Đô thị

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” - Khu tập thể Trung Tự: Một nhân chứng của lịch sử đô thị Hà NộiBài cuối: Nối dài những dòng chảy đô thị

Thế Phương 06/09/2024 06:28

Được xây dựng những năm 1972-1975 theo mô hình tiểu khu ở các nước Đông Âu, các chuyên gia Liên Xô (cũ) đã tính toán kỹ về không gian, mật độ… để Trung Tự trở thành một khu tập thể kiểu mẫu về thiết kế, xây dựng.

Rồi cơn lốc thị trường cuốn qua để lại một bức tranh đô thị với nhiều mảng màu sáng tối. Giờ đây, ý tưởng về một khu đô thị mang dấu ấn thời đại lại được nhen lên cùng những đòi hỏi mới từ thực tế phát triển, khiến Trung Tự đứng trước những thay đổi mang tính lịch sử.

224d5b6d64afc3f19abe.jpg
Dãy nhà B1, khu tập thể Trung Tự. Ảnh: Hữu Tiệp

Khu tập thể trong “cơn lốc thị trường”

Sau những năm tháng tuổi trẻ, lang thang qua không ít quốc gia châu Âu, quãng năm 2001, tôi trở về khu tập thể Trung Tự. Rất nhiều tâm trạng và cũng hết sức ngỡ ngàng, Trung Tự của tôi lúc này không còn cảnh xếp hàng lấy nước, mua gạo, mua rau; khu đất sau nhà B4, C4 xưa là những vườn rau nhỏ như bàn cờ với mồng tơi, rau ngót, rau dền… đã thành dãy nhà liền kề bóng bẩy. Nhiều hàng xóm cũ đã chuyển đi nơi khác, hoặc tới những khu nhà có diện tích lớn hơn, phù hợp với tiêu chuẩn của cán bộ thời bấy giờ, hoặc mua đất, xây nhà ở các làng trong thành phố. Đương nhiên, người đi sẽ có người đến. Với tôi, những biến đổi nhiều chiều của tập thể Trung Tự bắt đầu từ đó và cũng không mấy ai nhắc đến cụm từ “khu mặt trắng” nữa.

Cơn lốc thị trường tràn vào, giá nhà tập thể “lên ngôi”, bạn tôi ở nhà B1 bán nửa căn hộ tầng 1 “mặt đường” mua được cả căn tầng 1 ở nhà B4 (phía trong), vẫn dư tiền gửi tiết kiệm. “Tấc đất, tấc vàng”, những vườn táo, ổi, khế một thời biến thành đủ thứ cửa hàng, từ quần áo, bánh kẹo đến nha khoa, thẩm mỹ, trông giữ xe máy… Hàng cà phê, hàng ăn, quán bia tràn ra các không gian công cộng là sân chơi của đám trẻ ngày xưa. Cả dãy tầng 1 nhà D1 trước hồ nước trở thành "trung tâm" cà phê, ẩm thực rực rỡ đèn màu náo nhiệt từ sáng đến đêm, cánh trẻ gọi là “Hồng Kông Trung Tự”. Những dãy nhà tập thể oằn mình cõng đủ thứ “ba lô” xuống cấp theo thời gian càng nham nhở, cũ kỹ. Anh của một người bạn sau thời gian du học rồi làm việc ở Nga và châu Âu về, lắc đầu nói: “Không thể tưởng tượng nổi một Trung Tự từng là chuẩn mực của xây dựng đô thị lại như thế này!".

Dãy nhà D1, trước đây được mệnh danh là khu
Dãy nhà D1, trước đây được mệnh danh là khu "Hồng Công Trung Tự". Ảnh: Hữu Tiệp

Duy nhất có một cuộc cải tạo nhà tập thể mang tính thí điểm vào những năm 2000, 2001 là xây ốp một đơn nguyên 5 tầng vào các nhà B6, B1…, mỗi hộ có thêm khoảng chục mét vuông. Giải pháp này vì nhiều lý do đã không thể nhân rộng, rồi những lồng sắt ngày càng nhiều hơn, to hơn ở cả mặt trước và mặt sau các dãy nhà.

Trong câu chuyện về “một thời để nhớ”, kiến trúc sư Hoàng Minh Quang, dân Trung Tự “xịn” hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh nói rằng: “Chuyên gia Liên Xô (cũ) quy hoạch thì khỏi phải bàn. Từ mật độ dân cư, độ cao, khoảng cách, hệ thống đường giao thông, không gian cây xanh, hồ nước… cho đến việc thiết kế các dãy nhà xoay quanh trung tâm là trường học, mẫu giáo, nhà trẻ…, tất cả đều được tính toán kỹ lưỡng để tối ưu hóa đời sống của cư dân. Nhà tập thể đã xuống cấp, không còn phù hợp với nhu cầu hiện tại, có thể đập đi, xây mới, nhưng ý tưởng quy hoạch vẫn rất ổn”. Câu chuyện của anh cũng để lại nhiều suy ngẫm.

