Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Phải rất quyết liệt

Tuấn Khải| 16/08/2013 06:25

(HNM) - Trước



Hàng trăm khu đất đã, đang được đề nghị thu hồi. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giải pháp tạm thời bởi nhu cầu đất đai rất lớn, trong khi suốt một thời gian dài công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, xây dựng đã bị buông lỏng…

Bệnh viện Tim Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Bá Hoạt


Vì đâu nên nỗi?

Chuyện thiếu trường lớp, quá tải bệnh viện đã diễn ra từ hàng chục năm nay. Nguyên nhân cơ bản nhất chính là sự gia tăng dân số cơ học, sự hình thành hàng trăm khu đô thị mới trên khắp các quận, huyện. Điều đáng nói là khi lập quy hoạch, phê duyệt dự án xây dựng các khu đô thị mới, UBND TP Hà Nội đều yêu cầu phải dành quỹ đất phù hợp để bố trí trường học, cơ sở y tế và các công trình công cộng phục vụ dân cư trong dự án và các khu vực lân cận. Tuy nhiên, trong "cơn bão" phát triển bất động sản, các doanh nghiệp đều chỉ tập trung vào mảng biệt thự, nhà liền kề, nhà chung cư để bán thu lợi, mà lờ đi nghĩa vụ phải xây công trình công cộng, công ích. Kết quả là rất nhiều khu chung cư, khu đô thị mới trên địa bàn thành phố đã đưa vào sử dụng hàng chục năm nay mà không có trường học, cơ sở y tế. Và gánh nặng dân sinh bức xúc này lại dồn hết cho thành phố.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát tình hình xây dựng trường học tại các khu đô thị mới. Kết quả kiểm tra cho thấy, tại 10 khu đô thị đã đưa vào sử dụng gồm: Yên Hòa, Nam Trung Yên, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Mỹ Đình - Mễ Trì, Dương Nội, Văn Quán - Yên Phúc, Văn Phú… theo quy hoạch có 38 trường học nhưng hiện mới xây dựng và đưa vào sử dụng 27 trường. Trong đó có 4 trường công lập, còn lại 11 trường chưa xây dựng xong. Theo ông Nguyễn Kim Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, hầu hết các dự án khu đô thị mới trên địa bàn huyện đều chậm trễ trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, đặc biệt là xây dựng các trường học, vì các chủ đầu tư lấy lý do kinh phí xây dựng trường học là từ nguồn xã hội hóa nên phải chờ các nhà đầu tư thứ cấp. Ông Dương Cao Thanh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, khu đô thị tái định cư 5,3ha Dịch Vọng gồm 13 tòa nhà với tổng số dân khoảng 4.500 người, nhưng cả khu hiện chỉ có một trường mầm non, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 500 cháu. Thời gian qua, địa phương đã rất cố gắng phân tuyến để bảo đảm con em trong khu vực đều được học gần nhà, tuy nhiên đây là việc làm khó khăn, sức ép lên các cấp chính quyền địa phương rất lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong suốt thời gian dài, các cơ quan chức năng của thành phố đã buông lỏng công tác quản lý từ quy hoạch, xây dựng cho đến đất đai; chế tài xử lý sự chậm trễ, thiếu trách nhiệm của nhà đầu tư cũng rất yếu. Để rồi, sau hơn 10 năm phát triển "nóng" các khu đô thị mới, các tòa nhà chung cư cao tầng… Thủ đô thiếu trầm trọng trường, lớp, cơ sở y tế.

Khu đô thị tái định cư Dịch Vọng có khoảng 4.500 người nhưng hiện mới chỉ có một trường mầm non. Ảnh: Khánh Nguyên


