Chính trị

Bài 4: Một tình yêu lớn với Thủ đô Hà Nội

Trung Nguyễn - Nguyên Nguyên - Quốc Bình - Mai Hữu 05/12/2023 08:27

Trên nhiều cương vị lãng đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với Thủ đô Hà Nội. Những thông điệp, những lo toan, trăn trở với Đảng bộ, chính quyền và người dân Thủ đô thể hiện rõ trong những lần Tổng Bí thư tiếp xúc với cử tri Hà Nội trước và sau các kỳ họp của Quốc hội. Niềm tin và tình yêu lớn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho Hà Nội nhiều năm qua thực sự là nguồn động lực thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nỗ lực vươn lên làm gương cho cả nước như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Phải làm công dân gương mẫu của Thủ đô văn hiến

Tại buổi tiếp xúc cử tri trình bày chương trình hành động ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, một trong những điều đáng nhớ với nhiều người là khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dù có trúng cử hay không cũng phải làm công dân gương mẫu của Thủ đô ngàn năm văn hiến, của nước Việt Nam anh hùng.

tbt-npt.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 1 Hà Nội vận động bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV tháng 5-2021. Ảnh: Viết Thành.

Một tuần sau khi ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có buổi tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 1 (các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng). Đề cập tới Nghị quyết quan trọng này, Tổng Bí thư cho biết, Trung ương đã chỉ đạo Quốc hội phải quan tâm xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) thật tốt, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển. Hà Nội cũng phải xây dựng chương trình hành động khoa học, bài bản, từ kinh nghiệm thực hiện các nghị quyết trước đây của Bộ Chính trị để triển khai thật hiệu quả.

Mong muốn cử tri và người dân Thủ đô chung sức, đồng lòng thực hiện Nghị quyết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cho rằng, mỗi người Hà Nội phải thực sự tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, văn hóa; cùng nhau truyền cảm hứng, lan tỏa những giá trị quý báu văn hiến, anh hùng, hào hoa, thanh lịch, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm” để khơi dậy niềm tự hào, khát vọng vươn lên, quyết tâm xây dựng Hà Nội xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính của quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, kinh tế và hội nhập quốc tế, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”... Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô hãy phấn đấu phát triển mạnh mẽ, nâng tầm và vị thế mình lên để không thua kém gì các thủ đô trên thế giới”.

img_3383.jpeg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn mong muốn Hà Nội phát triển xứng đáng với bề dày nghìn năm văn hiến, anh hùng; đại biểu Quốc hội Hà Nội, cử tri Hà Nội cũng phải cố gắng làm gương cho cả nước. Ảnh: Viết Thành.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết 15 và những chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thành ủy Hà Nội đã bắt tay ngay vào quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện. Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26-8-2022 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Nghị quyết được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, thể hiện rõ tính “hành động” với các công trình, dự án cụ thể; được coi là cẩm nang để tổ chức thực hiện. Các cấp ủy Đảng trực thuộc Thành ủy, các cơ quan, đơn vị, tổ chức của thành phố đều đã ban hành kế hoạch thực hiện; trong đó, kế hoạch cụ thể hóa của UBND thành phố đã xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm, 20 chỉ tiêu cụ thể.

Tạo động lực cho Thủ đô vươn lên

Trải lòng với cử tri, “Hà Nội là Thủ đô, mà Thủ đô chỉ có một” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, người Hà Nội cần phát huy truyền thống văn hiến và anh hùng, hào hoa, thanh lịch, cùng những giá trị cao quý rất đáng tự hào được tôn vinh… Và, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội cố gắng phát huy theo tinh thần đó, đóng góp nhiều cho Trung ương, trước hết là phát triển Thủ đô.

Mang tinh thần Thăng Long vào thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, tạo động lực để Hà Nội vươn lên ngang tầm thời đại, thành phố đã tập trung vào công tác quy hoạch và xây dựng thể chế. Trong 1 năm qua, Hà Nội đã tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ lớn là lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065), xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hoàn thiện hồ sơ sửa đổi Luật Thủ đô.

