Chính trị

Bài tham dự cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào":Tự hào vùng đất “phượng hoàng đỏ”

Nguyễn Mai 06/07/2024 - 10:15

Đan Phượng theo nghĩa gốc Hán là “chim phượng đỏ”. Nằm ở cửa ngõ kinh thành Thăng Long xưa, đây là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.

Ngày nay, huyện Đan Phượng tiếp tục là “lá cờ đầu” của Hà Nội trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Những công trình hạ tầng mới mọc lên, đời sống xóm làng thay da, đổi thịt từng ngày... Không dừng lại ở đó, Đan Phượng sẽ còn cất cánh bay cao!

Bài đầu: Rạng ngời truyền thống vẻ vang

Hiếm có vùng quê nào lại có hệ thống di tích đậm đặc với niên đại cao và nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo như ở Đan Phượng. Không những vậy, Đan Phượng còn là miền quê cách mạng, nơi khởi nguồn của phong trào “Ba đảm đang” vang danh lịch sử.

Lịch sử nghìn năm, văn hóa độc đáo

Đôi mắt nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Tọa ánh lên niềm tự hào khi ông đọc mấy câu thơ về mảnh đất quê hương: "Làng chúng tôi Đế vương đất cũ/ Người chúng tôi, Tể phụ ngày xưa/ Đất này là đất cố đô/ Người trung, trung tự thuở xưa đến giờ".

Gần trọn cuộc đời dành cho việc sưu tầm, nghiên cứu, ghi chép sử làng, ông Tọa cho biết: Đất Hạ Mỗ là kinh đô của nước Vạn Xuân. Lịch sử ghi lại, mùa xuân năm 544, Lý Bí lên ngôi vua hiệu là Lý Nam Đế, lập nước Vạn Xuân, đóng đô ở thành Ô Diên, ngay chính xã Hạ Mỗ này. Đây cũng là quê hương của Thái úy Phụ chính Tô Hiến Thành, phụng sự hai triều vua Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Ông là viên quan văn võ song toàn, nổi tiếng công minh chính trực, được vua phong tước vương mặc dù không phải là tôn thất nhà Lý. Thái sư Tô Hiến Thành không chỉ là niềm tự hào của làng Hạ Mỗ, mà còn của cả đất nước.

ha-mo(1).jpg
Đình Vạn Xuân, làng Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng). Ảnh: Dulichdanphuong.com

Lần theo những trang lịch sử, Đan Phượng là vùng đất cổ. Kết quả khảo cổ học các di chỉ ở làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà và Ngọc Kiệu, xã Tân Lập cho thấy, mảnh đất Đan Phượng có vào giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên (đầu thời đại Đồ đồng) cách ngày nay khoảng 3.500 năm đến 4.000 năm.

Còn theo sách "Đại Nam nhất thống chí", tên Đan Phượng có từ thời nhà Trần, đến thời thuộc Minh thì đổi tên là Đan Sơn thuộc châu Từ Liêm, đến thời nhà Lê thì lấy lại tên cũ là huyện Đan Phượng thuộc phủ Quốc Oai.

Huyện Đan Phượng có đặc thù nằm trong không gian văn hóa xứ Đoài, có hai con sông Hồng, sông Đáy chảy qua. Trên địa bàn huyện có 155 di tích, trong đó có nhiều di tích chứa đựng giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc, như không gian văn hóa miếu Hàm Rồng, đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân ở xã Hạ Mỗ; đình Đại Phùng ở xã Đan Phượng là Di tích quốc gia đặc biệt thờ tướng Vũ Hùng có công giúp vua đánh giặc phương Bắc, được dân làng phong thánh; đình Bá Dương Nội xã Hồng Hà thờ tướng Nguyễn Cả tham gia dẹp loạn 12 sứ quân gắn với lễ hội thi thả diều nổi tiếng cả nước…

Lễ
Lễ hội truyền thống Chèo tàu Tổng Gối Xuân Giáp Thìn 2024. Ảnh: Lâm Thuỳ Dương

Đặc biệt, Đan Phượng còn có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc, như: Hát ca trù ở xã Thượng Mỗ, thổi cơm thi hội Dầy ở xã Liên Hà, hát chèo tàu hội Gối ở xã Tân Hội, hát chèo bè trên sông dân chài Vạn Vỹ ở các xã: Hồng Hà, Trung Châu, hội thả diều làng Bá Dương Nội ở xã Hồng Hà, bơi trải ở xã Đồng Tháp…

Đan Phượng còn được biết đến với “mỗi làng một món ăn ngon”, như cá kho, cơm khuôn ở làng Thọ Vực, xã Đồng Tháp; nem Phùng, rượu đậu Hồng Hà; bánh tẻ Liên Hà, bánh gio Liên Hồng, cháo se Hạ Mỗ… Mỗi món ăn đều bắt nguồn từ câu chuyện văn hóa đặc sắc gắn với chiều dài lịch sử của huyện.

