đó, giới trẻ không chỉ được hiểu, thêm yêu nghệ thuật truyền thống, mà còn được giải đáp nhiều thắc mắc, được trò chuyện với các đạo diễn, diễn viên “gạo cội” về những vấn đề liên quan đến nghệ thuật truyền thống.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, trước sự cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật, giải trí hiện đại, những năm gần đây, phần lớn thế hệ thanh, thiếu niên không mặn mà, thậm chí quay lưng với nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh đó, các đơn vị nghệ thuật truyền thống cũng chưa tích cực đổi mới, đầu tư cơ sở vật chất, dẫn đến sân khấu xuống cấp, ít có tác phẩm mới, chủ đề cũng chưa bám sát hơi thở cuộc sống và những vấn đề giới trẻ quan tâm, nên chưa thu hút được khán giả, nhất là khán giả trẻ.
Để thu hút khán giả trẻ đến với nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh hiện nay, việc đổi mới sân khấu truyền thống là yếu tố sống còn để cạnh tranh với các loại hình giải trí hiện đại khác, là giải pháp để các môn nghệ thuật truyền thống lấy lại sức sống. Song, để làm được điều này, ngay từ bây giờ, các đơn vị nghệ thuật cần tích cực tìm hướng đi mới, từ khâu sáng tác kịch bản, dàn dựng, diễn xuất của nghệ sĩ, diễn viên cho đến hiện đại hóa sân khấu, âm thanh, ánh sáng… nhưng vẫn phải giữ được những chuẩn mực, đặc trưng của nghệ thuật truyền thống.
Cùng với việc duy trì biểu diễn trực tiếp khi được phép, các đơn vị nghệ thuật cần tích cực mở rộng kênh tiếp cận như: Phối hợp để đăng tải, phát sóng các vở diễn, chương trình lên truyền hình, trên nền tảng số, mạng xã hội; tăng cường quảng bá, giới thiệu, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tương tác với khán giả, nhằm lan tỏa nét đẹp của nghệ thuật truyền thống đến với đông đảo công chúng ở các vùng, miền trên cả nước; phối hợp với ngành Giáo dục để vừa giới thiệu nghệ thuật truyền thống trong trường học nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị tinh hoa nghệ thuật truyền thống, vừa xây dựng, đào tạo thế hệ khán giả trẻ của sân khấu truyền thống. Bên cạnh đó, các đơn vị nghệ thuật cũng cần trẻ hóa đội ngũ diễn viên; thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này.
Với các nghệ sĩ, diễn viên, cần không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, kiên trì tập luyện, nuôi dưỡng đam mê; phải biết kết hợp giữa yếu tố truyền thống với hiện đại để tạo nên những vai diễn đặc sắc. Đặc biệt, mỗi nghệ sĩ, diễn viên phải luôn có khát vọng làm mới mình để đem đến cho khán giả luồng sinh khí mới, góp phần nâng cao năng lượng tinh thần tích cực cho khán giả, nhất là khán giả trẻ.
Nỗ lực đổi mới của các đơn vị nghệ thuật để mở rộng đối tượng phục vụ, hướng đến khán giả trẻ chắc chắn sẽ giúp cho sân khấu truyền thống ngày càng có sức sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.