Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài toán phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn

Bạch Thanh| 07/11/2022 06:29

(HNM) - Trên địa bàn Hà Nội và cả nước hiện đã có nhiều mô hình về sử dụng phụ phẩm nông nghiệp hay áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn… Tuy vậy, để phát triển nhân rộng mô hình này, qua đó xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn khép kín, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần có những chính sách sát thực và hiệu quả hơn.

Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ môi trường BAVIFA hỗ trợ các hộ chăn nuôi bò ở huyện Ba Vì xây dựng mô hình chăn nuôi tuần hoàn.

Hiệu quả kép

"Phân bò được thu gom bằng xe chuyên dụng định kỳ 1-2 tuần/lần và đưa vào khu xử lý ủ với một loại vi sinh để cho ra sản phẩm cuối cùng là phân hữu cơ. Mọi phụ phẩm chăn nuôi, kể cả nước thải đều không bỏ phí và không làm ô nhiễm môi trường...", anh Nguyễn Văn Cường ở thôn Mít Mái (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) chia sẻ về mô hình nông nghiệp tuần hoàn đang thực hiện của gia đình kết hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ môi trường BAVIFA.

Hợp tác, hỗ trợ các hộ chăn nuôi bò trên địa bàn huyện Ba Vì và vùng lân cận xây dựng mô hình chăn nuôi tuần hoàn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ môi trường BAVIFA Nguyễn Hữu Thuận cho hay: "Ba Vì là một trong những vùng chăn nuôi bò sữa và các loại gia súc của Thủ đô, mỗi ngày thải ra hàng trăm tấn chất thải từ chăn nuôi. Với mong muốn để người nông dân vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm môi trường, chúng tôi đã thành lập hợp tác xã chuyên thu gom phân bò tươi, xử lý thành phân bón hữu cơ với quy mô 40-50 tấn mỗi tháng".

“Những ngày đầu, chúng tôi phát miễn phí chế phẩm sinh học cho người chăn nuôi để phun chuồng trại khử mùi. Sau một thời gian thấy hiệu quả, các hộ dân đã tự nguyện đến với hợp tác xã. Chúng tôi cung ứng chế phẩm sinh học cho hộ chăn nuôi xử lý môi trường và sẽ thu mua lại phân thải...”, ông Nguyễn Hữu Thuận cho biết thêm.

Việc thu gom, xử lý, chế biến và sử dụng hiệu quả phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp mang đến nhiều ý nghĩa. Cụ thể là duy trì sự đa dạng sinh học, thúc đẩy nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân và giảm phát thải vào môi trường. Theo tính toán của giới chuyên gia kinh tế nông nghiệp, việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn, tái tạo nguồn phế phẩm, phụ phẩm sau thu hoạch sẽ giảm được chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh và đưa tới cơ hội phát triển toàn cầu trị giá tới 4.500 tỷ USD vào năm 2030.

Tạo cơ chế, chính sách để nhân rộng

Lợi ích là vậy nhưng theo Bí thư Đảng ủy xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) Đinh Thị Bích Hảo, hiện chưa có nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn như của Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ môi trường BAVIFA. Mặt khác, dù đã có những mô hình vườn - ao - chuồng nhưng ngay ở các huyện thuần nông trên địa bàn thành phố cũng chưa hình thành được những mô hình nông nghiệp tuần hoàn có thể áp dụng rộng rãi với từng vùng sinh thái, từng mùa vụ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng nhận định, chiến lược phát triển nông nghiệp tuần hoàn đã có, văn bản chỉ đạo cũng có nhưng chúng ta đang thiếu chính sách cụ thể cho các hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp... áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ vi sinh, công nghệ bảo quản phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi. Do đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần tham mưu cho thành phố có cơ chế, chính sách thúc đẩy lĩnh vực này như hỗ trợ chế phẩm sinh học cho các hộ chăn nuôi; hỗ trợ quảng bá sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn...

Ở điểm nhìn khác, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ BAVIFA Nguyễn Hữu Thuận đề xuất: "Các địa phương cần xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn gắn với trách nhiệm của các bên tham gia. Ví dụ như công ty thu gom sữa sẽ trả giá cao hơn đối với các hộ chăn nuôi áp dụng mô hình tuần hoàn và trả giá thấp hơn với các hộ không áp dụng mô hình này. Khi lợi ích kinh tế song hành cùng nghĩa vụ phải thực hiện, tôi tin tưởng những mô hình nông nghiệp tuần hoàn sẽ lan tỏa nhanh chóng".

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Hạ Thúy Hạnh thông tin, Trung tâm Khuyến nông quốc gia có đầy đủ các mô hình nông nghiệp ở tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, tuy nhiên mô hình tuần hoàn chỉ chiếm khoảng 12-14%. Hiện nay, tỷ lệ nông hộ trong sản xuất nông nghiệp vẫn rất lớn. Do đó, cơ quan khuyến nông đang chuyển hướng xây dựng các mô hình liên quan đến vấn đề tuần hoàn tại chỗ. Trung tâm Khuyến nông quốc gia đang nỗ lực phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước xây dựng tài liệu hướng dẫn người dân triển khai thực hiện các mô hình tuần hoàn tại chỗ, qua đó vừa nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, vừa giảm thiểu tác động đến môi trường, khí hậu.

Với nông nghiệp Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng như các địa phương sẽ tăng cường thông tin tuyên truyền về những mô hình mang lại hiệu quả cao trong việc tận dụng phế phẩm, phụ phẩm làm phân bón hữu cơ thay thế phân bón vô cơ; đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp tái tạo...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài toán phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.