Tinh thần cách mạng kiên cường

Nằm ở cửa ngõ kinh thành Thăng Long và là nơi có thành cổ Ô Diên, huyện Đan Phượng là địa bàn chiến lược quan trọng trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Bước vào thế kỷ XX, Đan Phượng trở thành một điểm sáng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Thị Hiền, cách đây 70 năm, cán bộ, nhân dân huyện Đan Phượng đã dũng cảm chiến đấu giải phóng huyện và góp phần vào giải phóng Thủ đô. Đan Phượng nằm ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội, giáp ranh giữa vùng địch hậu và vùng tự do, nên cuộc đấu tranh diễn ra rất khốc liệt. Địch quyết đánh chiếm, bình định bằng được Đan Phượng để xây dựng vành đai chiến lược bảo vệ Hà Nội, dùng đây là bàn đạp đánh rộng ra vùng tự do phía Tây thành phố, rồi đánh lên Việt Bắc, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta.

3-dam-dang.jpg
Tượng đài "Đan Phượng - Quê hương người gái đảm". Ảnh: Dulichdanphuong.com

Khi đó, quân ta quyết giành và giữ lấy Đan Phượng nhằm phá vỡ mảng phòng tuyến bảo vệ Hà Nội, tạo thành cửa mở phía Tây để tiến vào giải phóng Thủ đô. Trên địa bàn này, địch huy động lực lượng tiến hành mọi thủ đoạn vô cùng thâm độc. Song, dù khó khăn, gian khổ, hy sinh, Đảng bộ huyện luôn sáng suốt, vững vàng lãnh đạo nhân dân kháng chiến thắng lợi hoàn toàn. Ngày 7-8-1954, bộ đội, du kích, nhân dân trong huyện rầm rập tiến về chiếm đồn Phùng và huyện lỵ, Đan Phượng hoàn toàn giải phóng.

Cùng cả nước, Đan Phượng vững bước tiến lên trên chặng đường mới. Trong thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đan Phượng tiếp tục là cái nôi của phong trào “Ba đảm đang”.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Bảy cho biết: Đầu năm 1965, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cam go, khốc liệt, Hội xin ý kiến Huyện ủy phát động phong trào “Ba đảm nhiệm”. Chỉ sau một tuần phát động, cả huyện đã có 5.635 phụ nữ nộp đơn đăng ký tham gia. Phong trào gây được tiếng vang lớn, được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhân rộng thành cao trào khắp miền Bắc, với ba nội dung rút gọn: Đảm nhiệm sản xuất thay thế chồng con đi chiến đấu; đảm nhiệm gia đình để chồng con yên tâm chiến đấu; đảm nhiệm sẵn sàng phục vụ chiến đấu khi cần thiết.

Sau 2 tháng, toàn miền Bắc đã có 1,7 triệu phụ nữ đăng ký tham gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến phong trào này, Người chỉ thị sửa từ “Ba đảm nhiệm” thành “Ba đảm đang”. Hăng hái thi đua sản xuất, chiến đấu, Đan Phượng trở thành huyện có cánh đồng đạt 5 tấn thóc/ha đầu tiên của miền Bắc.

Ngoài ra, phụ nữ các xã còn tổ chức những đợt thi đua gắn với các phong trào “Ba không, ba đảm", “Nhuộm màn, dệt xô vì miền Nam”, “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “Hai con, ba cây” (con lợn, con cá, cây ngô, cây lúa, cây dâu)...

Cũng theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Bảy, trong kháng chiến chống Mỹ, phụ nữ Đan Phượng đã viết hàng trăm lá thư động viên chồng con yên tâm chiến đấu và một trong những lá thư đó đã được in trên Báo Quân đội nhân dân (số 1180, ngày 18-2-1965). Tính đến năm 1973, toàn huyện có 1.643 phụ nữ có chồng đi chiến đấu, 4.046 bà mẹ có từ 1 đến 5 con nhập ngũ…, góp phần cùng cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược.

Truyền thống “Ba đảm đang” năm xưa vẫn in đậm trong tâm trí nhiều người, trở thành động lực để địa phương phát triển kinh tế - xã hội... Năm 2008, huyện Đan Phượng đã dựng tượng đài "Phụ nữ ba đảm đang” tại trung tâm thị trấn Phùng bên Quốc lộ 32 như nhắc nhớ về lòng yêu nước và khát vọng hòa bình của người Đan Phượng nói riêng và cả nước nói chung trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

(Còn nữa)

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào": Tự hào vùng đất “phượng hoàng đỏ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.