(HNMO) - Dù có nhiều nỗ lực, thành phố Hồ Chí Minh khó đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi) vào năm 2025 như mục tiêu đã đề ra. Thành phố đang khẩn trương và mạnh dạn tìm, đề xuất cách làm mới để thực hiện mục tiêu này.
Cần tiền và đất xây trường
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố còn thiếu 8.000 phòng học để đạt chuẩn giáo dục 30 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học vào năm 2025. Nếu tính chi phí xây dựng mỗi phòng học khoảng 1,5 tỷ đồng thì số tiền cần để xây thêm 8.000 phòng trong 3 năm nữa là rất lớn, cần cả vốn ngân sách và thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Lê Hoài Nam thông tin, nếu theo chương trình cũ, thành phố cơ bản đủ phòng học (hiện có 47.623 phòng). Tuy nhiên, mỗi năm, dân số thành phố tăng thêm khoảng 200.000 người, trong đó có khoảng 40.000 học sinh các cấp. Hiện, trên giấy tờ, thành phố có 10 triệu dân, nhưng thực tế đang có 13 triệu người thường xuyên sinh sống.
“Hơn nữa, sức ép học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục phổ thông mới khiến số phòng học của thành phố càng thiếu hơn (cần hơn 56.500 phòng vào năm 2025 để 100% học sinh được học 2 buổi/ngày). Áp lực lớn nhất tập trung tại cấp học tiểu học và THCS, tỷ lệ này ở cấp tiểu học mới đạt 80,66%, cấp THCS đạt 76,03% học sinh được học 2 buổi/ngày”, ông Lê Hoài Nam nói.
Đáng chú ý, do sự phát triển trường lớp không đồng đều ở các địa phương, “gánh nặng” xây trường càng gia tăng. Đơn cử như tại huyện Bình Chánh, dù tiêu chuẩn mỗi trường không quá 30 lớp, sĩ số không quá 35 học sinh/lớp nhưng có những trường tại đây có hơn 90 lớp học, sĩ số trên 50 em/lớp. Tại quận Bình Tân, có đến 10 trường tiểu học có từ 60 lớp đến 90 lớp…
Thành phố Hồ Chí Minh còn đối mặt với một thách thức khác là thiếu đất xây trường. Giai đoạn 2023-2025, thành phố cần hơn 3,9 triệu m2 đất xây trường, nhưng mới chỉ có hơn 418.000m2 đất sạch và hơn 318.000m2 đất có tính khả thi cao trong thu hồi để triển khai đầu tư.
Kể cả khi đã có đất, việc triển khai xây trường cũng không dễ. Tính đến hết năm 2022, thành phố có 117 dự án giáo dục chậm thực hiện do nhiều nguyên nhân như bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa duyệt kế hoạch, chưa bố trí vốn, chưa thu hồi đất, điều chỉnh dự án... Trong đó, nhiều nhất là cấp tiểu học với 49 dự án, tiếp đó là mầm non với 36 dự án.
Tìm cách gỡ vướng
Thành phố Hồ Chí Minh đã từng trải qua giai đoạn khó khăn tương tự hồi đầu những năm 2000. Khi đó, do tốc độ dân số tăng nhanh, số trường lớp (dù đã được xây thêm hàng nghìn phòng học trước đó) không đủ chỗ cho khoảng 40.000 học sinh tăng mỗi năm, khiến học sinh phải học 3-4 ca/ngày.
Để giải quyết vấn đề, từ năm 2003, UBND thành phố đã chỉ đạo các địa phương rà soát quỹ đất để xây trường; ngân sách thành phố ưu tiên bố trí 3.000-4.000 tỷ đồng mỗi năm để xây trường. Nhờ đó, mỗi đầu năm học, thành phố có thêm hàng chục ngôi trường mới được đưa vào sử dụng. Nhiều người dân cũng đã hiến đất xây trường. Tại quận 12, trong 20 năm qua, đã có 285.000m2 đất được người dân hiến tặng, tổng giá trị gần 1.800 tỷ đồng. Huyện Cần Giờ có gần 340.000m2; huyện Bình Chánh hơn 300.000m2 đất được hiến tặng từ sự chung tay của người dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, những cách làm hiệu quả này vẫn đang được thành phố triển khai. Hiện, UBND các quận, huyện đã được giao rà soát quỹ đất trên địa bàn; lên kế hoạch di chuyển, thu hồi các kho bãi, khu đất bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả để xây dựng trường học; bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học.
Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ, theo quy định hiện hành, việc chuyển đổi thành đất giáo dục không đơn giản, vì phải làm lại quy hoạch, sẽ rất tốn kém và mất thời gian. Ngoài ra, đất quy hoạch xây trường mầm non, nhưng đến nay nhu cầu thực tế lại cần trường phổ thông, mà thủ tục chuyển đổi không dễ. Thành phố đã kiến nghị Trung ương cho phép thành phố được thí điểm ưu tiên dành quỹ đất công hiện có để xây dựng trường học, bao gồm cả cho chủ trương thực hiện hoán đổi, đấu giá quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, đất giáo dục hiện chưa có ưu đãi về giá, nên ở nhiều nơi tính mức quá cao, khiến nhiều nhà đầu tư “chùn tay” khi muốn xây trường.
Bà Trần Phương Hoa, đại diện Tập đoàn Giáo dục Equest (thành phố Hồ Chí Minh), đề xuất: “Mong cơ quan chức năng cân nhắc việc ban hành khung giá riêng cho đất giáo dục, có thể bằng 1/15 đến 1/20 giá đất thổ cư; đổi mới và giảm các thủ tục hành chính cho việc tiếp cận đất, xây dựng, đầu tư và vận hành trường học… để nhà đầu tư chúng tôi có thêm động lực triển khai dự án”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.