Chính trị

Bài 3: Quốc hội của dân, đại biểu vì dân

Trung Nguyễn - Nguyên Nguyên - Quốc Bình - Mai Hữu 05/12/2023 08:26

Là đại biểu của nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không ngừng quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và đổi mới hoạt động của Quốc hội để Quốc hội thực sự gần dân, sát dân, xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Không “quyền anh, quyền tôi”

Ba chức năng, cũng là nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội, là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước, Quốc hội, đại biểu Quốc hội, phải thực hiện tốt nhưng đồng thời phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và trên cơ sở quyền làm chủ của nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, không được “quyền anh, quyền tôi”, “tam quyền phân lập”, “ cua cậy càng, cá cậy vây”…

articleb.jpg

6.jpg
Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thông qua Nghị quyết tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Ảnh: Nhật Bắc.

Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải lắng nghe dân, tiếp thu ý kiến của dân. “Đó cũng là ý nghĩa cần thiết của các hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp. Do đó, các cuộc tiếp xúc cử tri phải thực chất, tránh hình thức. Dân đã góp ý rất tâm huyết, đại biểu Quốc hội phải tiếp thu một cách nghiêm túc”- Tổng Bí thư nói - “Quốc hội là của dân, do dân và vì dân. Đảng lãnh đạo cũng là theo tinh thần tất cả vì lợi ích của nhân dân” .

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội tổ chức kỳ họp thành công, mà quan trọng là phải thành công thực chất. Thực chất ở đây là nội dung, kết quả kỳ họp phải thể chế hóa chủ trương của Đảng, từ đó thấm vào trong từng người dân, giúp cho “ý Đảng” luôn luôn phải quyện với “lòng dân”.

Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đây là “3 cái chân kiềng” rất quan trọng, là cơ chế kiểm soát quyền lực. Trong đó, mỗi chủ thể đều phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, phải tuân theo Hiến pháp, luật pháp. Đây là cơ chế, chế độ rất ưu việt, có thể nói là ưu việt nhất hiện nay. Tổng Bí thư nhiều lần lưu ý, đây là những nội dung rất căn bản, quan trọng, cần thiết, các cấp, các ngành phải nắm rất chắc để thực hiện đúng, nhất là phải gần dân, sát dân, tôn trọng nhân dân, bởi “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, không được lòng dân là mất chế độ.

tong-bi-thu-khai-mac-1664785630980152134494.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Ảnh: Nhật Bắc.

Tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thấu hiểu nguyện vọng của nhân dân cũng như ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ này, tại Hội nghị lần thứ sáu (diễn ra tại Hà Nội từ ngày 3 đến 9-10-2022), Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Ngày 9-11-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết này (Nghị quyết số 27-NQ/TW).

Trung ương chỉ rõ mục tiêu tổng quát là: “Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ có hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, phân cấp, phân quyền và kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045”.

Nghị quyết được ban hành, đi vào đời sống, thể hiện tư duy mới, khẳng định quyết tâm mới của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị triển khai nhiệm vụ chiến lược này. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, Trung ương yêu cầu, luôn bám sát và nắm vững Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng, Hiến pháp năm 2013 của Nhà nước và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trước mắt, cần tập trung thực hiện một số chủ trương và nhiệm vụ quan trọng, trong đó được nhắc tới đầu tiên là tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lập pháp.

Quốc hội của dân, vì dân

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Quốc hội với người đứng đầu là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ động đổi mới các mặt hoạt động, trong đó có đổi mới mạnh mẽ hình thức, cách thức tổ chức, nội dung hội họp . Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Quốc hội càng ngày càng chủ động, sáng tạo trên các lĩnh vực hoạt động, đáp ứng những yêu cầu đặt ra từ thực tế phát triển cũng như nguyện vọng của cử tri cả nước.

291120230815-1129benle-7-.jpg
291120230852-1129benle-2-.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ tại Phiên bế mạc Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Thắng - Nghĩa Đức

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Quốc hội đang tiếp tục đổi mới tư duy, cách thức thực hiện ba chức năng cơ bản là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã có nhiều đổi mới rất mạnh mẽ. Việc đổi mới của Quốc hội không chỉ dừng lại ở nội dung, mà còn cả về hình thức và phương pháp hoạt động. PGS.TS Lê Bộ Lĩnh (đại biểu Quốc hội khoá XII, XIII) nhận định: Kết quả thực hiện nhiệm vụ lập pháp đến nay cũng đã hoàn thành khoảng 60% công việc của nhiệm kỳ 5 năm. Đây là nỗ lực rất lớn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Làm việc với “năng suất” cao, họp ngắn nhưng hoàn thành khối lượng công việc lớn, Quốc hội chú trọng nâng cao chất lượng từng công việc. Riêng về lĩnh vực lập pháp, Quốc hội kỳ này có nhiều đổi mới. Đó là, trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại các kỳ họp, bên cạnh công tác thẩm tra và cho ý kiến theo quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức các phiên họp chuyên đề pháp luật và các hội nghị đại biểu chuyên trách để góp ý sâu hơn với các dự thảo luật trình lần đầu và dự kiến thông qua. Đây là bước cần thiết để nâng cao chất lượng các dự thảo luật trình Quốc hội, cũng là nhằm đáp ứng mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.

Đặc biệt, với số lượng các kỳ họp đột xuất ngang với họp định kỳ, Quốc hội cho thấy sự linh hoạt, bám sát đời sống và các nhiệm vụ chính trị, giải quyết kịp thời các yêu cầu của cử tri và nhân dân, khắc phục cơ bản độ trễ do tính định kỳ của các kỳ họp có thể ảnh hưởng đến việc đưa ra các chính sách quản lý xã hội. Sự chủ động, linh hoạt của Quốc hội còn thể hiện rõ ở khả năng thích ứng nhanh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ, chất lượng công việc của Quốc hội không những không bị ảnh hưởng mà còn được nâng lên. Các kỳ họp của Quốc hội đã có những quyết sách kịp thời về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết những vướng mắc pháp lý thúc đẩy đầu tư phát triển.

Tại kỳ họp thứ năm diễn ra tháng 5-2023, lần đầu tiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Theo báo cáo kết quả giám sát, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử, có 2.593 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; 2.589 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, đạt 99,8%. Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) nhìn nhận, việc làm này chứng tỏ hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai và minh bạch hơn...

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thành công của các kỳ họp vừa qua tiếp tục khẳng định những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một Quốc hội “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm”, một Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, nhân dân; đồng thời là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

bemac6.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV.

Không dừng lại ở những kết quả đã đạt được, quyết tâm đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội đang triển khai xây dựng Đề án "Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội". Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án cho rằng, quá trình xây dựng và hoàn thiện Đề án phải đưa ra được các giải pháp hữu hiệu nhằm đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, để hoạt động của đại biểu Quốc hội khoa học, tăng tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quốc hội khóa XV có cơ cấu, thành phần đại biểu đảm bảo tốt tính đại diện cho các thành phần, giai tầng trong xã hội. Chất lượng đại biểu ngày càng được nâng lên. Trình độ chuyên môn của đại biểu Quốc hội khóa XV cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Cụ thể: Trình độ từ đại học trở lên: 498 người (tỷ lệ 99,80%); trên đại học: 392 người (tỷ lệ 78,56%), trong đó, có 144 tiến sĩ, 248 thạc sĩ. Trong các đại biểu Quốc hội còn có 32 giáo sư, phó giáo sư.

↓ XEM TIẾP ↓

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Quốc hội của dân, đại biểu vì dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.