Chuyển động hôm nay, kỳ vọng ngày mai

Quãng năm 2006, tôi về ở nhà D7, đối diện khu Ngoại giao đoàn, mọi người nói đùa “chuyển từ cái lồng này sang cái lồng khác”, được cái ở tầng 2 nên không phải lo chuyện dắt xe máy lên 5 tầng gác. Tìm một không gian yên tĩnh khó hơn “lên trời” khi nhịp sống thị trường đã cuốn vào khu tập thể. Hai bên cầu thang tầng 1 là hàng bia hơi và quán nhạc Jazz, nơi lui tới của cánh nghệ sĩ trẻ, ngày cuối tuần nhộn nhịp không kém những dãy "mặt đường”.

d51517f9ee3b4965102a.jpg
Khu D7, khu tập thể Trung Tự. Ảnh: Hữu Tiệp

Hàng xóm của tôi là một “giai phố” đúng nghĩa, phóng khoáng, ham đọc, từng cầm súng trên biên giới phía Bắc và cũng nhiều năm ở nước ngoài. Anh nói: “Mua nhà Trung Tự vì khu này dân trí cao, sống dễ chịu hơn trên phố”.

Chung nhiều sở thích nên coi nhau như anh em trong nhà, vợ chồng tôi đi tối ngày, con cái gia đình anh lo giúp. Sẵn có mái bằng nhà tầng 1, anh em bàn nhau hàn khung sắt, làm một phòng nhỏ và khoảnh sân trồng cây cảnh. Bạn bè, hàng xóm có chỗ nhâm nhi chén trà, nói chuyện văn chương, thế sự… Về sau, nhiều đồng môn Văn khoa cũng mua nhà ở đây. Hỏi chuyện “ăn ở ra sao”, Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn ở Viện Hán Nôm bảo: “Không có nhiều người “làm to” như các cụ ngày xưa, nhưng hàng xóm láng giềng đều là người học hành, dân Trung Tự vẫn có chất riêng”.

d0835fc16203c55d9c12.jpg
Trường Kim Liên mới thiết kế giống kiểu "chuồng chim". Ảnh: Hữu Tiệp
be6179875b45fc1ba554.jpg
Trường Tiểu học Trung Tự, xưa là Trường cấp 1, 2 Trung Tự. Ảnh: Hữu Tiệp

Trường cấp 1, 2 Trung Tự giờ đã được đầu tư xây mới với kiến trúc hiện đại, nhiều công năng cho việc học tập, vui chơi. Trường cấp 3 Kim Liên với những dãy một tầng mái ngói bên sông Lừ từng là nơi nuôi dưỡng khát khao của nhiều nhà khoa học, doanh nhân, nghệ sĩ, cũng đã chuyển về địa điểm mới nằm gọn giữa những dãy nhà cao tầng, "nom như cái chuồng chim” - đám cựu học sinh bảo nhau thế. Những thế hệ tiếp theo của cư dân tập thể lại ghi danh vào ngôi trường này và cái tên Kim Liên vẫn “long lanh” trên “bản đồ trường học” Hà Nội. Mấy năm lại đây, nhiều khoảng không gian bị chiếm dụng đã được chính quyền thu hồi làm sân chơi, sân tập thể thao cho cộng đồng dân cư. Bức tranh Trung Tự có thêm nhiều nét tươi mới.

Những biến thiên trong dòng chảy đô thị đã làm thay đổi nhịp sống cũng như hình hài khu tập thể, để lại không ít luyến tiếc nhưng cũng mang đến nhiều kỳ vọng cho mỗi con người đã yêu thương, gắn bó với Trung Tự.

Theo Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu tập thể Trung Tự nằm trong khu vực được cải tạo, xây dựng lại và nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng “tiếp cận”. Thông tin này nhen nhóm khao khát về một khu đô thị được xây dựng bài bản, phù hợp xu thế thời đại trong những người nặng lòng với một thời tập thể. Đầu năm nay, báo giới đã tốn không ít giấy mực xung quanh ý tưởng của chủ đầu tư về quy mô dân số, mật độ xây dựng, các hạng mục dự kiến (nhà chung cư, liền kề, biệt thự, trường học, công viên cây xanh, bãi đỗ xe…) và đặc biệt là đề xuất nâng chiều cao tối đa của nhà chung cư lên 48 tầng. Thế nhưng, người “có nghề” đều hiểu, giảm mật độ, tăng tầng cao công trình nhưng không tăng quy mô dân số ở thời điểm hiện tại là bài toán không dễ tìm lời giải.

Những trăn trở của người Trung Tự như thể đang nhân lên, khi mới đây, tôi nhận được cú điện thoại có phần thảng thốt của người bạn cũ: “Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố, một phần phường mình nhập vào phường Phương Liên, phần còn lại nhập vào phường Kim Liên. Thế là mất tên Trung Tự à?”. Chuyện đẩy đi, đưa lại cũng đến hồi kết: Việc nhập tách dù nhiều trăn trở nhưng là đòi hỏi từ thực tế phát triển. Cái tên Trung Tự vẫn mãi mãi trong ký ức cùng hoài niệm về một thời không thể nguôi quên, và với tôi, khu tập thể Trung Tự là nhân chứng sống động của tiến trình phát triển đô thị Hà Nội.

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” - Khu tập thể Trung Tự: Một nhân chứng của lịch sử đô thị Hà Nội Bài cuối: Nối dài những dòng chảy đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.