Chính trị

Bài cuối: Đại biểu của dân, “dĩ công vi thượng”

Trung Nguyễn - Nguyên Nguyên - Quốc Bình - Mai Hữu 05/12/2023 08:28

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những phẩm chất của người cộng sản chân chính, của một đại biểu nhân dân từ Tổng Bí thư lan tỏa đến mỗi người, đem lại bầu không khí cởi mở, thẳng thắn và hiệu quả thực chất cho mỗi hội nghị tiếp xúc cử tri. Đó là một phong cách mẫu mực mà các đại biểu Quốc hội cần hướng đến, noi theo để thực sự là đại biểu dân cử, vì nước, vì dân, “dĩ công vi thượng”.

Gần dân, nghe dân, lấy việc công làm đầu

Từ phong cách tiếp xúc cử tri cho chúng ta thấy, phong cách của một người chiến sĩ cộng sản, một học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đúng như nhận định của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư phát biểu tại lễ trao Huy hiệu 55 tuổi Đảng tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đồng chí là người chiến sĩ cộng sản luôn học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư"; tác phong sâu sát cơ sở, gần gũi với đồng bào, đồng chí; trong công việc luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thái độ nghiêm túc, phương pháp làm việc khoa học, quyết đoán, giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân; được cán bộ, đảng viên, nhân dân tin tưởng, yêu quý, được bạn bè quốc tế trân trọng và đánh giá cao. Trong cuộc sống đời thường, đồng chí sống giản dị, khiêm tốn, mẫu mực, chân thành. Đồng chí là tấm gương sáng tiêu biểu để cán bộ, đảng viên học tập, noi theo.

db.jpeg
Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV.
hvcuong.jpeg
Đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội phát biểu thảo luận tại nghị trường Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV.

Trong câu chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Văn Miếu (quận Đống Đa) Đặng Minh Hòa chia sẻ: "Phát biểu trong cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ năm của các đại biểu Quốc hội Đơn vị bầu cử số 1, mặc dù ý kiến của tôi hơi dài, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn ghi chép đầy đủ và trao đổi rõ ràng từng vấn đề, tôi trân trọng và thật sự cảm động".

“Tổng Bí thư luôn giữ phong thái chan hòa, gần gũi với cử tri, tiếp thu các ý kiến cử tri một cách trân trọng, trả lời cử tri đầy đủ; cử tri rất hài lòng…”, ông Đặng Minh Hòa cho biết thêm.

Vinh dự cùng là thành viên của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết: "Nhiều lần tham dự các buổi tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư và các đại biểu dân cử, nhưng mỗi lần đều để lại trong tôi những cảm xúc đặc biệt. Là lãnh đạo cao nhất của Đảng, bận trăm công nghìn việc, nhưng Tổng Bí thư luôn gương mẫu thực hiện trách nhiệm đại biểu nhân dân. Mỗi khi tiếp xúc cử tri, từ trang phục, lời nói đến cử chỉ, đều cho thấy sự gần gũi, chân thành, khiến không khí tiếp xúc cử tri hết sức cởi mở. Cử tri vì thế cũng thẳng thắn bộc bạch suy nghĩ, do vậy, các buổi tiếp xúc cử tri mang lại hiệu quả thực chất. Luôn chăm chú ghi chép cẩn thận các ý kiến, trao đổi với cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập những vấn đề lớn, quan trọng có tính khái quát rất cao, song cũng nêu rất cụ thể từng ý kiến, nên cử tri hài lòng, tin tưởng. Tổng Bí thư cũng nhiều lần nhấn mạnh trách nhiệm của đại biểu nhân dân là lắng nghe, tổng hợp và chuyển tải những ý kiến, kiến nghị rất chất lượng, trí tuệ của cử tri đến diễn đàn Quốc hội".

“Điểm độc đáo ở đồng chí Tổng Bí thư mà tôi thấy còn là sự dí dỏm khi phát biểu, gợi mở các vấn đề để cử tri phát biểu, điều này rất cần thiết để tạo không khí các buổi tiếp xúc, xóa đi những trang nghiêm hình thức không cần thiết, tạo bầu không khí rất cởi mở, gần gũi”- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai chia sẻ.

Từ những cuộc tiếp xúc cử tri, có thể nhận thấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiêu biểu về 5 tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội như quy định tại Điều 22, Luật Tổ chức Quốc hội và thật sự là một đại biểu mẫu mực mà cử tri và nhân dân đều mong muốn ở mỗi người đại biểu Quốc hội hay hội đồng nhân dân các cấp. Đó là sự chân thành, gần gũi, cởi mở, trong đó có lẽ sự chân thành là điều quan trọng nhất, có sức hút mạnh mẽ nhất. Sự chân thành của Tổng Bí thư đã tạo không khí thực chất cho các cuộc tiếp xúc cử tri. Ở đó, cử tri nói thẳng, nói thật, góp ý thật. Cử tri có thể nói thẳng, nói thật, người dân đối thoại và gửi gắm tâm tư nguyện vọng, lòng tin với người lãnh đạo cao nhất của đất nước là sự khẳng định những giá trị dân chủ trong đời sống chính trị mà bất kỳ một xã hội tiến bộ nào, một chế độ chính trị ưu việt nào đều hướng tới.

