Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: “Đầu ra” chưa theo chuẩn thế giới

Thu Trang| 18/06/2016 07:08

LTS: Dù đạt nhiều thành tựu y học ngang tầm thế giới nhưng chất lượng nguồn nhân lực y tế của nước ta vẫn còn bất cập, không đồng đều, phân bố chênh lệch giữa các vùng, miền, các tuyến...

Bài đầu: “Đầu ra” chưa theo chuẩn thế giới

Theo thông lệ chung của thế giới, chứng chỉ hành nghề y 5 năm cấp lại một lần để luôn bảo đảm bác sĩ phải nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức và đủ điều kiện sức khỏe để công tác. Trong khi đó ở nước ta, sau 6 năm học, sinh viên y khoa ra trường và thực hành tại cơ sở y tế là được cấp chứng chỉ hành nghề vĩnh viễn.

Sinh viên y khoa thực hành kỹ năng chuyên môn.


Học 6 năm chưa hẳn là bác sĩ

Hầu hết các nước trên thế giới đều có những quy định chặt chẽ trong đào tạo nguồn nhân lực y tế, dù đã nhận bằng bác sĩ nhưng vẫn phải tiếp tục học tập nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức y khoa tiên tiến. Cùng với đó, người hành nghề y không được cấp chứng chỉ vĩnh viễn mà chỉ được cấp theo niên hạn. Thường là sau 5 năm các bác sĩ phải thi sát hạch và chỉ những người đủ điểm mới được cấp lại chứng chỉ hành nghề.

Còn thực tế tại nước ta, việc đào tạo sinh viên ngành y hiện nay vẫn còn tình trạng chạy theo số lượng, đào tạo chưa dựa trên chuẩn kỹ năng và yêu cầu chuẩn nghề nghiệp đầu ra. Đáng chú ý, việc dạy và học hiện nay không sát với thực tiễn, khối lượng kiến thức lý thuyết quá nhiều và dàn trải. Sau 6 năm đào tạo, đa số sinh viên trường y chưa đủ năng lực để hành nghề độc lập. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, bằng tốt nghiệp đại học y, dược của nước ta cũng chưa được thế giới công nhận. Dẫn tới tình trạng các thầy thuốc Việt Nam khi ra nước ngoài làm việc hay học nâng cao trình độ chuyên môn đều phải đào tạo lại từ đầu. Điều đó càng cho thấy chất lượng đào tạo nhân lực ngành y của nước ta chưa cao, chưa theo kịp với chuẩn chung của thế giới, gây lãng phí thời gian và kinh phí của cả người học và đầu tư của Nhà nước.

Lo lắng về hệ thống đào tạo y khoa hiện nay, bác sĩ Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa Thiên Đức (Hà Đông) cho rằng, hiện nay có quá nhiều trường đào tạo y khoa ngoài công lập, từ đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng đến đại học nhưng lại chưa đào tạo được sinh viên theo chuẩn chung của thế giới. Rất nhiều sinh viên khi ra trường đến xin việc, khi sát hạch về chuyên môn hầu hết đều hổng kiến thức, thực hành kém. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Phúc, tuy việc đào tạo tại các trường trong thời gian qua đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu về nhân lực của ngành Y. Nhưng sau khi tốt nghiệp, các y, bác sĩ mới chỉ có kiến thức nền, họ cần phải tiếp tục học tập và phải được đào tạo liên tục thì mới có thể làm tốt công tác khám, chữa bệnh (KCB). Nếu chỉ đào tạo 6 năm trong trường, bác sĩ chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm để chẩn đoán, xử lý trên người bệnh.

Đồng quan điểm trên, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Ngành Y là ngành liên quan đến sinh mạng con người nên dù đã tốt nghiệp đại học, tiếp thu khối lượng kiến thức lớn nhưng trong thực tế lại chưa có đủ kinh nghiệm để điều trị cho người bệnh. Đơn cử như trong sản khoa, không thể chỉ dựa vào những buổi học trên lớp với các động tác cơ bản là có thể trực tiếp đỡ đẻ. Vì vậy, ngoài kiến thức, nghề y còn đòi hỏi có kinh nghiệm thực hành rất cao. Sau một thời gian thực hành, các bác sĩ phải qua kỳ thi kiểm tra tay nghề, được cấp chứng chỉ hành nghề mới được thực hành KCB trên dân. Còn trong thời gian chưa được cấp chứng chỉ sẽ không được phép thực hành KCB trên người.

Cần thiết cấp lại chứng chỉ hành nghề

Để thay đổi cách nhìn về "đầu ra" của bác sĩ, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Đào tạo (Bộ Y tế) cho rằng, học đại học 6 năm, sau đó phải có thời gian hành nghề từ 18 tháng đến 2 năm trở lên thì bác sĩ mới nhận được chứng chỉ hành nghề. Hiện nay, dù theo luật chúng ta vẫn thực hiện cấp chứng chỉ hành nghề y một lần duy nhất nhưng các nghị định hướng dẫn, văn bản dưới luật đều quy định bác sĩ phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục, phải được đào tạo cập nhật kiến thức y khoa tối thiểu 48 tiết trong 2 năm liên tục nếu không có thể bị tước chứng chỉ hành nghề. "Với ngành Y, đào tạo liên tục mới chính là hình thức đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chứ không phải là đào tạo chính quy như đào tạo đại học, sau đại học. Bởi kiến thức, kỹ thuật, thuốc mới trong y tế liên tục thay đổi, vì vậy, các bác sĩ cũng cần phải được đào tạo, cập nhật liên tục mới đáp ứng tốt nhu cầu điều trị người bệnh", TS Nguyễn Ngô Quang chia sẻ.

Theo GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Việt Nam hiện đang hội nhập nên cần tuân thủ xu hướng chung của thế giới, nên thực hiện cấp chứng chỉ theo niên hạn. Khi đó, bác sĩ Việt Nam ra nước ngoài hành nghề mới được công nhận. Việc cấp chứng chỉ hành nghề theo niên hạn cũng nhằm bảo đảm chất lượng cán bộ phụ trách, chăm sóc sức khỏe người dân được tốt hơn.

Tới đây, Bộ Y tế sẽ đề xuất lại việc thi chứng chỉ hành nghề và thi có định kỳ. Sinh viên tốt nghiệp đại học y phải trải qua kỳ thi chứng chỉ, đạt mới được hành nghề. Nếu không đạt, dù đã có bằng đại học cũng không được hành nghề.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: “Đầu ra” chưa theo chuẩn thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.