Dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng trong tâm trí của cựu chiến binh Lê Văn Thọ (sinh năm 1945, 60 năm tuổi Đảng, ở phường Trương Quang, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), Hà Nội là một phần của tuổi trẻ, một thời khói lửa với nhiều kỷ niệm không thể phai mờ.
Chúng tôi gặp ông Lê Văn Thọ trong một ngày tháng 5, giữa cái nắng như đổ lửa của mảnh đất miền Trung. Khi được biết chúng tôi gặp để nghe ông kể ký ức về Hà Nội, ánh mắt ông sáng lên, đầy hào hứng.
Ông Thọ tham gia cách mạng từ những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ. Trong những năm đó, ông chỉ biết đến Hà Nội qua radio. Ước ao của ông cũng như bao đồng đội là được một lần đến Thủ đô, được gặp Bác Hồ. "Khi đó, cứ ai đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ thì sẽ có cơ hội được ra Thủ đô, được gặp Bác Hồ. Anh em ai cũng hăng hái, cố gắng thi đua" - ông Thọ kể. Bản thân ông từng đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt máy bay, Dũng sĩ diệt xe cơ giới nhưng giai đoạn đó chiến tranh quá ác liệt, nên phải mãi đến năm 1969 ông mới được đi cùng đoàn Anh hùng, Dũng sĩ diệt Mỹ của miền Trung ra thăm và học tập tại Hà Nội. Điều đáng tiếc nhất đối với ông, đó là khi bước chân đến Hà Nội thì Bác Hồ đã không còn, ước mơ được một lần gặp Bác của ông mãi mãi không thành.
Sau khi đến Hà Nội, ông được cử tham gia học tập tại Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng). Ông nói: “Khi đó, ai trong mỗi chúng tôi đều cố gắng học, học thật giỏi với mong muốn có nhiều kiến thức để quay về quê hương phục vụ công tác chiến đấu chống Mỹ. Thời đó, tất cả đều chi viện cho miền Nam ruột thịt nên khó khăn vô cùng, nhưng chúng tôi luôn vui vẻ vượt qua với niềm tin mãnh liệt vào một ngày đất nước hoàn toàn thống nhất”.
Trong thời gian học tập, công tác tại Hà Nội, ông Lê Văn Thọ có rất nhiều kỷ niệm, nhưng đáng nhớ nhất là quãng thời gian cùng đồng đội và nhân dân tham gia chiến dịch “hàn đê Cống Thôn” (đê tả sông Đuống) trong trận lũ kỷ lục năm 1971. Ông kể: “Vào đêm ngày 28-8-1971, khi đang ở đơn vị thì nghe tiếng kẻng tập trung. Sau khi tập hợp, chúng tôi được thông báo: Đê tả sông Đuống tại Cống Thôn thuộc huyện Gia Lâm bị vỡ, nước lũ làm ngập nhiều xã tại huyện Gia Lâm và bắt đầu lan sang các huyện khác. Nguy cơ cầu Long Biên cũng bị lũ cuốn trôi”. Vì vậy, tất cả học viên, giảng viên của trường nơi ông học được huy động tham gia lực lượng hàn đê. Sinh ra tại miền Trung, dù đã nhiều lần đối diện với những trận lũ lịch sử nhưng đối với ông vỡ đê là một khái niệm hoàn toàn mới. Khi đến địa điểm đóng quân, ông thật sự ngỡ ngàng bởi trên thân đê lúc này là dòng thác khổng lồ cuốn trôi mọi thứ mà nó đi qua.
Mỗi người được phân công khuân vác đất, đá chất lên xà lan để hàn đê. Chỉ tiêu được giao là 1,5m3 đất, đá/ca/người. Nhưng với tinh thần cố gắng, ông Thọ đạt chỉ tiêu 2m3/ca. “Đơn vị chúng tôi phải thực hiện nhiệm vụ 24/24h, tinh thần làm việc rất khẩn trương. Khi đói, anh em chia nhau miếng lương khô và uống vội chút nước rồi lại lao vào làm việc” - ông chia sẻ. Tham gia hàn đê không chỉ có lực lượng vũ trang mà còn có lực lượng tự vệ và đông đảo nhân dân Hà Nội. Lúc đó đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đã huy động cả trực thăng, xà lan và nhiều phương tiện cơ giới khác để tham gia hàn đê. Trận vỡ đê không những gây thiệt hại về người, tài sản cho nhân dân mà trong thời gian hàn đê, nhiều đồng đội của ông đã hy sinh trong dòng nước lũ.
Trong đợt tham gia hàn đê cống Thôn, ông Thọ gặp cô tự vệ huyện Gia Lâm tên là Phùng Thị Lợi. Ông kể: “Ngay từ đầu tôi vô cùng ấn tượng với cô gái thân hình nhỏ nhắn, trông yếu đuối nhưng khi tham gia hàn đê luôn đạt chỉ tiêu 1,5m3/ngày”. Từ đó, ông thầm yêu, trộm nhớ cô gái. Trong những ngày hàn đê, họ chỉ kịp trao nhau ánh mắt, nụ cười. Nhưng thật may, ngày tổng kết công tác hàn đê, ông và cô gặp lại nhau khi cả hai cùng được tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc. Đó cũng là ngày đầu tiên hai người có cơ hội nói chuyện với nhau trọn vẹn, và họ yêu nhau từ đó. Dù tìm được tình yêu của đời mình, nhưng Tổ quốc vẫn trên hết. Họ hứa với nhau chờ đến khi hết chiến tranh mới làm đám cưới.
Đến tận năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông Thọ và “cô gái Gia Lâm” mới nên duyên vợ chồng. Đám cưới được Đoàn Thanh niên Học viện Hậu cần và Đoàn Thanh niên huyện Gia Lâm tổ chức chỉ với bánh kẹo và trà. Ông trở thành con rể Hà Nội từ đó.
Năm 1976, khi đất nước đã thống nhất, ông Thọ là một trong 400 cán bộ được phân công vào Nam để tham gia tái thiết quê hương. Và, ông cùng vợ con chia tay Hà Nội, quay về công tác và sinh sống tại chính quê hương của mình đến tận bây giờ.
Dù đã xa Hà Nội 48 năm nhưng Hà Nội vẫn có một ví trí quan trọng trong tim ông Thọ, nơi đây lưu giữ một phần tuổi trẻ của người chiến sĩ miền Trung. Giờ đây, Hà Nội ngày càng phát triển, thay đổi từng ngày nhưng mỗi khi có dịp ra thăm Thủ đô, trong tâm trí ông vẫn trọn ký ức về Hà Nội một thời vất vả, khó khăn.
Qua câu chuyện của mình, ông Lê Văn Thọ muốn góp kỷ niệm nho nhỏ khi Hà Nội sắp tròn 70 năm Ngày giải phóng và mong thế hệ trẻ biết rằng Hà Nội đã từng có những ngày khó khăn vô cùng nhưng tràn đầy tình yêu thương. Thông điệp chỉ có một, rằng để có một đất nước hòa bình, phát triển như ngày hôm nay, những người ở thế hệ của ông và trước nữa đã phải đánh đổi bằng nhiều thứ, đôi khi là cả máu và tính mạng. Vì vậy, thế hệ sau phải biết trân quý và gìn giữ những giá trị đang có.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.