Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Nỗ lực vượt lên khó khăn

Hương Ly| 21/05/2019 06:56

(HNM) - Đã hơn 7 năm đi vào cuộc sống, nhưng việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020” vẫn còn không ít khó khăn.

Chi bộ hoạt động tốt đã tạo nên khối đoàn kết, gắn bó bền chặt trong tập thể người lao động, góp phần giúp Bắc Á Bank có kết quả tốt trong kinh doanh.


Đảng viên xin nghỉ phép... dự họp chi bộ

Đó là chuyện phổ biến tại nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hà Nội, khi hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể không được thuận lợi như ở các doanh nghiệp nhà nước.

Nguyễn Thảo Vân, công nhân Công ty TNHH Yasufuku Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh) là một đảng viên trẻ. Động lực để Thảo Vân phấn đấu trở thành đảng viên là mong muốn rèn luyện, trưởng thành hơn trong công việc và cuộc sống. Chia sẻ về hoạt động sinh hoạt Đảng tại doanh nghiệp, Thảo Vân cho biết, Chi bộ Công ty TNHH Yasufuku Việt Nam được thành lập năm 2017 và có 8 đảng viên, trực thuộc Đảng ủy Khối các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Mặc dù công tác Đảng được chủ doanh nghiệp người Nhật Bản ủng hộ, song các cuộc họp chi bộ đều phải tổ chức vào ngày nghỉ, thậm chí đảng viên phải xin nghỉ phép nếu tham dự học tập, quán triệt nghị quyết.

Đồng chí Phạm Khắc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất thành phố Hà Nội cho biết, công tác xây dựng, phát triển tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đặc biệt là với doanh nghiệp FDI luôn là lĩnh vực khó. Bởi mục tiêu cao nhất của nhà đầu tư là hoạt động sản xuất kinh doanh, nên sự quan tâm, phát triển các hoạt động mang tính chính trị ít được chú trọng. Mặt khác, do đặc thù sản xuất ca kíp nghiêm ngặt, địa điểm các khu công nghiệp lại nằm cách xa trụ sở Đảng ủy Khối, vì vậy, việc tổ chức lớp học, quán triệt nghị quyết Đảng cũng phải tính toán hợp lý để giảm chi phí, thời gian đi lại cho đảng viên.

“Nhiều chủ doanh nghiệp dù không phản đối việc thành lập chi bộ Đảng nhưng tư tưởng chưa “thông”. Với những trường hợp như vậy, phải dùng lý lẽ thuyết phục. Tôi từng thẳng thắn đề nghị chủ một doanh nghiệp khách quan đánh giá, trong số những đảng viên đang làm việc tại đơn vị, có cá nhân nào không hoàn thành nhiệm vụ hay không? Vị này phải thừa nhận, đảng viên đều là những cá nhân luôn tiên phong, gương mẫu và luôn dẫn đầu trong các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh. Kết quả đó là minh chứng sinh động để thuyết phục các chủ đầu tư ủng hộ hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp”, đồng chí Phạm Khắc Tuấn chia sẻ .

Còn đó những khó khăn

Trực tiếp gặp gỡ và trao đổi với những người làm công tác phát triển Đảng tại doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước mới thấu hiểu được những khó khăn trong việc triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU.

Được thành lập từ năm 2017, với 13 chi bộ và 92 đảng viên, đến nay, Đảng ủy Khối doanh nghiệp huyện Mê Linh có 21 chi bộ với 136 đảng viên. Thế nhưng Đảng ủy Khối hiện có duy nhất một cán bộ chuyên trách chính là đồng chí Bí thư Đảng ủy Khối.

Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp huyện Mê Linh Đinh Văn Lâm cho biết, để thành lập được tổ chức Đảng tại doanh nghiệp, phải đi lại, trao đổi, gặp gỡ vận động nhiều lần, thời gian có khi kéo dài cả năm. Ngoài việc tuyên truyền, thuyết phục, thậm chí phải vận dụng cả các mối quan hệ thân quen để tác động chủ doanh nghiệp tạo điều kiện cho việc thành lập tổ chức Đảng. Thế nhưng, ở nhiều doanh nghiệp có đủ số lượng đảng viên để thành lập chi bộ, các đảng viên lại do dự không muốn chuyển sinh hoạt đảng về doanh nghiệp mà muốn tiếp tục sinh hoạt tại địa phương.

Tại quận Hoàn Kiếm, một trong những địa bàn triển khai tốt Nghị quyết số 09-NQ/TU, với 48 chi bộ trực thuộc và 460 đảng viên, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước quận Hoàn Kiếm Vũ Thị Xuân Mai cũng thừa nhận, việc vận động thành lập tổ chức Đảng tại doanh nghiệp luôn là nhiệm vụ khó, vì những đơn vị tâm huyết với công tác Đảng đều đã thành lập chi bộ. Trong khi đó, do đặc thù công việc, đảng viên tại doanh nghiệp thường xuyên phải đi công tác xa đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sinh hoạt chi bộ. Mặt khác, đội ngũ cán bộ cấp ủy các chi bộ đều kiêm nhiệm, chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng, nên tiến độ phát triển Đảng tại cơ sở chưa bảo đảm kế hoạch.

Trong khi đó, Quận ủy Đống Đa hiện đang quản lý 56 tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, với 489 đảng viên, được thành phố đánh giá là một trong những đơn vị thực hiện tốt Nghị quyết số 09-NQ/TU. Tuy nhiên, công tác phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước ở đây cũng không dễ dàng.

Trong quý I-2019, Ban Chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước quận Đống Đa đã khảo sát 96 doanh nghiệp, lập danh sách được 52 đơn vị có điều kiện để vận động thành lập tổ chức Đảng và các đoàn thể. Nhưng, theo đồng chí Đỗ Văn Hương, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo, doanh nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ với số lượng lao động chỉ từ 3 đến 5 người nên việc có đảng viên, tiến tới thành lập tổ chức Đảng rất khó. Nhiều doanh nghiệp trong tình trạng thiếu việc làm, đảng viên phải nghỉ việc dẫn đến giải thể doanh nghiệp và tổ chức Đảng luôn là nỗi lo thường trực đối với Quận ủy Đống Đa.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Văn Xuân cho biết, ngoài việc có quy mô nhỏ, chủ doanh nghiệp tư nhân thường không phải là đảng viên nên nhận thức về Đảng còn hạn chế. Tại địa phương có trường hợp chủ doanh nghiệp tâm huyết, rất mong mỏi đứng trong hàng ngũ của Đảng, nhưng khâu xét duyệt, phê chuẩn cũng phải rất thận trọng. Theo hướng dẫn của Trung ương, việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân phải được Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy đồng ý bằng văn bản, cấp ủy có thẩm quyền xem xét, quyết định. “Khi chủ doanh nghiệp chưa là đảng viên, việc thành lập chi bộ sẽ thiếu vắng sự ủng hộ của “ông chủ”, khiến việc triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU gặp nhiều rào cản” - đồng chí Nguyễn Văn Xuân nhấn mạnh.

Nhưng vượt lên khó khăn, tổ chức Đảng ở không ít doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước vẫn phát triển tốt, có uy tín, vị thế với chủ đầu tư…

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Nỗ lực vượt lên khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.