Khó nhất là quỹ đất

Cách đây chừng 2 năm, dư luận đã rất ngạc nhiên trước thông tin còn tới 6 phường thuộc hai quận nội thành là Hai Bà Trưng và Đống Đa "trắng" trường mầm non công lập. Vào đầu năm 2012, Thành ủy - UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, bố trí quỹ đất để xây dựng ngay 8 trường mầm non tại hai quận. Một số trường đã được đưa vào sử dụng. Đó là những kết quả bước đầu để Hà Nội quyết liệt hơn nữa trong mục tiêu từng bước giảm tải hệ thống trường công lập, cơ sở y tế công lập.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố về việc thu hồi đất do vi phạm Luật Đất đai, Sở đã và đang thu hồi đất của 35 tổ chức với diện tích 827,8ha. Trong đó có 3 dự án đã giao cho UBND các quận, huyện xây dựng trường học, 32 dự án đã giao cho các đơn vị quản lý và lập phương án sử dụng đất theo quy hoạch. Mới đây, đã có 10/29 quận, huyện báo cáo đề xuất thu hồi đất của các tổ chức, đơn vị sử dụng không hiệu quả để xây trường công lập. Trong đó có nhiều khu đất thực sự là đất "vàng" giữa lòng Thủ đô. Đáng chú ý như: Khu đất rộng 3.158m2 tại phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội quản lý để xây Trường Mầm non Yên Phụ cơ sở 2; khu đất rộng 2.500m2 tại số 114 - Mai Hắc Đế (phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng) do Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo quản lý, sử dụng. UBND thành phố đã phê duyệt xây dựng Trường Tiểu học Bà Triệu và giao cho UBND quận Hai Bà Trưng lập dự án; khu đất rộng 4.000m2 tại 94-Lò Đúc (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) để xây dựng Trường THCS Phạm Đình Hổ; khu đất rộng 7.000m2 tại 418 - phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) do Công ty Kỹ thuật điện thông đang quản lý nhưng sử dụng không hiệu quả, vi phạm Luật Đất đai… Ngoài ra đợt này, các quận, huyện cũng kiến nghị thu hồi nhiều khu đất nhỏ lẻ khác.

Từ báo cáo của các quận, huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND thành phố chỉ đạo: Với mạng lưới trường học tại các dự án khu đô thị, khu nhà ở, các đơn vị nhận bàn giao quỹ đất xây dựng trường học phải có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất và nhận bàn giao đất, khẩn trương lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định, tránh tình trạng dân đã tới ở nhiều năm nhưng khu đất xây trường học vẫn bỏ hoang. Với các địa điểm xây dựng trường học công lập tại các khu dân cư mật độ cao, yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm khẩn trương tổng hợp hồ sơ sử dụng đất, các tài liệu liên quan đến giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm (nếu có) để rà soát quy hoạch và đề xuất phương án sử dụng đất.

Cùng với xây dựng trường học, thành phố cũng đang quyết liệt triển khai các dự án bệnh viện, cơ sở y tế. Dự án Bệnh viện Đa khoa 1.000 giường tại huyện Mê Linh đang được liên ngành báo cáo với thành phố, trong đó giai đoạn I là 600 giường, giai đoạn II là 400 giường; dự án Bệnh viện Nhi Hà Nội do Sở Y tế làm chủ đầu tư đã được UBND thành phố chấp thuận điều chỉnh địa điểm từ huyện Đan Phượng về huyện Từ Liêm, tuy nhiên vị trí mới này chưa được Thủ tướng chấp thuận nên đang phải tìm địa điểm khác. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đang phối hợp với các sở, ngành và UBND quận Hà Đông kiểm tra tình hình thực hiện dự án Bệnh viện Y học cổ truyền tư nhân An Việt tại quận Hà Đông để thu hồi, bố trí xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội. Với cụm 3 bệnh viện trên khu đất 10ha tại huyện Thạch Thất gồm Bệnh viện Xanh Pôn cơ sở 2 (500 giường), Bệnh viện Mắt (200 giường), Bệnh viện Tim (200 giường), hiện Sở Y tế đang phấn đấu hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500.

Nhiều ý kiến cho rằng, khó nhất là tìm được quỹ đất phù hợp với nhu cầu. Các khu đất nói trên đều rất đắc địa nên không dễ gì các doanh nghiệp, đơn vị đang sử dụng đất chịu từ bỏ. Do đó, để có thể chuyển đổi công năng thành đất xây trường học, bệnh viện…, UBND TP Hà Nội phải kiên quyết thu hồi, đồng thời có phương án cụ thể bố trí quỹ đất để di dời nhà máy, cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp. Có như vậy, tiến độ di dời, bàn giao đất mới diễn ra nhanh để các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ lập dự án và xây dựng công trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Phải rất quyết liệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.