Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: Rau an toàn, nhưng sản xuất và tiêu thụ đều khó

Bạch Thanh| 14/11/2016 06:43

(HNM) - Con đường để rau an toàn đến với người tiêu dùng vẫn còn nhiều gian nan, nhiều vấn đề cần giải quyết, cả về cơ chế chính sách và cách thức tổ chức sản xuất, giám sát chất lượng...


Bài đầu: Rau an toàn, nhưng sản xuất và tiêu thụ đều khó

Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT) của Hà Nội sắp đến giai đoạn kết thúc với kết quả nổi bật là các mục tiêu quy mô, diện tích RAT được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, đưa Hà Nội trở thành một trong những địa phương có quy mô diện tích rau đạt chuẩn an toàn lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm vẫn còn bấp bênh. Dù mô hình sản xuất đã rõ, dù sản phẩm đã được gắn tem, dán nhãn mác, nhưng cả khâu sản xuất, phân phối và tiêu thụ đều gặp khó...

Đã rõ những mô hình...

Trên cánh đồng rộng dài tít tắp, nhìn đâu cũng chỉ thấy một màu xanh của rau màu, niềm vui hiện rõ trên gương mặt ông Đào Văn Phúc (thôn Trung Quang, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) khi sản xuất rau mỗi năm một thuận lợi hơn. Với 1,3 mẫu rau, mỗi năm gia đình ông Phúc có thu nhập hơn 400 triệu đồng. Còn mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao trên diện tích 1ha của chị Bùi Thị Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) cho thu nhập tới trên 1 tỷ đồng/năm. Theo chị Bùi Thị Thanh Hà, nếu áp dụng công nghệ cao và các biện pháp thâm canh theo hướng dẫn chuẩn của Ngành Nông nghiệp Hà Nội thì nông dân hoàn toàn có thể làm giàu khi cung cấp cho thị trường những sản phẩm an toàn.

Cũng về vấn đề này, ông Phạm Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Tân Minh (huyện Thường Tín) cho biết: 80% dân số xã Tân Minh sống bằng nghề trồng rau gia vị với diện tích 110ha. "Bình quân thu nhập của người trồng rau đạt 5-7 triệu đồng/người/tháng, gặp dịp rau được giá, có gia đình thu tiền triệu mỗi ngày là bình thường" - ông Phúc nói.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX RAT thị trấn Chúc Sơn - Chương Mỹ nhận định: Nhờ có Đề án sản xuất RAT của Hà Nội mà 6 năm qua, vùng rau của thị trấn đã có những đổi thay rõ nét, cơ sở hạ tầng được đầu tư, nước sạch đưa về tận ruộng cho nông dân sản xuất. Từ chỗ chỉ có chừng chục hộ sử dụng các biện pháp canh tác che phủ ni lông, xây dựng nhà lưới, nhà kính thì đến nay đã có 50% số hộ tự bỏ tiền ra đầu tư áp dụng công nghệ mới này.

Đặc biệt với sự hỗ trợ của Nhật Bản và Ngành Nông nghiệp Hà Nội, nông dân được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn phương pháp sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), đồng ruộng luôn sạch sẽ, 50ha rau của thị trấn đưa ra thị trường bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn Nhật Bản, tiến tới xuất khẩu.

Nói về đề án sản xuất và tiêu thụ RAT của Hà Nội, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho rằng: Cái được lớn nhất của đề án này chính là việc chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất rau được thực hiện nghiêm, diện tích RAT của Hà Nội vào loại lớn nhất toàn quốc với trên 5.000ha. Các đợt lấy mẫu kiểm tra thường xuyên và đột xuất trên đồng ruộng cho thấy, RAT của Hà Nội đều cơ bản bảo đảm an toàn thực phẩm.

Năng suất rau tăng 18% so với năm 2009, giá trị sản xuất đạt từ 300 đến 500 triệu đồng/ha/năm. Tại các vùng che phủ ni lông, nhà lưới trồng rau trái vụ, hiệu quả kinh tế tăng thêm đạt 600 triệu đồng/ha/năm. Toàn thành phố đã có trên 1.200ha rau cho thu nhập 1 tỷ đồng/ha/năm. Nông dân Hà Nội đã thay đổi tập quán canh tác và cách thức sử dụng thuốc BVTV, đa số đã sử dụng thuốc thảo mộc và sinh học. Nhờ vậy, chi phí sử dụng thuốc BVTV giảm 50%. Bao bì thuốc BVTV được thu gom tiêu hủy bảo đảm vệ sinh môi trường...

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, cùng với công nghệ, thói quen canh tác, thực hành nông nghiệp tốt của nông dân sẽ được nhân rộng để RAT của Hà Nội sạch từ "gốc”.

Rau quả sạch bày bán tại chợ phiên nông sản an toàn và vật tư nông nghiệp. Ảnh: Khánh Huy


... nhưng bất cập trong quản lý và tiêu thụ

Thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, Đề án sản xuất RAT của Hà Nội vẫn còn vấp phải không ít vấn đề: Đa số dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng RAT tập trung chưa phát huy hiệu quả sau đầu tư; việc quản lý sản xuất RAT rất khó khăn do phần lớn nông dân sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, số hộ trồng rau đông, với trên 200 nghìn hộ nên khó quản lý.

Đơn cử như xã Thư Phú (huyện Thường Tín) có 42ha rau, nhưng có tới 1.800 hộ sản xuất, trong khi ở nước ngoài với diện tích này chỉ cần rất ít người quản lý. Ngoài diện tích 5.000ha đã chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, toàn thành phố vẫn còn 7.000ha chưa chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với 120.000 hộ sản xuất rau. Tỷ lệ hộ được tham gia lớp học đồng ruộng chỉ đạt 30%. Số hoạt chất và tên thương phẩm thuốc BVTV quá nhiều và không ngừng tăng lên làm cho nông dân khó khăn trong việc lựa chọn đúng sản phẩm cần thiết.

Có một nghịch lý đáng để các nhà quản lý suy nghĩ là trong khi người tiêu dùng khó mua được RAT có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì người sản xuất vẫn chưa bán được RAT theo đúng giá trị, số doanh nghiệp kinh doanh tiêu thụ RAT rất ít vì chi phí cao. Hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sản xuất và tiêu thụ thực phẩm tươi sống của thành phố mới tập trung cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật và tổ chức hội chợ mà chưa có chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng xã hội cho kinh doanh RAT như: Chợ đầu mối, chợ bán buôn, chợ bán lẻ, bố trí điểm bán hàng hoặc hỗ trợ thuê cửa hàng. Vì vậy, RAT sản xuất ra khó đến tay người tiêu dùng khiến cả người sản xuất và người sử dụng cùng thiệt thòi.

Mới đây, sau khi trực tiếp đi khảo sát thực tế tại một số vùng chuyên trồng rau của thành phố, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định: Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh quản lý ngay từ khâu sản xuất, góp phần lớn vào việc đưa nông sản an toàn đến với người tiêu dùng Thủ đô.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: Rau an toàn, nhưng sản xuất và tiêu thụ đều khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.