(HNM)- Nhiều năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, người nông dân đã thực sự làm chủ ruộng vườn. Nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp đang phát huy hiệu quả và cho những mùa vàng bội thu.
Chuyện làm giàu ở một làng ven đô
Cách đây hơn chục năm, khi còn là công nhân hàn thuộc Công ty Xây dựng nông nghiệp Hà Nội, ông Bùi Văn Phong đã thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: Phải luôn phấn đấu rèn luyện mình. Khi về hưu, ông tiếp tục suy nghĩ, tìm cách vươn lên làm giàu và đã trở thành một chủ trang trại bưởi có tiếng. Cũng cách đây gần chục năm, dù Đảng ủy, chính quyền xã Phú Diễn đã có chủ trương xây dựng kinh tế trang trại để giúp người nông dân nhanh chóng thoát nghèo, nhưng đất Diễn vẫn là đất nghèo, quả bưởi Diễn thơm nức tiếng xa gần chưa trở thành thương hiệu có giá trị bởi người nông dân chưa "dám nghĩ, dám làm".
Những vườn bưởi Diển có giá trị kinh tế cao xuất hiện ngày càng nhiều
tại các vùng ven đô. Ảnh: Lê Tuấn
Nhớ lại chuyện ngày mới "mở đất", ông Bùi Văn Phong kể, ngày ấy, những người mạnh dạn xây dựng mô hình trang trại chưa nhiều. Và dân làng Phú Diễn lấy làm lạ khi có người đang sống ở phố (Đội Cấn, Ba Đình) như gia đình ông Phong, cứ đi về trong ngày cần mẫn cuốc đất trồng cây cải tạo những thửa ruộng ngập nước thành vườn. Thấy người thành phố tình nguyện về quê làm nông dân, ban đầu là lấy cớ tình làng nghĩa xóm bà con sang bắt chuyện, sau vì mê món bún chả Hà Nội do vợ ông Phong làm mà những người nông dân khu ruộng Trại Cam (Phú Diễn) càng thường xuyên tới lui trang trại của vợ chồng "ông Hà Nội". Trong rất nhiều câu chuyện với bà con, ông Phong kể về bài học "làm chủ tập thể" Bác Hồ dạy công nhân và khẳng định: "Quê mình là quê bưởi, tại sao không để quả bưởi ra trái thật nhiều, nhất là khi đã được Đảng ủy, chính quyền xã tạo điều kiện cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tại sao ta không làm? Nếu tất cả anh em họ tộc trong làng cùng "làm chủ tập thể", bảo nhau đi học kỹ thuật trồng cây, rồi về truyền lại cho nhau thì chắc chắn sản phẩm bưởi Diễn sẽ thành thương hiệu lớn". Kể từ đó, rất nhiều người trong làng Phú Diễn xây dựng mô hình trang trại trồng bưởi xen lẫn chăn nuôi. Trang trại nhà ông Phong trước đây mỗi năm cho thu nhập tới cả trăm triệu đồng là niềm mơ ước của nhiều người, giờ hóa ra khiêm tốn so với rất nhiều hộ trong làng.
Ở Phú Diễn hiện có nhiều người trẻ tuổi nhưng đã biết làm kinh tế. Anh Vũ Xuân Hải, tuổi mới ngoài 30 nhưng đã nổi tiếng "mát tay" nhân giống bưởi quý quê hương. Anh Hải cho biết: "Đảng ủy, chính quyền xã năm nào cũng mở lớp phổ biến kiến thức khuyến nông, giúp người nông dân tự nâng cao trình độ và có thể áp dụng kiến thức khoa học tại chính trang trại nhà mình". Từ những chuyến đi tham quan, học hỏi mô hình phát triển kinh tế trang trại ở nhiều nơi, anh Hải đã có sáng kiến trồng cây bưởi Diễn cảnh vừa đẹp vừa mang lại thu nhập cao và anh đã phổ biến kiến thức, kỹ năng trồng bưởi của mình cho nhiều người khác trong xã...
Nghĩ xa, làm ăn lớn
Nghị quyết số 26 NQ/TƯ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của BCH TƯ Đảng đã chỉ rõ: "Tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân Việt Nam trong việc trực tiếp thực hiện một số chương trình, dự án phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của nông dân, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Chăm lo xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam…". Trong công cuộc đổi mới đất nước hôm nay, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và coi trọng giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đảng ta xác định: "nông nghiệp là mặt trận hàng đầu"; "lấy nông nghiệp làm khâu đột phá"; "lấy nông thôn là địa bàn trọng điểm". Năm 2008, Hội nghị lần thứ 7 BCH TƯ Đảng (khóa X) đã ra nghị quyết quan trọng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó xác định: "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH - HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là lực lượng quan trọng để phát triển KT-XH bền vững, giữ vững ổn định chính trị; bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước". Đồng thời nghị quyết nhấn mạnh mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, tạo nền tảng KT-XH và chính trị vững chắc cho sự nghiệp CNH - HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Qua 80 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay Hội Nông dân Việt Nam đã có 10 triệu hội viên trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực như nuôi trồng thủy - hải sản, kinh doanh, dịch vụ, nông - lâm nghiệp… Số hội viên là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tăng nhanh, cả nước hiện có trên 3 triệu hộ gia đình hội viên được công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đặc biệt, trong mô hình phát triển kinh tế trang trại ngày càng xuất hiện nhiều triệu phú, tỷ phú.
Theo TƯ Hội Nông dân Việt Nam, những điển hình người nông dân làm kinh tế giỏi của Thủ đô hôm nay xứng đáng là đại diện tiêu biểu cho những người nông dân dám nghĩ, dám làm, có ý chí quyết tâm làm giàu, đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phá thế độc canh trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với việc tích tụ ruộng đất, đầu tư mở rộng sản xuất, nhiều nông dân đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi với quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Rất nhiều chủ trang trại đã thành công trong mô hình nuôi nhím, trồng cam, nuôi tôm, nuôi lợn với quy mô lớn...
Hẳn không ít lão nông ngày nay vẫn còn nhớ cảnh mỗi sớm, HTX cho người gõ kẻng, bà con nông dân dắt trâu ra đồng, mỗi người một việc, một khu ruộng được giao, dù chăm chỉ hay làm như "bôi" vẫn được tính công điểm rồi cũng được chia sản phẩm như nhau. Và kết quả, dù là nước nông nghiệp, nhưng chúng ta đã rơi vào cảnh thiếu lương thực trầm trọng. Thế rồi cơ chế "khoán 10" và sau đó hoàn thiện là "khoán 100" ra đời, người nông dân như được "cởi trói", đã thực sự trở thành những người chủ trên ruộng đồng, đã biết "nghĩ xa, làm ăn lớn".
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát huy vai trò, sức sáng tạo to lớn của nông dân. Trong dự thảo Báo cáo chính trị của BCH TƯ Đảng khóa X trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng cũng khẳng định: "Phát triển nông - lâm - ngư nghiệp toàn diện theo hướng CNH - HĐH gắn với giải quyết tốt vấn đề nông dân, nông thôn". Nông dân cả nước đang hướng về Đại hội XI của Đảng với sự tin tưởng, kỳ vọng, sự thành công của Đại hội sẽ mở ra thời kỳ mới cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Sẽ có nhiều mô hình nông thôn mới được xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại, có kinh tế phát triển, kết cấu hạ tầng đồng bộ, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các ngành nghề truyền thống...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.