Chính trị

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”:Mãi tự hào về hành trình chiến thắng

Phạm Văn Chương(*) 30/06/2024 - 08:45

Nếu không có chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ sẽ không có Ngày giải phóng Thủ đô. Để có ngày trở về hân hoan trong niềm vui chiến thắng, tôi và đồng đội đã trải qua vô vàn gian khổ, hy sinh, nhưng cũng rất đỗi tự hào.

1. Cuối năm 1952, lớp thanh niên tuổi 18, 19, 20 chúng tôi thuộc các cơ quan Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần được cử về Đoàn 99, Bộ Quốc phòng luyện tập, sẵn sàng bổ sung cho các đơn vị chiến đấu.

Đầu năm 1953, chúng tôi được lệnh đi xây dựng đơn vị mới, tập trung về đóng quân tại chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Đơn vị được gọi là Tiểu đoàn 690, vì có đúng 690 người. Tháng 4-1953, chúng tôi được lệnh hành quân, khi đến Điềm He (nay thuộc huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn), lúc này chỉ huy mới phổ biến: “Đơn vị ta được cử sang Trung Quốc học về cơ giới để phục vụ cho trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Anh em ai nấy đều phấn khởi. Đơn vị sang Trung Quốc, đến ngày 7-5-1953, khóa học dạy lái xe Việt Nam khai giảng tại trường Tiến Bộ (thuộc Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây), gồm có 4 đại đội lái và 1 đại đội sửa chữa.

dien-bien-phu.jpg
Bộ đội ta kéo pháo vào mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Chúng tôi học được chừng 2 tháng thì nghe tin ở trong nước, giặc Pháp lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Lúc này lớp học nhận được chỉ thị phải gấp rút đào tạo một số chiến sĩ có tay lái khá để sớm về nước tham gia chiến đấu. Các giáo viên chọn, thành lập 1 đại đội chuyên để kéo pháo là Đại đội II. Thời gian và các mặt học tập của đại đội này đều tăng. Liên Xô cũng đã đưa đủ số xe mới kéo pháo cao xạ 37 ly xếp đầy các nhà xe trường học.

Đầu tháng 12-1953, các lái xe được phân về các đơn vị. Tôi được phân về khẩu đội 4, Trung đội 2, Đại đội 817, Tiểu đoàn 383, Đoàn 367. Đơn vị nhận nhiệm vụ kéo pháo lên xe lửa về nước. Xe lửa về đến ga Bằng Tường, chúng tôi kéo pháo xuống tàu và qua Mục Nam Quan (cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị ngày nay) vào tới đất Việt Nam. Theo quốc lộ 1A, chúng tôi tiến về Tuyên Quang trú quân. Đơn vị được nghỉ ngơi mấy ngày, sau đó bước vào đợt học tập chuẩn bị đi chiến đấu tại Điện Biên Phủ.

Trung tuần tháng 12-1953, Tiểu đoàn được lệnh đi chiến dịch. Sau những đêm hành quân vất vả, ngày nghỉ đêm đi, cuối cùng cũng đến điểm tập kết tại Lai Châu. Lúc này bộ binh, dân công cùng các pháo thủ chuẩn bị kéo pháo bằng tay đi theo đường công binh đã làm sẵn trước đó để bí mật vào sát đồn địch.

Chừng 10 ngày sau, có lệnh vào kéo pháo ra không đánh, đơn vị chỉ được phổ biến là không đánh nhanh, thắng nhanh mà chuyển sang đánh chắc, tiến chắc. Lúc này, ở điểm tập kết, chúng tôi tháo pháo khỏi xe để kéo ra, giữa lúc địch bắn pháo từ Điện Biên Phủ ra rất nguy hiểm. Kéo pháo ra xong các đơn vị nghỉ ngơi học tập và chuẩn bị ăn Tết. Đầu tháng 3-1954, các đơn vị pháo cao xạ đi tìm trận địa cho trận chiến mới theo cách đánh mới. Mỗi khẩu đội pháo phải chuẩn bị 2, 3 trận địa để đảm bảo bí mật. Về xe ô tô, lái xe cũng phải đào hầm xe. Các đơn vị bộ binh cũng đào công sự, giao thông hào tiến sát các đồn và lô cốt giặc.

2. Ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, nhanh chóng tiêu diệt cụm cứ điểm đồi Him Lam. Ngày hôm sau, Đại đội 815 bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay trinh sát Moran của quân Pháp, làm mát lòng các đơn vị chiến đấu tại Điện Biên Phủ, anh em bộ binh ở mặt trận nhảy cả lên trên chiến hào hoan hô.

