LTS: Tháng 5 này là tròn 2 năm Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ (ngày 5-5-2022) của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Thời gian tuy chưa dài, nhưng bằng ý chí quyết tâm cao cùng những bước đi chắc chắn, bài bản, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã tạo ra những chuyển biến rõ nét, kết quả cụ thể trên nhiều lĩnh vực. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu loạt bài: "Hai năm Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị: Chuyển biến rõ nét, hiệu quả trông thấy" phản ánh về vấn đề này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng lưu ý các cấp ủy, đừng để nghị quyết thì rất là hay nhưng khi thực hiện thì gay trăm bề. Bắt tay vào triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện một cách bài bản, có nhiều đổi mới, từng bước chắc chắn, hiệu quả.
Sáng tạo và linh hoạt
Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị gồm 4 phần, nêu rõ 4 quan điểm, 2 mục tiêu, 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Nghị quyết nhằm tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế... Đặc biệt, nghị quyết đã chỉ rõ, phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt.
Cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/ TƯ của Bộ Chính trị, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU (ngày 26-8-2022) thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Ngoài 29 chỉ tiêu thực hiện, các phụ lục của Chương trình hành động đã phân công 96 nội dung nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương thuộc thành phố; đồng thời kiến nghị, đề xuất 74 nội dung nhiệm vụ đối với các cơ quan trung ương. UBND thành phố đã ban hành kế hoạch xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm, 20 chỉ tiêu cụ thể. Trên cơ sở đó, 100% cấp ủy Đảng trực thuộc Thành ủy đã ban hành kế hoạch thực hiện gắn với nhiệm vụ chính trị được giao.
Nhìn lại 2 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã tăng cường một bước đáng kể đối với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao một bước mới về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo: “Hệ thống các quy định, quy trình đối với công tác cán bộ của thành phố đã được hoàn thiện đầy đủ nhất từ trước đến nay và rất chặt chẽ. Thành phố còn đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm trong quản lý, đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động; kể cả cấp ủy cấp trên cơ sở trước chưa được đánh giá, nay cũng đã được đưa vào đánh giá, phân loại đầy đủ".
Đáng chú ý, Chỉ thị số 24-CT/TU (ngày 7-8-2023) của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” là nét mới sáng tạo trong việc ban hành nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy thành phố, được Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao. Với 25 biểu hiện “lượng hóa” được sự đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm đi kèm, Chỉ thị số 24-CT/TU thực sự tạo ra động lực mới cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc và phục vụ nhân dân. Từ sau khi chỉ thị được ban hành, nếu sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã để chậm trễ, có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao thì Ủy ban Kiểm tra Thành ủy hoặc Thanh tra thành phố vào cuộc tiến hành kiểm tra, thanh tra, giám sát ngay. Cán bộ lãnh đạo không thể hiện được năng lực thực hiện nhiệm vụ phải luân chuyển, điều động sang vị trí công tác khác.
Có thể nói “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” không những là chủ đề công tác của thành phố, mà đã trở thành tiêu chí, tiêu chuẩn hành động của các cấp, các ngành và từng cá nhân. Do đó, trong triển khai các nhiệm vụ chính trị nói chung và các nhiệm vụ Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị nói riêng, Hà Nội có sự sáng tạo, linh hoạt, đồng bộ, thống nhất cao. Đó là cơ sở giúp thành phố vững vàng trước những thử thách, thực hiện tốt những việc mới, việc khó.
Lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm
Trong những nhiệm vụ cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, thành phố Hà Nội đã lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra sức bật chung, lôi kéo, dẫn dắt sự phát triển. Trong đó, thành phố kiên trì thực hiện 3 việc lớn. Đó là đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô nhằm tạo bước đột phá về thể chế, cơ chế; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay, cả 3 nội dung lớn này đều đã đạt kết quả tốt, dự kiến Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 20-5 tới. Hai quy hoạch nêu trên cũng sẽ được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp này để xin ý kiến thống nhất, trên cơ sở đó Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành trong năm nay.
Với Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội được phân cấp, giao quyền mạnh hơn để thuận lợi và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị. Đó là thành phố có thể được giao thực hiện các dự án có tổng vốn trên 10.000 tỷ đồng như các dự án cầu vượt sông Hồng (Thượng Cát, Hồng Hà) và cả các dự án liên tỉnh, liên vùng khác như đường Vành đai 4...
Trong khi đó, với 2 bản quy hoạch quan trọng, Hà Nội sẽ xác định rõ định hướng không gian phát triển đô thị mang tính chiến lược để lên kế hoạch đầu tư, thu hút đầu tư. Hà Nội đã xác định sẽ tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng 2 thành phố trực thuộc là: Thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh) và thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai); đồng thời hình thành 5 trục phát triển, trong đó lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm.
Cùng với 3 nhiệm vụ lớn trên, Thành ủy đã chỉ đạo rất đúng và trúng một số nhiệm vụ mang tính đột phá vừa khắc phục những hạn chế, tồn tại, vướng mắc, vừa tạo năng lượng mới cho 3 trụ cột chính: Duy trì tăng trưởng kinh tế, giữ vững an ninh, quốc phòng và bảo đảm an sinh xã hội. Đó là đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; phát huy vai trò của văn hóa, đầu tư mạnh cho văn hóa, công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành nguồn lực phát triển mới và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, cải cách hành chính... Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, tới đây, thành phố tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền hơn nữa, việc gì quận, huyện, thị xã có thể làm tốt thì sẽ được phân cấp; thành phố chỉ kiểm tra, giám sát.
Đáng chú ý, tiếp sau phân cấp, ủy quyền, Thành ủy đã chỉ đạo triển khai thực hiện được một bước quan trọng việc đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy hoạt động của các sở, ngành, đơn vị thành phố. Sau khi khảo sát cụ thể tại 10 sở, cơ quan, đơn vị, các phương án sắp xếp đã được đề xuất, đưa ra thảo luận để đi đến thống nhất rồi thực hiện. Mặc dù đây là việc khó, phức tạp, nhạy cảm, nhưng thành phố quyết tâm thực hiện, bởi chỉ có như thế hiệu quả phục vụ, chất lượng công việc mới được nâng cao. Đây cũng chính là một trong những việc cụ thể hóa tinh thần, nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ.
Có thể khẳng định, dù mới chỉ đi vào cuộc sống 2 năm, nhưng Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã cho thấy tính khả thi cao, là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, sáng tạo. Nghị quyết đã, đang và sẽ là luồng sinh khí, nguồn động lực cho Hà Nội phát triển hướng tới mục tiêu trở thành Thủ đô thực sự “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.