Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài học từ bóng đá

Dục Tú| 14/07/2014 05:20

(HNM) - World Cup 2014 đã khép lại sau trận chung kết giữa hai đội tuyển Đức và Argentina diễn ra vào rạng sáng nay. Một đội bóng của Nam Mỹ đấu với một đội thuộc Châu Âu, hai khu vực có những nền bóng đá mạnh nhất thế giới, đó là một cái kết nằm trong trình tự mà nhiều người có thể dự đoán được.

Dù không có bất ngờ lớn về chuyên môn, các đội mạnh cuối cùng đã giành ưu thế, World Cup 2014 vẫn để lại dư vị đặc biệt, xét trên phương diện thể thao và cả những bài học mà ta có thể tìm hiểu từ đó.

Đầu tiên là cách ứng xử đẹp của các cổ động viên Nhật Bản, những người đã nán lại khán đài để dọn sạch rác ở quanh mình, bất chấp thực tế là họ đang phải đối diện với nỗi buồn khi đội tuyển quốc gia nước mình thua lên thua xuống. Những hành động này lặp đi lặp lại suốt quãng thời gian đội tuyển Nhật Bản lưu lại Brasil để đá ba trận thuộc vòng đấu bảng, cho thấy người Nhật không chọn cách quậy phá khi gặp thất bại.

Bài học ứng xử nhân văn còn được thấy qua hành vi của các tuyển thủ Đức và Brasil khi trận bán kết thứ nhất khép lại - trận đấu mà đội tuyển Đức thắng tới 7-1. Các hãng tin thế giới hé lộ rằng ở thời gian nghỉ giữa trận đấu đó, khi Đức đã dẫn Brasil tới 5 bàn, các cầu thủ Đức đã thống nhất thể hiện thái độ tôn trọng đối thủ một cách tối đa, tránh "xát muối" vào nỗi đau của đối thủ. Tôn trọng không có nghĩa là "thả" cho Brasil vài quả, ra vẻ ban ơn, mà là chia sẻ nỗi buồn với người thua trận.

World Cup là hoạt động thể thao đỉnh cao, như thỏi nam châm có sức hút mạnh đối với hàng tỷ người trên toàn thế giới. Đó là nơi thể hiện trình độ cụ thể của 32 đội tuyển quốc gia, nhưng cũng là nơi bộc lộ các vấn đề mang tính chiến lược phát triển nền bóng đá của các quốc gia cũng như cách thức triển khai tổ chức thực hiện chiến lược đó. Trước ngày diễn ra trận chung kết, một nhà phân tích thể thao đưa ra nhận định rằng việc đội tuyển Đức thi đấu thành công tại giải này là kết quả của một chiến lược phát triển đúng đắn được bắt đầu từ hơn chục năm trước. Chiến lược ấy được vận hành một cách nhất quán, tạo ra bản sắc của nền bóng đá mà ở đó, đội tuyển quốc gia mang ý nghĩa biểu tượng. Đội tuyển ấy có thể thay HLV, các tuyển thủ có thể rời đội nhưng "chất Đức" trong giai đoạn phát triển mới thì vẫn còn nguyên - khoa học, huy động tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược…

Bài học World Cup 2014 có thể được đón nhận ở Việt Nam, trước tiên là từ phía các nhà quản lý bóng đá, cầu thủ và cổ động viên. Cả về chuyên môn, thái độ ứng xử trên khán đài và dưới sân cỏ; cả về hoạch định đường lối phát triển nền bóng đá và cung cách xây dựng, quản lý, tổ chức thi đấu cho đội tuyển. Sau vài chục năm loay hoay với mô hình phát triển nền bóng đá, lúc nghiêng về Brasil, lúc Châu Âu và nay là Nhật Bản (thể hiện rõ nhất qua việc thuê HLV cho đội tuyển quốc gia), liệu chúng ta có khả năng kiên trì theo đuổi một mô hình dài hạn và tập trung nguồn lực cho mục tiêu đó, hay vẫn thay đổi xoành xoạch sau mỗi thất bại mang tính kỳ cuộc?

World Cup cho bài học bóng đá và cũng là bài học cuộc sống. Tùy vào trường hợp cụ thể, hoàn cảnh cụ thể và sự liên quan mà người ta nhận thấy ở đó bài học "thắng không kiêu, bại không nản", về cách ứng xử với con người và môi trường sống, về khả năng hoạch định chiến lược phát triển dài hạn và cách thức tổ chức thực hiện với thái độ chuyên nghiệp…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học từ bóng đá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.