(HNM) - Mỗi khi có chỉ thị, nghị quyết của Đảng được ban hành, câu hỏi đặt ra và mối quan tâm hàng đầu là mất bao lâu để đưa vào cuộc sống? Song, với Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội” (Nghị quyết 15), sự vào cuộc quyết liệt, bài bản đã được thể hiện rõ nét.
Sự khác biệt hiếm thấy
Được xác định là một nghị quyết quan trọng nên việc triển khai Nghị quyết 15 có nhiều điểm đặc biệt. Hiếm có nghị quyết nào vừa ban hành đã được tổ chức quán triệt triển khai khẩn trương như vậy.
Ngày 4-7-2017, Nghị quyết 15 được ký ban hành thì ngày 11-7-2017, Ban Thường vụ Thành ủy đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt quán triệt triển khai thực hiện. Khoảng một tháng sau, Nghị quyết 15 đã được phổ biến đến từng cán bộ, đảng viên. Sinh sống ở chung cư có mâu thuẫn nảy sinh giữa các hộ gia đình với chủ đầu tư, ban quản trị, đảng viên Nguyễn Quỳnh Nga (nhà N02, Khu ngoại giao đoàn, quận Bắc Từ Liêm) cho biết: “Ngay trong tháng 7-2017, tôi đã được phổ biến Nghị quyết 15. Chỉ cần các cấp, các ngành thực hiện đúng những giải pháp của nghị quyết, chắc chắn người dân sẽ được nhờ”.
Phụ trách địa bàn có 3 vụ việc được nêu trong Báo cáo số 102-BC/BTCTU của Ban Tổ chức Thành ủy, Bí thư Đảng ủy xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) Lê Thùy Linh khẳng định, ngay khi được tiếp cận với Nghị quyết 15, Đảng ủy xã nhận thức sâu sắc rằng đây chính là “cẩm nang” để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc xử lý dứt điểm những vụ việc phức tạp.
Là một trong những nơi đầu tiên quán triệt, triển khai Nghị quyết 15 trong toàn Đảng bộ, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho hay, đây là nghị quyết rất quan trọng nên Quận ủy xác định phải khẩn trương triển khai thực hiện. Ngay trong tháng 7-2017, nghị quyết đã được phổ biến đến đội ngũ cán bộ chủ chốt của 11/11 phường; các cấp đều cụ thể hóa nghị quyết phù hợp đặc thù địa bàn; phấn đấu không phát sinh những vụ việc mới.
Một điểm khác biệt nữa so với nhiều chỉ thị, nghị quyết trước đây là Kế hoạch số 51-KH/TU thực hiện Nghị quyết 15 được xây dựng, triển khai thực hiện đồng thời với nghị quyết. Do đó, quá trình thực hiện Nghị quyết 15 gần như không có độ trễ.
Cộng đồng trách nhiệm
Đến nay, ngoài Ban Chỉ đạo cấp thành phố do đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban, 30/30 quận, huyện, thị xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, phân công lãnh đạo trực tiếp phụ trách; định kỳ họp kiểm điểm tiến độ thực hiện từng phần việc, nhất là tiến độ giải quyết những vụ việc phức tạp thuộc diện theo dõi của cấp thành phố.
Việc thực hiện Nghị quyết 15 trở thành nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp gắn với triển khai nhiệm vụ chính trị. Thường trực Thành ủy thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo việc giải quyết các vấn đề về cơ chế chính sách; trực tiếp cho ý kiến đối với các điểm nóng, vụ việc phức tạp nổi cộm; trực tiếp tiếp công dân...
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhìn nhận: “Chưa khi nào, thành phố có cái nhìn tổng thể, đầy đủ về thực trạng tổ chức cơ sở Đảng và những vấn đề phức tạp ở cơ sở như vậy”. Thực vậy, 30 quận, huyện, thị ủy tiến hành rà soát, thống kê thêm 384 vụ việc phức tạp đưa vào danh sách theo dõi, chỉ đạo giải quyết ở cấp mình.
Các đảng ủy khối, đảng ủy trực thuộc Thành ủy cũng đã vào cuộc. Với Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội, nhiệm vụ được xác định là tăng cường nắm bắt tình hình gắn với đổi mới sinh hoạt chi bộ trong toàn Đảng bộ. Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội phát huy vai trò đội ngũ đảng viên trẻ ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền phòng ngừa hình thành điểm nóng mất an ninh trật tự...
Các ban Đảng Thành ủy, Văn phòng Thành ủy theo chức năng, nhiệm vụ đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 15. Ban Tổ chức Thành ủy là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, đã tập trung hướng dẫn các quận, huyện, thị ủy tổng hợp danh sách các tổ chức cơ sở Đảng không hoàn thành nhiệm vụ và tổ chức cơ sở Đảng được gợi ý kiểm điểm sâu hằng năm. Ban Nội chính Thành ủy theo dõi việc giải quyết các vụ việc phức tạp. Ban Dân vận Thành ủy phối hợp tổ chức tuyên truyền, nắm bắt tình hình nhân dân, tình hình dân tộc, tôn giáo...
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết cho biết: “Để nghị quyết đi vào cuộc sống, không thể đợi đến cuối nhiệm kỳ mới kiểm tra, mà phải kiểm tra liên tục xem cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy có thực hiện nghiêm túc hay không. Do đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã tham mưu tổ chức các đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy ngay sau năm đầu tiên thực hiện nghị quyết”.
Trong khi đó, thực hiện Nghị quyết 15, lần đầu tiên, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã ban hành hướng dẫn tuyên truyền giải quyết “điểm nóng”. Lãnh đạo ban đã trực tiếp xuống cơ sở trao đổi, hướng dẫn theo hướng “cầm tay chỉ việc” thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng không đứng ngoài cuộc. Ngay trong giải quyết “điểm nóng” ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cũng tích cực thực hiện công tác bảo đảm an sinh xã hội tại địa bàn. Nhờ sự động viên kịp thời, người dân đã thấy được sự cần thiết phải sớm đưa tình hình xã Đồng Tâm ổn định trở lại.
Có thể nói, với Nghị quyết 15, Thành ủy Hà Nội đã tạo tiền lệ tích cực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ cấp bách một cách đồng bộ, bài bản và quyết liệt ngay từ đầu. Thêm vào đó, được xây dựng từ thực tiễn cuộc sống, lại trúng với giải quyết nhu cầu bức thiết của người dân, nên tính hiệu quả của Nghị quyết 15 nhanh chóng được khẳng định trong cuộc sống.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.