Một hôm, chúng tôi nghe đơn vị phổ biến: “Ngày 26-4, Hội nghị Genève sẽ chính thức khai mạc. Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị. Ở mặt trận chúng ta phải dũng cảm chiến đấu bắn rơi thật nhiều máy bay địch làm hậu thuẫn cho đoàn đại biểu của ta có tiếng nói tại Hội nghị”.

gf.jpg
Ông Phạm Văn Chương cùng đồng đội trở lại thăm chiến trường xưa. Ảnh chụp lại

Chiều 7-5-1954, quân ta đánh thẳng vào trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống toàn bộ sở chỉ huy của tướng De Castries, buộc chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Đêm đó chúng tôi không phải nằm dưới hầm nữa, anh em lên thùng xe căng bạt để ngủ. Ngày hôm sau toàn mặt trận làm lễ chiến thắng ở khu rừng Mường Phăng. Sau đó các đơn vị hành quân rút về hậu phương để chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới.

Đơn vị tôi được lệnh rút về Thái Nguyên đóng quân trên đồi Gia Sàng, ban ngày bảo vệ vùng trời, tối thì toàn đơn vị đến những nơi nông dân đang họp để hậu thuẫn cho bà con đấu tranh với địa chủ, cường hào.

3. Hội nghị Genève thành công, thống nhất chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến phân định Nam - Bắc tạm thời. Đơn vị tôi được lệnh bổ sung vào Sư đoàn 308 chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô. Tháng 7-1954, chúng tôi về Bắc Giang tập trung cùng các đơn vị của Sư đoàn.

Một hôm, toàn Sư đoàn gồm các trung đoàn bộ binh, sơn pháo, pháo cao xạ tập trung tại đồi Trại Cờ để nhà làm phim tài liệu nổi tiếng, đạo diễn Roman Carmen của Liên Xô quay cuốn phim “Việt Nam trên đường thắng lợi”. Hôm sau đơn vị hành quân về ngã ba Phú Hộ (đường đi về thị xã Phú Thọ) nghỉ ngơi và học tập về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Tiếp đó đơn vị hành quân qua phà Việt Trì về đóng quân trong Thành cổ Sơn Tây.

Một thời gian sau đơn vị lại hành quân về đóng tại một công sở của Pháp ở phố Phùng, huyện Đan Phượng; hằng tối đi vào các thôn xóm làm công tác dân vận, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ở vùng mới giải phóng.

vfd.jpg
Hà Nội ngày giải phóng 10-10-1954. Ảnh chụp lại màn hình phim tài liệu

Đến ngày 9-10-1954, toàn đơn vị hành quân vào sân bay Bạch Mai để chuẩn bị ngày hôm sau tiến vào tiếp quản Hà Nội. Xe pháo đã chuẩn bị từ trước, xe ô tô cánh cửa sơn cờ đỏ sao vàng, 4 bánh xe và chắn bảo hiểm phía trước sơn màu trắng.

Sáng sớm ngày 10-10-1954, anh nuôi dậy sớm chuẩn bị cơm. Ăn xong đúng 7h đơn vị hành quân từ sân bay Bạch Mai đi theo đường Đại La sang ngã tư Trung Hiền, chợ Mơ, qua phố Huế lên Bờ Hồ, qua Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Hoàng Hoa Thám rẽ qua đường Hùng Vương vào tập trung tại bãi câu lạc bộ quân nhân; xe pháo toàn tiểu đoàn xếp hàng chờ làm lễ mừng chiến thắng. Dọc đường đi nhân dân Hà Nội đủ các tầng lớp đứng đầy hai bên đường, kèn trống, đàn hát, vẫy cờ, mặt mày rạng rỡ hô vang khẩu hiệu chào mừng bộ đội.

vf.jpg
Ông Phạm Văn Chương nay đã 90 tuổi. Ảnh gia đình cung cấp

Khi tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên, dưới sự kiểm soát của Ban Liên kiểm Việt - Pháp, cũng là lúc từ năm cửa ô Hà Nội, năm cánh quân bộ binh của các trung đoàn thuộc Sư đoàn 308 rầm rập tiến vào tiếp quản Thủ đô.

Đó là những khoảnh khắc lịch sử vĩ đại của dân tộc còn vang vọng mãi trong tim mà mỗi khi nhớ về chúng tôi lại bồi hồi xúc động.

(*) Tác giả Phạm Văn Chương, sinh năm 1934, tại phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội) là chiến sĩ lái xe kéo pháo cao xạ 37 ly tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và về tiếp quản Hà Nội trong Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954.

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Mãi tự hào về hành trình chiến thắng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.