Chính trị

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Tỏa rạng hào khí đất Thăng Long

PGS.TS Trần Viết Lưu 29/06/2024 - 17:27

Lịch sử dân tộc Việt Nam trong tiến trình hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước luôn có dấu ấn của Cổ Loa - Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Những chiến công hiển hách trong sự nghiệp chống ngoại xâm mà dân tộc ta tạc vào thiên sử vàng hầu như đều gắn với nơi lắng đọng hồn thiêng sông núi.

13(2).jpg
Hà Nội ngày càng phát triển theo hướng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Ảnh: PV

1. Ngày 10-10-1954 là một trong những cột mốc chói lọi của dân tộc Việt Nam, Bác Hồ và Trung ương đã thể hiện tầm nhìn chiến lược đối với sự phát triển đi lên vì một nước Việt Nam anh hùng, văn hiến, một biểu tượng khát vọng hòa bình, cường thịnh và hội nhập quốc tế, tỏa sáng những giá trị lương tri, phẩm giá nhân loại.

Trong Lời kêu gọi nhân ngày giải phóng Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn nhủ: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ cố gắng, quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”. Thủ đô Hà Nội được đặt ở vị trí tiên phong, gương mẫu, đi đầu, làm nòng cốt trong sự nghiệp dựng xây tiền đề chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, là trụ cột đưa cuộc kháng chiến vệ quốc tới thắng lợi cuối cùng.

Cuối tháng 12 năm 1946, Thủ đô là tiêu điểm của đêm trước chiến tranh, bọn thực dân ra tối hậu thư buộc ta phải giao nộp vũ khí và giao quyền cai quản Hà Nội cho chúng. Đảng bộ, lực lượng vũ trang và đồng bào Thủ đô đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mở đầu khúc tráng ca vệ quốc, truyền lửa bất tử khắp mọi miền Tổ quốc, hun đúc tinh thần “gan không núng, chí không mòn” để làm nên cột mốc 7-5-1954.

Sau chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ, Đảng, Nhà nước và người dân Hà Nội không ngủ say trên vòng nguyệt quế mà tiếp tục cách mạng không ngừng. Bác Hồ rất quan tâm, lựa chọn Thủ đô Hà Nội là mô hình kiểu mẫu cho ý chí tự lực, tự cường, cho sức mạnh khối đại đoàn kết, cùng chung sức đồng lòng nuôi dưỡng khát vọng dân tộc, kiến tạo những giá trị sống mang tính phổ quát, hợp lòng dân và ý Đảng, có sức sống chính trị của một nền dân chủ mới, trong đó người dân là trung tâm phát triển. Mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô được Bác Hồ gói gọn trong cụm từ “yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.

2. Sau ngày hòa bình lập lại, thực hiện phương châm “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, Thủ đô Hà Nội như một đại công trường kiến tạo nền tảng chủ nghĩa xã hội. Những cơ sở đầu tiên của một phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại theo hướng cơ khí hóa, công nghiệp hóa đã được tiếp sức bởi sự giúp đỡ từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, được nhân thêm sức mạnh bởi tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, tự tay mình làm nên tất cả của các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo hừng hực khí thế chiến thắng nghèo nàn lạc hậu. Nông nghiệp Thủ đô cũng khởi sắc bởi sức mạnh của những người áo vải, họ theo Đảng, Bác Hồ vào hợp tác xã, cùng cày cấy, gieo trồng trên thửa ruộng ngàn đời tổ tiên đổ mồ hôi vì sự hưng thịnh xã tắc. Thủ đô còn là trường học lớn, nơi ươm mầm tương lai đất nước, với hệ thống, mạng lưới giáo dục từ mầm non tới đại học mang triết lý giáo dục vì mọi người; nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học cũng bắt đầu khởi dựng, đặt tiền đề cho một dân tộc thông thái.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thủ đô Hà Nội là đầu não lãnh đạo cả nước chứng minh triết lý thời đại “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Thủ đô tiếp tục đóng góp sức người sức của cho cuộc kháng chiến vệ quốc kéo dài 21 năm gian khổ, hy sinh. Nhiều phong trào thi đua yêu nước mang tinh thần bất khuất, giàu lãng mạn cách mạng đã được khởi phát và lan tỏa từ Thủ đô, tiêu biểu như phong trào thi đua yêu nước được khởi phát trên quê hương của điển tích thời hiện đại về "chiếc gậy Trường Sơn".

Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không mang tầm vóc như chiến thắng Bạch Đằng, chiến thắng Đống Đa ở thế kỷ XX, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân về nước. Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, Thủ đô Hà Nội tiếp tục thể hiện lẫm liệt lời tiên tổ “Sông núi nước Nam” là của người nước Nam thịnh trị. Thủ đô vừa lo sản xuất nuôi sống xã hội, vừa giăng sẵn thế trận lòng dân đánh tan quân xâm lăng với tinh thần “Sát thát”.

3. Từ mô hình kinh điển của thời bao cấp, tiếng xe điện leng keng mòn mỏi, người xếp hàng mua hàng tiêu dùng thiết yếu bằng tem phiếu, chia nhau lốp xe, nhường nhau tấm vải, Thủ đô Hà Nội đã thức tỉnh bừng sáng niềm tin đổi mới, cùng nhau tiếp sức vượt đường trường gần 40 năm qua, lập bao kỳ tích có tính lịch sử.

Thủ đô Hà Nội giờ đây không chỉ gói gọn trong những câu ca xưa “Hà Nội 36 phố phường”, mà đã mở rộng địa giới hành chính, giao thoa nhiều giá trị văn hóa Hà thành và văn hóa xứ Đoài. Nhiều công trình kiến trúc cổ được tu bổ, đan xen với những công trình kiến trúc hiện đại; nhiều cây cầu nối đôi bờ sông Hồng, đem văn minh sông Hồng tỏa rạng không gian văn hóa vùng Thủ đô; độ phủ cây xanh và hoa tươi ngày càng nhiều; sông hồ đã trong lành hơn. Hồ Gươm vẫn mãi giữ màu lục thủy và truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả lại gươm thần cho rùa vàng, gửi thông điệp khát vọng hòa bình của Đại Việt mãi tới thiên thu. Thủ đô Hà Nội giờ còn gắn với những danh hiệu mới đã được bạn bè thế giới tôn vinh là Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo!

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Tỏa rạng hào khí đất Thăng Long

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.