Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Đâu là "gốc" vấn đề?

Hồng Hạnh - Thu Trang| 14/05/2015 06:35

(HNM) - Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang là mối quan tâm lớn của toàn xã hội. Đối với ngành giáo dục, yêu cầu về ATVSTP trong các bếp ăn, căng tin trường học không chỉ nhằm bảo đảm sức khỏe học sinh (HS), mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện,


Khó tin chứng nhận chất lượng

Từ vụ nhập nhèm trong tiêu thụ rau an toàn tại siêu thị được tố giác thời gian gần đây mới thấy mối lo của ngành giáo dục về ATVSTP là hoàn toàn có cơ sở. Một số hiệu trưởng nhà trường thẳng thắn cho rằng: Việc gánh trách nhiệm cao nhất tại đơn vị, khiến họ rút ra kinh nghiệm là khó thể tin vào các loại giấy chứng nhận, mà phải tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thực phẩm nhập vào. Ngoài ra, cũng phải coi trọng hơn việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các thành viên tham gia phục vụ bữa ăn cho HS, từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến, tiêu dùng. Việc này đòi hỏi sự tham gia của nhiều lực lượng, chứ không chỉ riêng ngành giáo dục. HS tiểu học cần sự chăm chút cẩn thận trong từng bữa ăn, không thể chờ đến khi bị tiêu chảy, đau bụng, đau đầu mới coi là ngộ độc.

Đề cập đến vấn đề ATVSTP, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hiệp Thống luôn trăn trở, bởi theo ông, các nhà trường không có chuyên môn trong việc kiểm soát chất lượng ATVSTP. Việc kiểm tra các bếp ăn, căng tin trường học được thực hiện cả thường xuyên lẫn đột xuất, nhưng với mạng lưới trường học lớn thì hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Theo quy định thì các trường chỉ ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng thực phẩm có giấy chứng nhận ATVSTP, nhưng mức độ tin cậy của giấy chứng nhận này đến đâu lại là vấn đề khác. Thực phẩm ôi, thiu thì có thể nhìn bằng mắt thường, nhưng dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng có trong rau quả ra sao thì khó định lượng.

Lo lắng ấy không phải là không có cơ sở, bởi số lượng HS ăn bán trú tại trường đang ngày càng gia tăng. Khảo sát thực tế, quận Tây Hồ hiện có khoảng hơn 7 nghìn trong số 11 nghìn HS cấp tiểu học ăn bán trú; số lượng HS ăn bán trú của quận Hà Đông là khoảng 16 nghìn HS trong tổng số 35 nghìn HS đang theo học ở các trường trên địa bàn…

Phải giải quyết tận "gốc"

Từ những khó khăn trong công tác quản lý, tổ chức bữa ăn bán trú, trong khi số lượng HS bán trú ngày càng tăng, nhiều cán bộ quản lý giáo dục cho rằng đã đến lúc cơ quan quản lý cần có những quy định cụ thể. Nhà trường phải bảo đảm các điều kiện nào thì tự nấu, như thế nào thì có sự tham gia của nhà cung cấp bữa ăn và ai là người thẩm định những điều kiện này, tránh tình trạng lợi dụng để trục lợi cá nhân. Một vấn đề còn vướng mắc khác đối với ngành giáo dục là, khi kiểm tra, phát hiện sai phạm về ATVSTP lại chưa có chế tài xử phạt, khó thể kiểm soát tình trạng tái phạm.

Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành kế hoạch liên ngành giữa Sở Y tế và Sở GD-ĐT trong công tác bảo đảm ATVSTP ở bếp ăn trường học. Theo đó, phân cấp cho các phòng giáo dục, trung tâm y tế quận - huyện tiến hành kiểm tra thực tiễn các trường quản lý vấn đề đầu vào của thực phẩm ra sao; các trường có thực hiện động tác giao nhận thực phẩm hằng ngày; có lưu mẫu thức ăn và đặc biệt là có nắm được nguồn gốc của thực phẩm không... Trên thực tế, có nhiều trường ký hợp đồng nấu ăn với một công ty, trên giấy tờ vẫn cam kết là thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ nhưng có thể nhập ở những nơi không bảo đảm. Trong kế hoạch liên ngành vừa ban hành cũng quy định, hiệu trưởng các trường có trách nhiệm kiểm tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm nơi nhà trường đang lấy thực phẩm. Sắp tới, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất một số bếp ăn bán trú tại các quận, huyện và rà soát năng lực các công ty cung cấp thực phẩm cho các trường trên địa bàn.

Cùng với việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi lực lượng xã hội trong việc nghiêm túc chấp hành các quy định về ATVSTP ở các khâu, việc truy tìm nguồn gốc thực phẩm và xử lý nghiêm khắc, dứt điểm với các sai phạm được coi là giải pháp cấp thiết, đồng bộ để giải quyết tận "gốc" mối lo thực trạng thực phẩm kém an toàn trong các nhà trường nói riêng và xã hội nói chung.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh: Để công tác ATVSTP trong trường học đạt kết quả bền vững, ngành y tế sẽ tăng cường phối hợp với các trường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa nguồn nhập thực phẩm trước khi vào bếp ăn; thường xuyên thực hiện nghiêm quy trình chế biến bữa ăn bảo đảm an toàn, tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ cho người chế biến thực phẩm; hướng dẫn nhà trường thực hiện tốt chế độ vệ sinh nhà ăn, bếp ăn, bảo đảm lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định, thực hiện công khai thực đơn, thay đổi món ăn theo mùa; tuyên truyền bảo đảm ATVSTP qua tranh ảnh, tờ rơi, áp phích tại khu vực chế biến thực phẩm, phòng ăn của nhà trường, góp phần nâng cao nhận thức của HS, phụ huynh.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Đâu là "gốc" vấn đề?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.