Nâng chất, nâng tầm đại biểu Quốc hội

77 năm qua kể từ cuộc bầu cử đầu tiên (6-1-1946), đại biểu Quốc hội luôn là trung tâm của Quốc hội, nhân tố cấu thành nên tổ chức của Quốc hội; hoạt động của đại biểu Quốc hội là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội là yêu cầu thường xuyên và là yếu tố có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

291120230852-z4925261160698_5f122ca9c87aba65d7a1fea439e707e6.jpg
291120230859-z4925377277297_e24033b7cff998810d939ecddc8b0010.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự họp tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Thắng - Nghĩa Đức.

Để đảm nhận được trọng trách thiêng liêng là đại diện cho nhân dân, mỗi đại biểu Quốc hội phải có trí tuệ, năng lực, phẩm chất đạo đức và trên hết là tinh thần “dĩ công vi thượng”. Các tiêu chuẩn quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội là cơ sở quan trọng để lựa chọn vào Quốc hội những đại biểu “chất lượng cao”. Các tiêu chuẩn này cần được cụ thể hóa trong đời sống để cử tri và nhân dân lựa chọn được những đại biểu ưu tú nhất đại diện cho mình.

Có ý kiến cho rằng, ở nhiều quốc gia trên thế giới, nghị sĩ Quốc hội được xác định rõ là chính khách và được yêu cầu với tiêu chuẩn rất cao, trong khi ở nước ta, đại biểu Quốc hội chưa được xếp vào hàng nào. Đại biểu Quốc hội cần có tiêu chuẩn riêng. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, thực hiện 3 chức năng là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định vấn đề lớn của đất nước ở tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội. Do đó, đại biểu Quốc hội cần được xác định rõ là, am hiểu toàn diện các lĩnh vực và chuyên sâu một số lĩnh vực; có khả năng phân tích, tổng hợp, tư duy phản biện, có kỹ năng diễn đạt và trình bày ý kiến ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc; đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, dưới sự tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Cùng với các quy định của luật, có thể thấy, điều cần thiết lúc này là xây dựng và ban hành quy định về chuẩn mực của đại biểu Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc cử tri và giải quyết kiến nghị của cử tri. Đại biểu Quốc hội phải thể hiện bản lĩnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, lắng nghe, phản ánh đầy đủ, kịp thời nguyện vọng của nhân dân, phát huy trí tuệ đóng góp vào thành công chung của Quốc hội. Khi tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội nhất thiết phải có trách nhiệm đóng góp xây dựng bầu không khí hội nghị thật sự dân chủ, cởi mở, thực chất. Đại biểu tôn trọng cử tri, cử tri tôn trọng đại biểu, trân trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến đầy đủ, mỗi người tham gia cần “đúng vai, thuộc bài” như cách nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Công tác đại biểu của Quốc hội đang chủ trì xây dựng Đề án “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội”. Đề án được xây dựng nhằm đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Đề án gồm 4 phần, đang được hoàn thiện theo hướng làm rõ hơn nữa về tính khả thi, hợp lý, thực chất của một số tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội. Tinh thần chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án là mạnh dạn đơn giản hóa các tiêu chí định tính; bỏ các tiêu chí không còn phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội; đồng thời tham khảo thêm hoạt động của Mặt trận Tổ quốc nhiều địa phương hiện đã và đang có những hình thức đánh giá sơ bộ, với quan điểm thực chất, có cơ sở, dễ làm, dễ thuyết phục…

Đây là bước đi quan trọng, cần thiết để nâng chất, nâng tầm đại biểu Quốc hội, từ đó đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân Việt Nam. Và cũng vì vậy, việc tìm hiểu phong cách tiếp xúc cử tri, học tập tấm gương của đại biểu dân cử, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hết sức cần thiết, qua đó xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội thực chất, hiệu quả, đáp ứng sự tin yêu, kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

Đề án “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội”.

Đề án gồm 4 phần: 1-Khái quát về đại biểu Quốc hội, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả hoạt động, cơ chế, tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội; 2-Thực trạng tiêu chuẩn, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả hoạt động và cơ chế, tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội; 3-Giải pháp đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội và 4-Xây dựng cơ chế, tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội trong các nhiệm kỳ tiếp theo.

-----

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Đại biểu của dân, “dĩ công vi thượng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.