Tại kỳ họp thứ sáu vừa qua, Luật Thủ đô sửa đổi đã được xin ý kiến của Quốc hội với kết quả rất tích cực. “Luật này có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn rất rõ ràng và có tính thuyết phục. Chúng ta cần thống nhất xây dựng các cơ chế đặc thù cho Thủ đô của cả nước, chứ không phải riêng cho thành phố Hà Nội. Và nếu chúng ta xây dựng được các cơ chế để Thủ đô phát triển, Thủ đô sẽ tiếp tục làm đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, văn hóa của cả nước”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết.

tbt-vnexpress10-1518711479.jpg
tbt-vnexpress9-1518711478.jpg
“Hà Nội là Thủ đô, mà Thủ đô chỉ có một” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh. Trong ảnh, Tổng Bí thư với người dân Thủ đô trong một dịp về thăm, chúc Tết Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Viết Thành.

Cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, tạo động lực mới từ phát huy giá trị truyền thống ngàn năm văn hiến, Hà Nội đã tập trung triển khai Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022); đồng thời, ưu tiên đầu tư 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa. Hơn 1 năm qua, Hà Nội đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hơn 1.000 công trình vừa góp phần nâng cao năng lực y tế, giáo dục, vừa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, tạo sinh kế cho người dân. Đến nay, thành phố đã xác định nguồn vốn cho các lĩnh vực này lên tới 90.000 tỷ đồng trong giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Trong bối cảnh công nghiệp sụt giảm, dịch vụ thương mại của Thủ đô đã thăng hoa. Tính đến giữa năm nay, tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế Hà Nội đã vượt 65%, hoàn thành sớm hơn 2 năm so với chỉ tiêu Đại hội. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Hà Nội vẫn bền bỉ phấn đấu trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 và tác động của những cú sốc bất thường của kinh tế toàn cầu. Kinh tế Thủ đô cho thấy sức bền cao, thực sự xứng đáng là một đầu tàu của cả nước.

Cùng với những nhiệm vụ thường xuyên, Hà Nội chủ động triển khai các chủ trương lớn nhằm giải quyết những khó khăn, bất cập tồn tại như: Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030; xử lý 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn... Đặc biệt, Hà Nội đã cùng với hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh hoàn thành xuất sắc tiến độ giải phóng mặt bằng, khởi công đúng thời hạn Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được nêu trong Nghị quyết 15.

Xây dựng nền nếp kỷ cương, kỷ luật trong hệ thống chính trị với việc triển khai thực hiện đồng bộ chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố, gắn với xác định 25 biểu hiện cụ thể làm căn cứ xử lý cán bộ. Đảng bộ thành phố đã chủ động “số hóa”, triển khai ứng dụng các phần mềm “Quản lý hồ sơ cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý”, “Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hằng tháng”; “Điều hành, tác nghiệp quản lý đảng viên” và “Sổ tay điện tử đảng viên”; thực hiện thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý...

hanoimoi.com.vn-uploads-images-tuandiep-2023-01-19-_tbt33.jpg
hanoimoi.com.vn-uploads-images-tuandiep-2023-01-19-_tbt31.jpg
Không chỉ lưu ý ở các cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm nhắc nhở cán bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội phải chăm lo thực hiện lời Bác Hồ dạy, làm mực thước cho cả nước noi theo. Ảnh: Viết Thành.

Những thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong các cuộc tiếp xúc cử tri là sự quan tâm xuyên suốt, thống nhất. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng chia sẻ, để hoàn thành mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và những định hướng đầy tâm huyết, sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư đối với Thủ đô, Đảng bộ thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ngàn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị, tinh thần đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy. Khi nhìn nhận ra vấn đề thì quyết tâm tổ chức thực hiện; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ công vụ; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, quyết tâm theo đuổi công việc đến cùng, có sản phẩm đầu ra cụ thể; phải đi vào thực chất, hiệu quả, không hình thức, “không diễn”; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân; công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp của cấp ủy với HĐND - UBND tiếp tục phải nhịp nhàng, “tiền hô, hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” và đặc biệt phải có tình yêu, có trách nhiệm với công việc, với Thủ đô và nhất là khát vọng phát triển như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu.

Khi giao nhiệm vụ cho Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt niềm tin đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Hà Nội đang vững bước đi lên, xứng đáng là đầu tàu, là trái tim của cả nước.

Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội tăng trưởng 8,89%. Quy mô kinh tế của thành phố vượt 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương với 50 tỷ USD (cả nước là 419 tỷ USD). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 lần đầu tiên vượt hơn 300.000 tỷ đồng. Năm 2023, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng tích cực, dự tính đạt 6,1%, thu ngân sách nhà nước lập kỷ lục mới hơn 400.000 tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán và tăng 20% so với năm 2022.

↓ XEM TIẾP ↓

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Một tình yêu lớn với Thủ đô Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.