(HNM) - Có thể nói, đối với những ai đi xa TP Hồ Chí Minh trong khoảng 10 năm trở lại đây, khó nhận diện và định vị được bởi đô thị đang phát triển mạnh mẽ, tạo dáng vóc của một đô thị văn minh, hiện đại, là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
"Đa cực" trong cấu trúc đô thị
Theo TS. KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh, điểm nhấn trong quy hoạch đô thị thành phố chính là sự mở rộng nội thị đúng định hướng, đáp ứng nhu cầu sinh sống của thành phố gần 10 triệu dân hiện nay. Hàng loạt công trình hạ tầng kỹ thuật quy mô lớn đã làm thay đổi cấu trúc và diện mạo thành phố. Các dự án cải tạo và nâng cấp đô thị như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé và Tân Hóa - Lò Gốm, vừa mang tính biểu tượng cho sự phát triển mạnh mẽ, năng động của thành phố, vừa góp phần chỉnh trang đô thị và trên hết đã làm thay đổi cuộc sống của triệu người dân thành phố.
PGS. TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh khẳng định; thành phố nổi lên với hình ảnh của một đô thị phi tập trung và đa trung tâm, nối kết chặt chẽ với chùm đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo ra mạng lưới đa trung tâm cấp thành phố gồm: Trung tâm chính 930ha hiện hữu (thuộc Quận 1, 3, một phần Quận 4 và Bình Thạnh) và mở rộng về Thủ Thiêm (Quận 2). Phần còn lại là 4 khu đô thị vệ tinh gồm: Phân khu phía Đông có quận 2, 9 và Thủ Đức, với trung tâm phụ khoảng 200ha tại Quận 9 nối kết TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), TP Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai). Phía Nam với khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (Quận 7) và khu Cảng Hiệp Phước nối kết với Tiền Giang và Long An. Phía Tây với 3 mảng đô thị An Lạc, Tân Tạo và Vĩnh Lộc. Phía Bắc với Khu đô thị mới Tây Bắc thành phố khoảng 6.000ha nối liền TP Hồ Chí Minh với huyện Trảng Bàng và cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh).
Theo KTS Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố, trong định hướng phát triển đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh tiếp tục xác định phát triển không gian đô thị theo hướng đa tâm và các đô thị vệ tinh xung quanh để giảm áp lực dân số. Khu trung tâm chính sẽ được mở rộng sang Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Hạ tầng giao thông đồng bộ
Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đô thị là ưu tiên hàng đầu của chính quyền TP Hồ Chí Minh, nguồn vốn đầu tư vào ngành giao thông luôn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng vốn đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách. Giai đoạn 2011-2015, tổng vốn từ ngân sách cho đầu tư xây dựng là 75.000 tỷ đồng, trong đó, giao thông chiếm hơn 23.800 tỷ đồng. Theo KTS An Dũng, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, các tuyến đường vành đai đang hoàn thành sẽ trở thành "xương sống" kết nối linh hoạt hệ thống giao thông còn lại, tạo nên diện mạo mới cho giao thông đô thị.
Trong năm nay, dự kiến thành phố sẽ hoàn thành dự án xây dựng tuyến Vành đai 1 (đường Phạm Văn Đồng). Đường Vành đai 2, 3 và 4 được hình thành, khi đó TP Hồ Chí Minh kết nối với các trục: Biên Hòa - Vũng Tàu; Long Thành - Dầu Giây; Thủ Dầu Một - Chơn Thành; quốc lộ 1K - Bình Phước; Mộc Bài - Tây Ninh; Trung Lương - Cần Thơ; Long An - Tiền Giang. Cùng với đó, hệ thống đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương; Bến Lức - Long Thành, vừa kết nối vừa thúc đẩy phát triển kinh tế liên vùng với các tỉnh Nam Bộ, trong đó, TP Hồ Chí Minh là hạt nhân.
Về hệ thống giao thông ngầm, hầm vượt sông Sài Gòn có thể xem là một dấu ấn của TP Hồ Chí Minh sau 40 năm giải phóng. Công trình này là một phần của dự án Đại lộ Đông Tây (nay là đường Võ Văn Kiệt) nối Quận 1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2), trong tương lai sẽ trở thành khu đô thị hạt nhân. Đây còn là công trình hầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam và hiện đại nhất Đông Nam Á. Hệ thống đường sắt đô thị (gồm: Tuyến Metro số 1, 2, 3A và 3B, 4, 5, 6) được kết nối liên hoàn có chiều dài hàng trăm kilômét, trong đó có hàng chục kilômét đi ngầm, với hệ thống nhà ga ngầm. Điển hình là tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), với công trình ga ngầm đầu tiên là ga Nhà hát thành phố có độ sâu lên tới 40m dưới lòng đất, được phân thành 4 tầng có đủ chức năng như: Trung tâm mua sắm, thương mại, nghỉ ngơi và các khu chức năng khác. Cùng với tuyến xe điện số 1, tuyến Monorail số 2, tuyến Monorail số 3, hệ thống cầu vượt trên cao, sẽ nối kết các khu đô thị vệ tinh TP Hồ Chí Minh.
Để tăng quỹ đất dành cho giao thông (vốn đã rất chật chội), trong tương lai khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 10 bãi đậu xe ngầm, gồm: Công viên Lê Văn Tám, Sân vận động Tao Đàn, Hoa Lư, khu vực Sân khấu Trống Đồng, Công viên 23 Tháng 9, Công viên Bạch Đằng… Khi hoàn thành, các bãi đậu xe ngầm sẽ trở thành "đô thị dưới lòng đất", bởi ngoài chức năng đậu xe thì còn có các tầng ngầm phục vụ cho mục đích thương mại, dịch vụ công cộng…
Trong nỗ lực thay đổi hoàn toàn diện mạo đô thị, chính quyền TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025, thành phố cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện. Nếu kế hoạch trên về đích đúng hẹn, TP Hồ Chí Minh sẽ góp phần giải quyết việc đồng bộ hệ thống ngầm và tạo ra diện mạo mới, tầm vóc mới cho thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.