(HNM) - Với những quy định mang tính đặc thù, Luật Thủ đô đã mở ra nhiều cơ hội cho các cơ quan quản lý của thành phố để có thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, chức năng được giao.
Khu vực nội thành Hà Nội giống như cục nam châm có sức hút cực kỳ mạnh mẽ. Điều đó cũng tạo nên sự quá tải về nhiều mặt của đời sống xã hội như nhà ở, giao thông, bệnh viện, trường học, môi trường... Đây chính là áp lực, sức ép và thử thách nặng nề đối với những người làm công tác quản lý nhà nước ở cơ sở. Nhiều chủ tịch UBND phường cho rằng đang phải đảm nhận trách nhiệm quản lý một địa bàn có mật độ dân cư lớn, phức tạp và nhiều việc không thua gì một huyện ngoại thành. Lại có những lãnh đạo quận khẳng định, khối lượng công việc trong nhiều lĩnh vực của địa phương còn nặng hơn một số tỉnh trong cả nước. Vì vậy, những người làm công tác quản lý đô thị của Hà Nội rất cần thêm những công cụ, phương tiện hữu hiệu để có thể thực hiện tốt hơn công việc mà họ đang phải đảm nhận.
Luật Thủ đô ra đời là để đáp ứng những vấn đề nêu trên. Trước hết, đó là các quy định nhằm giảm sức ép quá tải cho khu vực nội thành. Luật nêu rõ: "Trong nội thành không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, dạy nghề" luật cũng yêu cầu: "Có lộ trình di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, trường học ra ngoại thành". Những điều này đã được thành phố kiến nghị thực hiện trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc "luật hóa" sẽ đem lại sức nặng cần thiết để có thể điều chỉnh hiệu quả tình hình thực tế. Một công cụ giảm áp lực lên khu vực nội thành đáng chú ý nhất phải kể đến quy định về việc đăng ký thường trú. Công dân muốn đăng ký thường trú tại nội thành phải tạm trú liên tục từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở; đối với nhà thuê phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định và phải được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê, cho đăng ký thường trú vào nhà thuê. Quy định mới này được kỳ vọng sẽ giảm được hàng trăm ngàn người nhập cư mỗi năm. Đó là con số rất hữu ích nếu biết rằng từ khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính đến nay, số dân Hà Nội đã tăng từ 6,4 triệu lên 7,3 triệu người (có hộ khẩu thường trú).
Tuy nhiên, vấn đề không dừng lại ở đó. Nhiều chuyên gia cho rằng, số dân nội thành Hà Nội vẫn sẽ tăng lên vì họ sẵn sàng sống không cần đăng ký thường trú. Vậy nên cần phải thu hút người dân ra khỏi khu vực nội thành bằng các yếu tố lợi ích, có sức thuyết phục cao. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khẳng định, nếu khu vực ngoại thành có đầy đủ các dịch vụ, việc làm, an sinh xã hội thì đương nhiên sẽ giảm áp lực được cho nội thành. Đây cũng chính là thách thức đối với các cơ quan quản lý của thành phố.
Những đòi hỏi cao về năng lực và trách nhiệm
Hạn chế đáng kể nhất, cũng là việc Hà Nội cần làm mạnh nhất là siết chặt kỷ cương xã hội, đặc biệt là ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất đai và các hành vi thiếu văn hóa. Luật Thủ đô trao cho các cơ quan quản lý Hà Nội một công cụ sắc bén, đó là: "HĐND TP Hà Nội được quy định mức tiền xử phạt ở nội thành cao hơn, nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định, đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng". Các chế tài xử phạt tại Hà Nội lâu nay chưa có giá trị răn đe mạnh. Người vi phạm chấp nhận được "phạt cho tồn tại" vì giá trị chịu phạt "không thấm vào đâu" so với lợi ích mà họ thu được. Rõ nhất là vi phạm trong trật tự xây dựng. Và điều đó, ở phía ngược lại còn là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng tới phẩm chất, đạo đức của những người thực thi công vụ. Với những quy định cụ thể trong Luật Thủ đô, các nhà quản lý đã có trong tay "cây gậy" cần thiết, vấn đề còn lại phụ thuộc vào năng lực và quyết tâm thực hiện.
Xây dựng và phát triển đô thị như Thủ đô Hà Nội cần phải có nguồn lực lớn về tài chính. Luật Thủ đô có 3 quy định như thể 3 "cầu dẫn" các nguồn tài chính bổ sung cho ngân quỹ đầu tư phát triển của thành phố. Trước hết, đó là quy định cho phép Thủ đô được huy động vốn đầu tư trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Thứ hai, dự toán chi ngân sách của Thủ đô được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được áp dụng cho các thời kỳ ổn định từ 3 đến 5 năm. Thứ ba, đối với một số công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi do thành phố quản lý vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương thì Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ ngân sách trung ương cho ngân sách Thủ đô để triển khai thực hiện cho từng dự án. Đây là lợi thế rất lớn đối với quá trình đô thị hóa và thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Tuy nhiên, nguồn lực lớn cũng đòi hỏi năng lực và trách nhiệm quản lý phải nâng cao để phù hợp với yêu cầu.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn khi nói về vấn đề giám sát thực thi Luật Thủ đô cho biết, trong trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ yêu cầu UBND TP Hà Nội báo cáo về việc thi hành Luật Thủ đô nhằm tạo thêm cơ chế để Quốc hội trực tiếp thực hiện việc giám sát thi hành Luật Thủ đô, nâng cao trách nhiệm của chính quyền Hà Nội trong việc tổ chức thi hành luật. Luật Thủ đô trao cho Hà Nội nhiều công cụ, phương tiện quản lý mới, nhưng cũng đòi hỏi song song về năng lực và trách nhiệm. Vì vậy, thực hiện Luật Thủ đô vừa là cơ hội, vừa là thử thách đối với toàn bộ hệ thống chính trị cũng như đối với từng người dân sinh sống trên địa bàn Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.