Đồng hành cùng Thủ đô trong 70 năm sau ngày giải phóng, ngành Y tế Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc. Nhờ đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu, xây dựng các cơ sở y tế hiện đại, ngang tầm với các nước trong khu vực, ngành Y tế Thủ đô ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Bệnh viện như khách sạn 5 sao
Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong những năm qua, thành phố đã tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới các bệnh viện. Nhờ đó, cơ số giường bệnh đã tăng lên.
Đơn cử như dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội (ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) giai đoạn 1 trên diện tích hơn 67.000m², sau hơn 2 năm khởi công đã hoàn thành, sẵn sàng đi vào hoạt động từ hôm nay, 9-10. Người dân sẽ có thêm một cơ sở khám, chữa bệnh khang trang, hiện đại, đáp ứng chuyên môn cao.
Ngay từ bên ngoài, bệnh viện được thiết kế hiện đại, nổi bật với gam màu xanh khiến nhiều người nhầm tưởng đây là khách sạn 5 sao. Bên trong bệnh viện được thiết kế thuận tiện cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân di chuyển, tìm kiếm các khoa, phòng. Bệnh viện cũng đang phát triển những dịch vụ đặt lịch hẹn khám qua website, fanpage và ứng dụng để tăng thêm sự thuận tiện cho bệnh nhân.
Dự kiến, khi đi vào hoạt động, mỗi ngày, bệnh viện sẽ khám, chữa bệnh ngoại trú cho gần 1.000 bệnh nhân và điều trị nội trú cho 200 trẻ. Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, thời gian đầu, dự kiến công suất hoạt động nội trú của Bệnh viện Nhi Hà Nội là 50% với 8 phòng chức năng, 12 khoa lâm sàng và 9 khoa cận lâm sàng.
Trước mắt, nhân lực của bệnh viện chuyên khoa nhi đầu tiên của Thủ đô sẽ được huy động từ các bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Thủ đô như: Đa khoa Xanh Pôn; Đa khoa Hà Đông; Đa khoa Đức Giang; Thanh Nhàn; Phụ sản Hà Nội và Hữu nghị Việt Nam-Cuba.
“Bệnh viện sẽ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân Thủ đô và khu vực phía Bắc, góp phần giảm tải cho Bệnh viện Nhi trung ương và các tỉnh lân cận. Chúng tôi hướng tới ứng dụng chuyển đổi số trong tất cả các khâu, từ quản lý vận hành đến khám, chữa bệnh như: Ứng dụng bệnh án điện tử, chữ ký số và hướng đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo”, bà Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội chia sẻ.
Cũng là cơ sở y tế chuyên khoa, những năm qua, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng chuyên môn. Không chỉ nằm trong top chuyên khoa hạng nhất của thành phố về lĩnh vực sản phụ khoa, bệnh viện hạng 1 của Thủ đô này còn trở thành bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế.
Khi đến đây, người dân được hưởng dịch vụ khép kín, bắt đầu từ sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, sàng lọc các bệnh di truyền, tiêm phòng vắc xin, đến đồng hành chăm sóc thai phụ trong suốt quá trình mang thai. Mọi bất thường đều được các bác sĩ phát hiện kịp thời và can thiệp một cách tốt nhất để thai phụ có một thai kỳ an toàn, sinh ra những em bé khỏe mạnh.
Hiện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng chuẩn bị hoàn thiện khu sinh dịch vụ với phòng ốc rộng rãi, sang trọng, tiện nghi như khách sạn 5 sao.
“Lần trải qua cửa tử để đón chào thiên thần thứ 3 này với tôi là bao hiểm nguy cho cả mẹ và con, khi tôi có nhiều bệnh nền lại nhiều tuổi. Tôi rất lo lắng và căng thẳng, nhưng tôi đã may mắn “mẹ tròn, con vuông” bởi có sự đồng hành của các y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội”, chị Nguyễn Thùy Dương (ở Hà Nội) tâm sự.
Chinh phục những đỉnh cao mới
Ngay trước thời điểm Hà Nội tưng bừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô thì tại hai bệnh viện đa khoa: Xanh Pôn và Đức Giang trực thuộc Sở Y tế thành phố đã ghi những dấu ấn đặc biệt trên bản đồ ghép tạng của Việt Nam.
Tiếp nhận một ca tai nạn giao thông nghiêm trọng và sau đó bị chết não, được sự đồng ý của gia đình người bệnh, các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã chạy đua “xuyên đêm”, dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức triển khai lấy đa tạng hiến tặng, giúp thắp lên những cuộc đời mới.
Đặc biệt, hai quả thận từ người cho chết não đã được ghép thành công cho hai bệnh nhân. Đây cũng là lần đầu tiên việc lấy và ghép tạng từ người cho chết não được triển khai đồng thời tại bệnh viện hạng I của Thủ đô.
Khi bắt tay hai bệnh nhân được ghép thận khoẻ mạnh trong ngày họ xuất viện trở về nhà, ông Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) xúc động: “Tôi cảm nhận được sự sống ở họ, điều mà cách đây hơn 2 tuần không có được. Chúng ta tự hào về những thành quả đã đạt được”.
Sau Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang là bệnh viện thứ hai của Thủ đô triển khai thành công kỹ thuật ghép thận. Chỉ sau ca đầu tiên vào ngày 8-9-2024, trong một tháng, bệnh viện này đã thực hiện thành công 5 ca ghép thận và làm chủ được kỹ thuật ghép thận.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường chia sẻ, trước nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người bệnh, nhiều năm qua, bệnh viện rất nỗ lực, cố gắng phát triển chuyên môn kỹ thuật cao, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và xuyên suốt. Cùng với đó, bệnh viện cũng chủ động cử bác sĩ trẻ đi đào tạo nâng cao tay nghề và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật; tăng cường đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại để phát triển kỹ thuật cao, chuyên khoa sâu. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ triển khai kỹ thuật ghép giác mạc, ghép tế bào gốc…
Từ những kết quả đã đạt được, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng nhận định, hiện, cơ bản ngành Y tế Thủ đô đã đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, muốn làm tốt hơn nữa, đáp ứng tốt hơn nữa sự mong mỏi của người bệnh, ngành Y tế Thủ đô phải tiếp tục phát triển, vận động không ngừng.
Cùng với việc tổ chức triển khai các dự án về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế đã được phê duyệt, ngành Y tế Thủ đô sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyển dụng, đào tạo, có chế độ đãi ngộ tốt hơn với nhân viên y tế, tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật công nghệ cao…, đồng thời, quyết liệt chuyển đổi số, giảm sự phiền hà, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Sở Y tế Hà Nội đang quản lý 42 bệnh viện, trong đó có 8 bệnh viện hạng I, 32 bệnh viện hạng II và 2 bệnh viện hạng III; 2 chi cục và 5 trung tâm chuyên khoa. Kể từ ngày 1-10-2024, 30 trung tâm y tế được chuyển giao về các quận, huyện, thị xã quản lý. Tổng số nhân lực đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập của thành phố Hà Nội là 27.155 người. Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội còn có hàng nghìn cơ sở y tế tư nhân là các bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa tham gia hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.